Hội Dòng Ảnh phép lạ ở Tây Nguyên: Yêu thương chính là hạnh phúc

Giữa xã hội hiện thực và niềm tin Thiên Chúa, gần 70 năm qua, các nữ tu người dân tộc thuộc Hội Dòng Ảnh phép lạ ở Kon Tum với đời sống phục vụ tràn đầy yêu thương đã tìm tới khắp các bản làng, thu phục nhân tâm, trao cho trẻ mồ côi một cơ hội thay đổi cuộc đời. Họ lặng lẽ sống, không oán giận khó khăn, không từ bỏ trước thất bại. Vì dân tộc mình. Vì một tình yêu với Tây Nguyên.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Mẹ Bề trên Y Lanh và Hiệp sĩ Đại thánh giá
Lê Đức Thịnh trong mùa Noel 2015. (Ảnh: Hoàng Long).

1. Miền đất ấy, chúng ta gọi là Tây Nguyên, quả thực một miền đất huyền ảo. Nhà Tây Nguyên học Jacques Dournes từng nói "Nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu". Với Tây Nguyên cũng vậy, nếu muốn hiểu nơi này phải có một tình yêu sâu đậm. Và càng hiểu sẽ càng không thể không yêu đến say đắm vùng đất và con người nơi đây.

Trân trọng những công lao đóng góp của các nữ tu sĩ Dòng Ảnh phép lạ trong gần 70 năm qua, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, với tình cảm của người mẹ, các sơ là những người luôn giang tay đón nhận, bảo bọc và nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, tạo hành trang cho các em bước vào đời. Việc làm ý nghĩa của các sơ đã góp phần cùng với chính quyền địa phương giảm đi những gánh nặng về an sinh xã hội.

Tôi đã trở đi trở lại nhiều lần với Tây Nguyên nhưng lần nào cũng mang tới những trải nghiệm mới, khi là Tây Nguyên của những ngày nắng lúc lại là Tây Nguyên của những ngày mưa.

Trong hai mùa mưa nắng ấy, cuộc hạnh ngộ với các nữ tu thuộc Hội Dòng Ảnh phép lạ là một nhân duyên không dễ gì có được.

Noel 2015, chúng tôi theo đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đến thăm và chúc mừng Giáng sinh đồng bào công giáo thuộc hai giáo phận Kon Tum và Buôn Ma Thuột.

Một trong những nơi mà người đứng đầu Mặt trận dành nhiều thời gian chia sẻ chính là Hội Dòng Ảnh phép lạ.

Hội Dòng Ảnh phép lạ- một tên gọi mà trên thế giới cũng ít người nghe đến lại là một Hội dòng chỉ chuyên dành cho các thiếu nữ người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, đặc biệt ở Kon Tum- giáo phận lâu đời nhất ở Tây Nguyên.

Dòng Ảnh phép lạ Kon Tum đã được Tòa Thánh Vatican phê chuẩn từ ngày 3/2/1947, do Đức Cha Jean Sion Khâm chính thức công bố thành lập ngày 6/4/1947.

Khi thiết lập Hội Dòng, Đức Cha Jean Sion Khâm xin Mẹ Maria làm Phép lạ, ban cho các sơ người dân tộc cảm hóa được cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên lúc bấy giờ đang hết sức mê tín, lạc hậu, trở thành những con người tiến bộ, biết hòa nhập vào cuộc sống của xã hội văn minh để có thể trở thành những người con của Chúa, biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.

Với mục đích cao cả ấy, các nữ tu là những chị em người dân tộc Giarai, Xơđăng, Bahnar, Rơngao, Deh, Jră, Jơlơng… đã dùng chính đời sống phục vụ đầy tràn tình yêu thương, cùng với tiếng nói bản địa của mình để thu phục nhân tâm và nuôi nấng hàng trăm đứa trẻ bất hạnh. Chính nhờ các sơ mà hạt giống Tin mừng ngày càng được gieo rắc khắp các bản làng.

Gần 70 năm đã trôi qua, hiện nay Hội Dòng cũng chỉ mới có 136 nữ tu, 10 dự khấn, phục vụ ở 27 Cộng đoàn thuộc Giáo phận Kon Tum. Trong đó có 6 Cộng đoàn là những Nhà Vinh Sơn- nuôi dạy hơn 800 trẻ mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bên cạnh đó là những Cộng đoàn chuyên chăm sóc những bệnh nhân phong cùi.

