Hỏi-Đáp pháp luật: Nhiệm vụ, quyền hạn của ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn

* Bạn đọc Lê Thị Thúy ở xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết nhiệm vụ, quyền hạn của ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 38 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cụ thể như sau:

1. Kiểm tra việc thực hiện các quyết định đã được nhân dân bàn và quyết định; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

2. Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó.

3. Yêu cầu chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan để phục vụ việc xác minh, kiểm tra, giám sát.

4. Xem xét, xác minh vụ việc cụ thể theo kiến nghị của công dân, cộng đồng dân cư.

5. Kiến nghị chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố khắc phục hạn chế, thiếu sót được phát hiện qua việc kiểm tra, giám sát; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, công dân; biểu dương những đơn vị, cá nhân có thành tích. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý.

6. Tham dự các cuộc họp của hội đồng nhân dân, UBND cấp xã có nội dung liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của ban thanh tra nhân dân.

7. Tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của công dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến phạm vi kiểm tra, giám sát của ban thanh tra nhân dân.

* Bạn đọc Trần Trung Thành ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc khám xét người?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 194 Văn bản hợp nhất Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2021. Cụ thể như sau:

1. Khi bắt đầu khám xét người, người thi hành lệnh khám xét phải đọc lệnh và đưa cho người bị khám xét đọc lệnh đó; giải thích cho người bị khám xét và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.

Người tiến hành khám xét phải yêu cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu họ từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì tiến hành khám xét.

2. Việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và có người khác cùng giới chứng kiến. Việc khám xét không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét.

3. Có thể tiến hành khám xét người mà không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-nhiem-vu-quyen-han-cua-ban-thanh-tra-nhan-dan-o-xa-phuong-thi-tran-747332