Hội chứng vành cấp không còn đáng sợ

Lợi ích quan trọng của phương pháp can thiệp động mạch vành qua da là tận dụng được thời gian 'vàng' trong điều trị cấp cứu bệnh nhân và giảm quá tải cho tuyến trên.

Các bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang đặt stent cho bệnh nhân. Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp

Việc đưa ra phương án cấp cứu, điều trị đối với người bị hội chứng vành cấp của nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương) đã mở ra cơ hội cho những người bị bệnh này được điều trị nhanh, hiệu quả và chi phí phù hợp.

Hội chứng vành cấp nếu không được điều trị tái tưới máu, tình trạng hoại tử cơ tim sẽ diễn ra trong 30 phút, ảnh hưởng đến toàn bộ bề dày cơ tim trong 6 giờ. Khoảng 30% số bệnh nhân mắc bệnh sẽ tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, hội chứng vành cấp cần được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực.

Can thiệp động mạch vành giúp nhanh chóng khôi phục dòng chảy, qua đó ngăn chặn tình trạng tổn thương cơ tim tiếp diễn. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phương pháp này đã được áp dụng từ cuối năm 2019, đến nay có gần 500 bệnh nhân được chụp và trên 100 bệnh nhân được can thiệp. Tuy nhiên, do mới triển khai nên cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia Trung ương và còn nhiều bệnh nhân phải chuyển tuyến trên, làm giảm số người bệnh được can thiệp tại chỗ. Quy trình chụp và can thiệp động mạch vành qua da vẫn cần hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng như nâng cao chất lượng cấp cứu, điều trị bệnh nhân để làm chủ được kỹ thuật chuyển giao cho các cơ sở y tế trong tỉnh. Xuất phát từ đó, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Tim mạch đã thực hiện đề tài “Ứng dụng phương pháp can thiệp động mạch vành qua da trong điều trị bệnh nhân hội chứng động mạch vành cấp”.

Nhóm lựa chọn 50 bệnh nhân để nghiên cứu, người trẻ nhất 30 tuổi, cao tuổi nhất 100 tuổi và phần lớn là nam giới. Bệnh nhân được khám lâm sàng, cận lâm sàng, chẩn đoán, phân tầng nguy cơ điều trị theo quy trình điều trị hội chứng vành cấp.

Quy trình can thiệp động mạch vành qua da trong điều trị bệnh nhân hội chứng động mạch vành cấp gồm 2 công đoạn gồm chụp sau đó nong và đặt stent (một ống thông nhỏ có gắn bóng và giá đỡ kim loại) động mạch vành. Mỗi khâu, nhóm nghiên cứu gồm 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng, kỹ thuật viên được đào tạo thành thạo về tim mạch can thiệp.

Bác sĩ có thể sử dụng 2 vị trí đường vào mạch máu, đó là động mạch quay ở cổ tay hoặc động mạch đùi. Tuy nhiên, đường vào động mạch quay có ưu điểm hơn, giảm các biến chứng tại vị trí chọc mạch. Các stent (một ống thông nhỏ có gắn bóng và giá đỡ kim loại) được bác sĩ đưa qua động mạch đùi hoặc động mạch quay đi đến động mạch vành người bệnh. Khi đến vị trí bị tắc, bóng được thổi phồng lên để mở rộng lòng mạch và đưa vào giá đỡ kim loại để mạch máu lưu thông.

Trong qua trình thực hiện đề tài đã có 4 bác sỹ và 8 điều dưỡng, kỹ thuật viên tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương đã tiếp nhận được quy trình kỹ thuật, góp phần vào nâng cao chất lượng khám chưa bệnh của Bệnh viện.

Tại buổi nghiệm thu đề tài được thực hiện cuối tháng 3 vừa qua do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá đề tài có nhiều điểm mới, thiết thực và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.

Hình ảnh bệnh nhân được đặt stent động mạch vành

Thực hiện nghiên cứu này, bệnh nhân hội chứng vành cấp khi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh hầu như không phải chuyển lên tuyến trên và nhiều bệnh nhân đe dọa tử vong đã được cứu sống kịp thời. Chi phí cho bệnh nhân đặt 1 stent động mạch vành khoảng 50-60 triệu đồng. Trong trường hợp bệnh nhân phải chuyển tuyến trên, người bệnh chi trả thêm tiền vận chuyển, cùng với các khoản tiền sinh hoạt, đi lại, lưu trú, ước tính khoảng 5-10 triệu đồng/bệnh nhân. Còn nếu can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì sẽ không mất số tiền này. Lợi ích quan trọng nhất là tận dụng được thời gian "vàng" trong điều trị cấp cứu bệnh nhân và giảm quá tải cho tuyến trên.

Trong qua trình thực hiện đề tài đã có 4 bác sĩ và 8 điều dưỡng, kỹ thuật viên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận được quy trình kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện.

Ông Đồng Ngọc Chủ (72 tuổi) ở thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) mắc rất nhiều bệnh như sỏi thận, tiểu đường, viêm phổi... Năm 2022, do sức khỏe yếu nên ông được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám. Tại đây, các bác sĩ đã phát hiện ông có nguy cơ bị hội chứng động mạch vành nên yêu cầu gia đình can thiệp ngay. "May mắn ông được bác sĩ phát hiện và cứu chữa kịp thời nên không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Ông đã được đặt 3 stent. Hiện bác sĩ vẫn điện thoại thăm hỏi sức khỏe của ông và sắp xếp thời gian thích hợp để đặt cái còn lại", anh Đồng Ngọc Bảo, con ông Chủ cho biết.

Với những hiệu quả về mặt kinh tế-xã hội, thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này để thêm nhiều người bệnh được tận dụng thời điểm "vàng" trong chữa bệnh.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/khoa-hoc---cong-nghe/hoi-chung-vanh-cap-khong-con-dang-so-239539