Nhà Dòng nằm nép mình, khiêm nhường trên đường Nguyễn Huệ, TP Kon Tum, đối diện với công trình kiến trúc nổi tiếng của đồng bào Công giáo - Nhà thờ Gỗ Kon Tum. Cánh cửa Nhà Dòng lúc nào cũng rộng mở nhưng ẩn chứa bên trong là một đời sống như đã khép lại từ rất lâu rồi.

Trong Công giáo, nữ tu sĩ là những người có cuộc sống ẩn dật khép kín trong các tu viện để suy niệm và cầu nguyện cho sự cứu vớt các linh hồn tha nhân nhưng các nữ tu mà chúng tôi đã gặp tại Hội Dòng Ảnh phép lạ lại sống một cuộc sống của sự dấn thân vào đời vừa cầu nguyện vừa phục vụ cho người nghèo…

Nhưng với họ việc “tiếp xúc với thế giới bên ngoài” vẫn luôn có danh giới, được thực hiện trong một vài chừng mực nhất định và cũng vì không có nhiều người biết đến sự tồn tại của một Nhà dòng với cái tên nghe rất lạ: Dòng Ảnh phép lạ.

Bởi vậy, sự kiện một Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đến thăm Nhà dòng là điều vượt quá sức tưởng tượng của các nữ tu người dân tộc nơi đây.

“Chưa khi nào Nhà Dòng nhỏ bé này lại được đón tiếp nhiều người đến như vậy. Cũng chưa khi nào chúng tôi lại được diện kiến một trong những vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước gần gụi, chân tình đến thế”, Mẹ Bề trên Y Lanh đã chia sẻ trong niềm cảm kích.

Với người Công giáo, năm 2016 được xem là Năm kỷ niệm của lòng thương xót. Đó cũng là lời mời gọi sống lòng thương xót theo gương Thiên Chúa, đừng xét đoán và kết án hãy tha thứ và yêu thương.

Yêu thương là món quà duy nhất làm giàu cho người nhận nhưng không làm nghèo đi người đã sẻ chia nó. Ngắm nhìn hàng trăm đứa trẻ mồ côi ở những cơ sở Vinh Sơn thuộc Dòng Ảnh phép lạ sống trong vòng tay của các nữ tu sĩ, có ai nghĩ, chúng ta thực sự đã yêu thương?

Với các nữ tu sĩ ở Hội Dòng Ảnh phép lạ, yêu thương người khác vô điều kiện chính là hạnh phúc. Hơn nữa chế độ mẫu hệ - một trong những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên đã giúp cho các sơ có thêm bản năng, tình yêu, trách nhiệm của một người mẹ.

Như Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, các sơ chưa từng một lần làm mẹ, nhưng những yêu thương mà các sơ nguyện dành cho trẻ mồ côi còn lớn lao hơn cả một người mẹ.

Có một kho tàng yêu thương trong cuộc sống vô cùng lớn lao và bất chấp tất cả đó là lòng yêu thương của người mẹ. Nhưng sự thật lại có những điều lớn lao hơn thế ở ngay tại đây, trong trái tim của những nữ tu sĩ Dòng Ảnh phép lạ. Và đó là lý do để chúng tôi quay trở lại.

Linh mục Giesu Đỗ Hiệu, Quản hạt vùng Kon Tum rất trân trọng những việc làm âm thầm của các nữ tu sĩ Hội Dòng Ảnh phép lạ. Các sơ đã lấy lý tưởng sống yêu thương phục vụ người khác. Chắc chắn đời không có lý tưởng, con người không thể sống một cách an tâm, an vui được.

2. Trở lại Tây Nguyên khi mùa mưa bắt đầu, mọi nẻo đường và cao nguyên hoang vu lại như tươi mới hơn. Mưa cũng làm cho những con đường đất bazan lầy lội cuộn lên từng lớp bùn đỏ. So với cách đây 1 năm, đường về cơ sở Vinh Sơn 4 của Dòng Ảnh phép lạ tại thôn 10, xã Đăk Tờ Rê, huyện Kon Rẫy, Kon Tum đã dễ đi hơn rất nhiều. Nhưng những cơn mưa trắng trời khiến xe chúng tôi không dễ dàng di chuyển trên nhiều đoạn đường đèo dốc.

Vinh Sơn 4 cách thành phố Kon Tum gần 30 cây số như nằm lọt thỏm giữa núi rừng. Đây là một trong 6 cơ sở bảo trợ xã hội của Dòng Ảnh phép lạ, hiện có 4 sơ đang chăm sóc, nuôi dưỡng 190 trẻ mồ côi.

