Hội hè thường diễn ra vào thời gian nào?

Mồng ba tháng giêng, làng Thị Cầu đã có hội với tục ném pháo và những cuộc chọi gà rất gay cấn.

Bỏ qua những ngày hội được tổ chức trong năm, ba ngày Tết chưa xong, hội hè đã bắt đầu với những trò vui thưởng xuân.

Mồng ba tháng Giêng, làng Thị Cầu đã có hội với tục ném pháo, với những cuộc chọi gà rất gay cấn; ngày mồng bốn làng Hữu Chấp huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh và làng Tích Sơn huyện Tam Dương đều có hội với tục nam nữ kéo co; ở làng Hữu Chấp, thanh niên hai giáp kéo co ở làng Tích Sơn, với nhiều tục khác ở cả hai làng như hát quan họ, thổi cơm thi...;

Mồng năm hội làng Vân Ổ, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) với tục đánh đu, tục hát quan họ; mồng sáu hội làng Khả Lễ ở Bắc Ninh, hội làng Ô Mễ huyện Vũ Tiên tỉnh Thái Bình với các tục hát quan họ, đánh đu ở Vân Ổ, đánh trung bình tiên ở Ô Mễ v.v..., mồng bảy hội làng Đông Cảo (Bắc Ninh) với các tục hát quan họ, đánh đu. Và cùng trong những ngày bốn, năm, sáu tháng Giêng, hội vật ở làng Mai Động (Hà Nội) nơi có đền thờ Bà Lê Chân.

Mỗi ngày mỗi hội, không ở làng này thì ở làng khác, không ở tỉnh này thì ở tỉnh khác, hội hè liên tiếp suốt tháng Giêng, có thể nói suốt trong cả tháng hai và một phần lớn tháng ba âm lịch nữa.

Ở trên chúng tôi chỉ nhắc đến những hội hè ở các nơi chúng tôibiết, còn những nơi khác chúng tôi không biết, tất nhiên rất nhiều làng cũng mở hội vào những ngày tháng tôi đã nhắc trên.

Ba tháng xuân có hội, tháng tám mùa Thu, thôn quê cũng lại có hội, như làng Thị Cầu mở hội từ ngày mồng bảy đến hết 15 tháng tám, như hội đền Kiếp Bạc, hội đền Bảo Lộc, nơi quê hương của Hưng Đạo vương v.v...

Hội chọi gà dân gian. Nguồn: Báo Bình Định.

Dân ta mở hội vào hai mùa thu trước hết là vì lý do rỗi rãi, nhưng cũng vì xuân tiết ấm áp và thu tiết mát mẻ, mùa xuân bắt đầu cho một năm, mùa thu đánh dấu cho một mùa tốt đẹp trở lại sau những vụ nước, vụ gió bão dân quê phải lo lắng với mùa hè. Thời tiết và gió bão ở đây căn cứ theo khí hậu miền Bắc, chứ thực ra đối với miền Trung thì ngày lo cuối cùng của dân là ngày 23 tháng mười, qua ngày này mới hết bão lụt. Ca dao miền Trung có câu:

Ông tha mà bà chẳng tha,

hết mười lăm tháng tám đến hăm ba tháng mười.

Còn như ở miền Nam, tất nhiên mùa xuân không phải là mùa ấm áp.

Tổ tiên ta trước đây khai nguyên ở miền Bắc, hội sống đã được tổ chức theo những yếu tố hoàn cảnh địa dư, khí hậu miền Bắc.

Không nói gì đến hội hè đình đám; xuân, thu nhị kỳ, dân ta còn có tục xuân tế, thu tế.

Tóm lại thời gian của hội hè đình đám trước đây là ba tháng xuân và tháng tám.

Những tổ chức của hội hè đình đám

Để nhằm vào những mục đích đã nêu trên, những hội hè đình đám phải có những tổ chức đáp ứng cho mỗi mục tiêu. Thường trường thiên từ phú, nội dung tả cái cảnh thanh bình của dân làng với tất cả những điều tốt đẹp làng xóm được hưởng, có nhắc tới cả những danh lam thắng cảnh trong làng, đoạn chính kể lại những công đức của Đức Thành hoàng, nhờ Ngài mà dân làng được thịnh vượng bình yên, nhờ Ngài mà bao nhiêu thiên tai nghịch khí đã tránh được.

Đoạn kết của lời khánh chúc, dân làng dâng lên Ngài sự biết ơn và cầu xin Ngài luôn luôn phù hộ cho dân làng. Để lời khánh chúc được tuyên đọc long trọng, dân làng có giải thưởng cho những người lên đọc.

Ai cũng có thể xin lên đọc lời khánh chúc được, người làng hoặc một người lạ tới dự hội làng.

Đọc lời khánh chúc phải trơn tru gãy gọn từ đầu đến cuối không được sai chữ nào. Một tay văn tự trong làng được cử cầm trống giám sát việc đọc, mỗi chữ đọc sai đánh một tiếng trống.

Đây là một nghi tiết trong việc sự thần, nhưng đây cũng là một cuộc mua vui của dân làng.

Trên đây, chúng tôi phác sơ qua về những hình thức liên quan tới việc tế lễ trong những buổi hội hè đình đám. Đây chỉ là những điểm chính, nhưng có thể còn có những nghi tiết của từng địa phương, tùy làng, tùy xã, chúng tôi không đề cập tới hết được.

Toan Ánh/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoi-he-thuong-dien-ra-vao-thoi-gian-nao-post1460952.html