Hội nghị An ninh Munich: Làm sao để 'cùng thua' trở thành 'cùng thắng'?

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 đã bế mạc sau ba ngày thảo luận về các thách thức an ninh, trong đó các nhà lãnh đạo phương Tây bày tỏ lo ngại về những rủi ro địa chính trị và sự bất ổn của trật tự toàn cầu.

Nói với nhau chứ không phải nói về nhau

Với hơn 900 người tham dự, khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và chính phủ, hơn 100 bộ trưởng cũng như đại diện của các tổ chức tư vấn, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp, Hội nghị An ninh Munich (MSC) là một trong những cuộc hội ngộ quan trọng nhất thế giới về chính sách an ninh quốc tế. Hàng năm, những người tham gia tập trung tại khách sạn Bayerischer Hof để thảo luận về những thách thức chính đối với an ninh toàn cầu. “Cam kết và tương tác với nhau: Đừng rao giảng, không phớt lờ nhau” - đó là “Quy tắc Munich”; đồng thời cũng sẽ là chủ đề chung xuyên suốt Hội nghị An ninh Munich năm nay. Nói cách khác, ý tưởng thiết kế cuộc gặp này là để các bên nói chuyện với nhau và học hỏi lẫn nhau, thay vì nói về nhau.

Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60. Ảnh: securityconference.org/

Các nước đang “cùng thua”?

“Cùng thua” (lose-lose) là chủ đề nổi bật của Hội nghị An ninh Munich 2024. Đây cũng là tiêu đề của báo cáo năm nay của Hội nghị, trong đó các tác giả lo ngại rằng do căng thẳng địa chính trị và sự bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng, nhiều chính phủ không còn tập trung vào lợi ích của hợp tác toàn cầu. Thay vào đó, theo quan điểm của các tác giả, nhiều quốc gia ngày càng lo ngại rằng họ được hưởng lợi ít hơn từ hợp tác quốc tế so với các quốc gia khác. Họ cảnh báo rằng trọng tâm này có thể làm nảy sinh tâm lý “được mất”. Nói cách khác, các quốc gia cảm thấy họ không có lợi trong mối quan hệ hợp tác hiện nay và tạo ra một vòng xoáy đi xuống nguy hiểm cho tiến trình hợp tác quốc tế và làm xói mòn trật tự quốc tế hiện tại.

Đánh giá này liệu có chính xác không? Và nó phản ánh tâm lý nào của phương Tây, đặc biệt là châu Âu?

Nếu chúng ta nhìn lại các Hội nghị An ninh Munich trong những năm gần đây, công bằng mà nói, đánh giá tình hình “cùng thua” ở một mức độ nào đó là chính xác.

Thế giới ngày nay đã bước vào thời kỳ hỗn loạn và biến đổi nhanh chóng. Đối với các nhà quan sát phương Tây, họ có xu hướng tin rằng tình hình quốc tế hiện nay đang hỗn loạn hoặc thậm chí mất trật tự.

Đó là lý do tại sao báo cáo sử dụng một số khái niệm để mô tả những quan sát của họ, chẳng hạn như "lạc quan" và "bi quan", "lợi ích tuyệt đối" và "lợi ích tương đối" và lập luận rằng "trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng và sự bất ổn kinh tế gia tăng, nhiều chính phủ không còn tập trung vào lợi ích tuyệt đối của hợp tác toàn cầu mà ngày càng lo ngại rằng họ đang thu được ít hơn các nước khác”.

Một mặt, các tác giả của báo cáo dường như nhận ra rằng trật tự thế giới, vốn lấy phương Tây làm trung tâm, ngày càng trở nên khó duy trì. Dựa trên nhận định hợp lý như vậy, họ phải chấp nhận một thế giới đa cực phi tập trung hoặc đang nổi lên, và họ phải nghiêm túc coi sự trỗi dậy của các quốc gia và lực lượng không thuộc phương Tây là bình đẳng.

Nhưng mặt khác, họ không thể chấp nhận ý tưởng từ bỏ vị trí trung tâm của thế giới. Vì vậy, phương Tây đang bị thiêu đốt bởi cảm giác mất mát và thất vọng mạnh mẽ, trong khi vẫn cố gắng giữ vững niềm tin vào bản thân.

Làm sao để “cùng thắng” (win-win)?

Việc đầu tiên là phải suy nghĩ lại mối quan hệ giữa các cường quốc trên thế giới, điều này có thể quyết định liệu thế giới sẽ tiếp tục giằng co trong vũng bùn “cùng thua” hay có thể tìm cách lối thoát để “cùng thắng”.

Việc tái cơ cấu quan hệ quốc tế giữa phương Tây với phần còn lại của thế giới sẽ đưa đến một lối thoát như vậy. Nói cách khác, các cường quốc cần thiết lập mối quan hệ lành mạnh hoặc đúng đắn với các nước khác, đặc biệt là Nam bán cầu.

Nam bán cầu nhận được sự quan tâm đặc biệt trong đánh giá an ninh năm nay. Kể từ năm ngoái, Hội nghị An ninh Munich đã chú trọng nhiều hơn đến các nước Nam bán cầu. Một trong số đó là thái độ của Nam bán cầu đối với cách tiếp cận của phương Tây với Ukraine.

Một điểm nữa nằm ở chỗ, các cường quốc trên thế giới tuy có những điểm chung nhưng cũng khác nhau về nhiều mặt. Họ nên cố gắng tìm sự cân bằng giữa những điểm tương đồng và khác biệt trong sự tương tác của họ.

Ngày nay, phương Tây có xu hướng nhấn mạnh quá mức đến những khác biệt của mình với phần còn lại của thế giới, chẳng hạn như những khác biệt về chính trị-thể chế và ý thức hệ. Điều đó làm suy yếu việc thiết lập các mối quan hệ lành mạnh. Để các nước lớn hợp tác cùng nhau, họ cần tôn trọng lẫn nhau và coi những khác biệt của họ có thể được chấp nhận bởi nhau.

Cuối cùng, các cường quốc trên thế giới không nên chỉ dành sức lực cho việc theo đuổi lợi ích riêng của mình; đúng hơn, họ nên ưu tiên những nỗ lực giúp thế giới vượt qua nhiều vấn đề khác nhau. Nếu các nước để bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu giữa các cường quốc, thì họ sẽ chỉ khiến thế giới trở thành một nơi nguy hiểm hơn.

Thúc đẩy hợp tác giữa các nước lớn không phải là việc dễ dàng nhưng thực sự cần thiết. Khôi phục lòng tin và xây dựng sự tôn trọng lẫn nhau nên là những bước đầu tiên.

Trong khi phương Tây có xu hướng kết bạn “cùng chí hướng về chính trị”, thì chủ nghĩa đa phương thực sự có thể chính là giải pháp của những bế tắc hiện nay.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/hoi-nghi-an-ninh-munich-lam-sao-de-cung-thua-tro-thanh-cung-thang--i360514/