Khi chúng tôi đến, sơ Y Vân, phó phụ trách Cộng Đoàn Nhà Vinh Sơn 4 vừa mới đi rẫy về. Trong bộ quần áo giản dị, còn lấm lem bùn đất, sơ Y Vân nở nụ cười rạng ngời chia sẻ với chúng tôi, “trời mưa mãi thôi, sơ định đi rẫy mà đường trơn trượt đi không nổi”.

Sơ Y Vân năm nay gần 30 tuổi, cuộc sống nghèo khó, thanh khiết giữa núi rừng cùng với việc phải trông coi gần 200 đứa trẻ khiến sơ già dặn hơn so với tuổi của mình nhưng chính sự nhẹ nhàng, hoạt bát, nụ cười tươi tắn và giọng nói du dương của sơ luôn khiến người khác phải nhớ tới với muôn sự trìu mến.

Tôi luôn tự hỏi, nếu không đi tu thì bây giờ Y Vân sẽ trở thành người như thế nào? Sơ Y Vân cười tươi bảo, “sơ sẽ lấy chồng. Nếu may mắn lấy được một người chồng hiểu và thương mình thì đó là hạnh phúc. Nhưng sơ đã đi tu rồi, Chúa thương mình, đó là hạnh phúc”.

Có lẽ đối với một người ngoại đạo, để hiểu được hạnh phúc của một nữ tu sĩ không phải là điều đơn giản và tôi cũng không cố tìm hiểu thay vào đó ngắm nhìn Y Vân chạy lăng xăng khi thì lo chuyện lên rẫy, lúc chạy xuống vườn rau, chăm mấy con heo rừng rồi lo bữa ăn cho gần 200 đứa trẻ, nhất là lúc chúng ốm đau, phá quấy, nghịch ngợm không chịu học hành…

“Bọn trẻ đến từ bản làng, từ đứa trẻ vừa mới sinh ra cho đến những đứa đang đi học trung học, cao đẳng, dù có học giỏi và ngoan hiền cách mấy cũng như những con thú giữa rừng, bây giờ ràng buộc vào trong chuồng thì nó bất kham. Lo nhất là khi chúng đi học, có những thứ cám dỗ rất đáng sợ”, Y Vân chia sẻ.

Thứ “đáng sợ” mà Y Vân cũng như nhiều sơ ở các Nhà Vinh Sơn lo lắng hay nhắc đến là “game”- trò chơi điện tử suy cho cùng cũng là một nỗi lo lắng của rất nhiều cha mẹ với con trẻ thời nay ở trong bất cứ gia đình nào.

A Long trong vòng tay của sơ Y Vân và Mẹ Bề trên Y Biut.

Dù rất thương bọn trẻ nhưng sức vóc bé mọn, các sơ không thể cùng một lúc ôm hết cả 200 đứa trẻ vào lòng cưng nựng, dỗ dành chúng. Các sơ còn phải bươn chải lên rẫy trồng rau, trồng mì để gia tăng thực phẩm cho mỗi bữa ăn, trồng cao su, hồ tiêu, cà phê để lấy tiền trang trải cho cuộc sống.

Ấy vậy mà 3 bữa ăn cho gần 200 con người trong một ngày cũng chỉ 1,5 triệu đồng, tính ra mỗi suất khoảng 6 ngàn đồng. Món ăn đặc trưng và được gọi là truyền thống của các nhà Vinh Sơn đó là rau đọt mì. Đọt khoai mì được luộc hoặc nấu canh, món ăn mà không một người dân tộc nào không ăn. Chúng tôi cũng từng ăn thử nhưng không dễ vì mùi vị rất nồng và khó nuốt, thế mà ở đây, trong căn nhà đơn sơ và ấm cùng này ai cũng ăn một cách ngon lành.

Mưa Tây Nguyên xối xả liên miên khiến người mới đến không phân biệt nổi thời gian. Một ngày như dài thêm với những cơn mưa nối dài không dứt. Cuộc trò chuyện của chúng tôi đôi lúc bị ngắt quãng và rơi vào im lặng bởi những nỗi niềm không dễ để nói ra.

Y Vân mang tới cho chúng tôi dăm quả chuối chín cây và một chút nước lọc. Những quả chuối trong vườn nhà có mùi thơm rất tự nhiên, ngọt đậm, mềm mịn.

Tôi hỏi Y Vân, có khi nào sơ nhớ nhà? Trong đôi mắt sáng ấy lại ánh lên một nỗi niềm thương nhớ, gợi lại hình ảnh của một cô bé Y Vân quần bò, áo phông, tinh nghịch thủa nào bỗng dưng quyết định đi tu, khiến ai cũng sốc.

Muốn trở thành sơ, Y Vân đã trải qua 7 năm từ dự tu cho đến dự khấn, từ nhà tập một đến nhà tập hai. Không ít lần nữ tu sĩ trẻ Y Vân đã rơi nước mắt vì nhớ nhà.

“ Có nhiều vất vả, khó khăn mà cuộc sống bắt mình phải đối diện nhưng nếu mình buồn bã, chán nản thì 190 đứa trẻ ấy sẽ thế nào. Trong mắt chúng, mình đã là mẹ vậy thì mình phải sống bằng bản lĩnh của một người mẹ để chở che cho đàn con của mình”, sơ Y Vân chia sẻ.

Nhắc tới lũ trẻ con, sơ Y Vân lại cười nắc nẻ khi nhớ tới mỗi đứa một tính, đứa thì hiền khô như que củi, đứa thì nghịch “quá trời quá đất”. Nhưng trong gần 200 đứa trẻ ở Vinh Sơn 4, sơ Y Vân lại dành tình cảm đặc biệt khi nhắc tới A Long - cậu bé là nạn nhân sống của một hủ tục nặng nề, từng bị gia đình chôn sống theo mẹ lúc vừa mới sinh.

9 năm về trước, mẹ sinh A Long được 6 ngày thì mất. Gia đình và dân làng quyết định chôn cậu bé theo mẹ để được bình an! Cũng may, một người dân trong làng tên là Diên đã bí mật báo cho sơ Y Reo thuộc Hội Dòng Ảnh phép lạ. Hai người đã đào bới ngôi mộ để cứu A Long, lúc đó cả người cậu bé đã tím tái, đầy máu. Sơ Y Deo đã tự tay tắm rửa cho A Long và mang về Nhà Vinh Sơn 1 nuôi nấng cho đến bây giờ.

Ngay từ lúc cậu bé còn nằm trong nôi, sơ Y Vân đã có một tình cảm đặc biệt với cậu bé người dân tộc Bana này. Như thấu hiểu được tình yêu ấy, càng lớn A Long lại càng quấn quýt bên sơ. A Long bị tim bẩm sinh.

Khi cậu bé được 1 tuổi rưỡi, nhân có chương trình Trái tim cho em, sơ Y Vân đã đưa A Long xuống Đà Nẵng ở 3 tháng trời tại Bệnh viện Hoàn Mỹ để làm phẫu thuật miễn phí. Tình thương vô bờ của Y Vân khiến cậu bé con luôn nghĩ sơ là mẹ. Bởi vậy câu đầu tiên khi A Long biết nói đã gọi sơ bằng mẹ.

A Long càng lớn càng nghịch và rất hay nói. Những câu hỏi của A Long luôn khiến trái tim của một người mẹ trong sơ Y Vân thắt lại: Tại sao người ta lại chôn con hả Giá (tiếng địa phương nghĩa là sơ)? Sao Giá thương con mà Giá lại uýnh con? Thương người ta mà uýnh người ta miết à…

Biết sơ Y Vân đang rất nhớ A Long, chúng tôi lại ngỏ ý muốn gặp cậu bé, Sơ Y Vân lập tức đồng ý cùng chúng tôi quay trở lại thành phố để gặp A Long.

Khí hậu cao nguyên loãng khiến những người khách lạ dễ chìm sâu trong một giấc ngủ vùi trên xe ô tô đến khi tỉnh dậy phải mất vài giây mới nhận ra mình vẫn đang ở Kon Tum.

Chúng tôi đến Vinh Sơn 1 khi một cơn mưa vừa ngang qua. Các em gái trong nhà Vinh Sơn 1 đang hong tóc bên hành lang khi vừa tắm gội. Bé nào cũng có mái tóc dài chấm vai, đôi mắt nâu sâu thẳm, giống nhau như những giọt nước.

Sơ Y Biut phụ trách nhà Vinh Sơn 1 hơi lo lắng khi sơ Y Vân nhắc tới A Long vì cậu bé đang bị sốt. Chúng tôi mới chợt nhớ mình đang ở đúng vùng dịch sốt xuất huyết. Mùa mưa càng khiến cho dịch sốt xuất huyết bùng phát dữ dội ở Tây Nguyên, đặc biệt là Kon Tum. Nhưng thật may sức đề kháng và sự chịu đựng phi thường của A Long khiến cậu không phải vào bệnh viện. A Long nhỏ bé nhưng rất rắn rỏi với đôi mắt sáng long lanh nhào tới khi nhìn thấy sơ Y Vân dù người cậu vẫn đang hầm hập cơn sốt.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh- người Công giáo ưu tú của Châu Á được Giáo hoàng Francis phong tước phẩm là một người có rất nhiều đóng góp và đồng hành cùng với sự phát triển của Hội Dòng Ảnh phép lạ. Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh cho rằng, sự đóng góp âm thầm của các các sơ đã mang tới một thông điệp, dù rằng cuộc sống còn nhiều khó khăn, dù lý tưởng của mỗi người một khác, dù đâu đó còn những mặc cảm, tị hiềm, đố kỵ nhưng hãy cứ yêu thương và tha thứ cho nhau vì những sự chung để làm cho cuộc sống của dân tộc mình, đất nước mình được an vui, hạnh phúc.

3. Cho đến lúc này, việc viết lại những điều đã đi, đi nghe và đã thấy ở Hội Dòng Ảnh phép lạ thật khó khăn. Không phải vì sức nặng của câu chữ, không phải những dư âm của khí hậu cao nguyên mà vì mỗi khi nhớ lại những gì mình đã trải qua, cảm xúc hỗn độn lại tràn về.

Như khi chúng tôi gặp lại Mẹ Bề trên Hội Dòng Ảnh phép lạ Y Lanh, không có bộ tu phục nào thay vào đó là bộ quần áo giản dị của một bà lão gần 70 tuổi hàng ngày vẫn đi lên rẫy cách Nhà dòng 20 cây số để trồng mì, trồng hồ tiêu, cao su rồi lại đến từng cộng đoàn bảo ban các chị em dệt may, học nhạc, yêu thương và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.

Nỗi lo lắng của sơ Y Lanh lúc này không hẳn là những khó khăn mà mỗi nhà Vinh Sơn phải vượt qua mà còn là miệng lưỡi thế gian khi cho rằng Nhà dòng nuôi trẻ mồ côi để trục lợi.

“Chúng tôi nghèo khó nhưng chưa bao giờ để các cháu cô nhi bị thiếu mặc, đói ăn, không được đến trường. Chúng tôi là người dân tộc càng không biết làm dự án này nọ để trục lợi. Chúng tôi chỉ biết lao động bằng chính sức lực của mình để yêu thương, đùm bọc những hoàn cảnh khó khăn hơn mình mà thôi”, sơ Y Lanh chia sẻ.

Sơ Y Lanh đã dành cả đời mình ở Nhà dòng này. Trải qua 3 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 3 năm ở vai trò Mẹ Bề trên, sau Tổng Tu nghị vừa được tổ chức đầu tháng 9 năm nay, sơ Y Lanh nghỉ để sơ Y Biut lên thay vị trí của mình. Tôi băn khoăn hỏi bà, không làm Mẹ Bề trên nữa thì sơ đi đâu?

Bà cười xòa trước câu hỏi của tôi rồi nhẹ nhàng bảo, “sơ sẽ đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Mẹ Bề trên sai bảo. Có thể về bản làng mình bảo ban các cháu cô nhi học hành, lao động cũng có thể đến các trại phong chăm sóc bệnh nhân ốm đau”.

4. “Ơi mẹ/ Mẹ của núi rừng trên Tây Nguyên/ Giữa núi rừng Tây Nguyên Bao la/ Có mẹ đứng hiên ngang trong bao người qua/ Có mẹ vẫn yêu thương lo cho người ta…” chúng tôi đã nghêu ngao hát theo lời bài hát thánh ca “Mẹ trên Tây Nguyên” của nhạc sĩ Nguyên Khôi trên suốt chặng đường về như muốn gợi nhớ về hình bóng của các nữ tu Hội Dòng Ảnh phép lạ, về lý tưởng cuộc đời mà các sơ tận hiến.

Vì gần 70 năm qua, giữa xã hội hiện thực và niềm tin Thiên Chúa, các nữ tu người dân tộc thuộc Hội Dòng Ảnh phép lạ đã sống một cuộc đời yêu thương phục vụ như thế. Lặng lẽ, không oán giận khó khăn, không từ bỏ trước thất bại. Họ chính là những bà mẹ vĩ đại của Tây Nguyên. Vì một tình yêu với Tây Nguyên.

Dạ Yến

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hoi-dong-anh-phep-la-o-tay-nguyen-yeu-thuong-chinh-la-hanh-phuc/121705