Hội chợ Xuân Giáp Thìn: Hội tụ đặc sản 3 miền

Hội chợ Xuân Giáp Thìn 2024 quy tụ trên 100 gian hàng và hơn 1000m2 trưng bày nhiều mặt hàng đặc sản đến từ 20 tỉnh, thành trong cả nước...

Lễ khai mạc hội chợ Xuân Giáp Thìn diễn ra vào sáng 30/1/2024.

Hội chợ Xuân Giáp Thìn năm 2024 diễn ra từ ngày 30/1 đến ngày 7/2/2024 (tức ngày 20 đến ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão) tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại, số 489, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Đây là hoạt động Văn hóa - Thương mại do Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán.

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TIÊU DÙNG THỰC PHẨM TẾT

Phát biểu khai mạc hội chợ vào sáng 30/1, ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, cho biết năm 2023, trong bối cảnh toàn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản nhưng ngành nông nghiệp vẫn giữ vững đà tăng trưởng GDP với mức tăng trưởng cao đạt 3,83% - đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.

Về xuất khẩu nông sản, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng xuất siêu năm 2023 đạt 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Cả nước có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 3 tỷ USD gồm: rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ.

“Có được những kết quả trên là do ngành nông nghiệp và các địa phương đã chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”, ông Tiến nhận định.

Trong không khí tưng bừng của cả nước đón chào năm mới 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Hội chợ Giáp Thìn 2024.

"Hội chợ là hoạt động văn hóa, xúc tiến thương mại quan trọng mở đầu cho năm 2024, là nơi các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của mình. Hội chợ Xuân Giáp Thìn là nơi lý tưởng cho việc mua sắm các mặt hàng phục vụ Tết của bà con nhân dân Thủ Đô và các tỉnh, thành lân cận", ông Tiến chia sẻ.

Đặc sản tại hội chợ.

Hội Chợ Xuân năm nay quy tụ được trên 100 gian hàng và hơn 1000m2 trưng bày của gần 100 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia trưng bày với nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm tươi sống và chế biến, hoa, cây cảnh, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Các mặt hàng tham gia trưng bày và bán tại Hội chợ Xuân phong phú, đa dạng, nhiều đặc sản vùng miền, hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý góp phần phục vụ người tiêu dùng đón Tết cổ truyền của dân tộc.

HỘI TỤ HƯƠNG SẮC BA MIỀN

Dạo một vòng quanh hội chợ, chứng kiến các nông đặc sản từ 3 miền đã hội tụ, cùng “chen vai thích cánh”. Các gian hàng tại đây trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm của hơn 20 tỉnh thành trong cả nước: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Nam, Hưng Yên, Hải Phòng, Yên Bái, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Thanh Hóa, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Sơn La, Bình Định, Thanh Hóa,…

Rất nhiều đặc sản nông sản miền Bắc hiện diện như: Các loại đặc sản măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương rừng Tây Bắc, chả mực Hạ Long, gạo sén cù Lào Cai, gạo nếp Cẩm nương Trạm Tấu, bánh chưng Bờ Đậu, chè Thái Nguyên, trà Shan tuyết cổ thụ, giò chả Ước Lễ, rau củ quả an toàn Mộc Châu, thịt lợn đen Hòa Bình, Bánh gai, cá kho làng Vũ Đại, trâu gác bếp Điện Biên, nước mắm Cát Hải, tương Bần Hưng Yên, hương nhang cổ truyền Bồ Đề Tâm...

Hương vị miền Trung về cùng các sản vật: Giò me Nghệ An, cam Vinh, Trầm hương và Nấm lim xanh Quảng Nam, hành tỏi Lý Sơn, chả ram tôm đất Bình Định, bò một nắng Phú Yên, Phan Thiết, Ba Làng, hải sản Phan Thiết...

Các đặc sản miền Nam có thể điểm tên như: bánh phồng tôm Cà Mau, chả cá Thát Lát Hậu Giang, Yến sào Đất Mũi, gạo lúa tôm ST25, gạo A An...

Hội chợ còn trưng bày thịt hun khói, thịt nguội nhập khẩu và nhiều sản phẩm từ thảo dược, trà linh chi tam thất, rượu sâm, mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa, tinh bột nghệ, tỏi đen, tam thất, hà thủ ô, đông trùng hạ thảo, táo đỏ, tinh dầu, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sơn mài, sừng, đồ đồng, tơ lụa, mây tre đan, gỗ mỹ nghệ và hàng gia dụng.

Theo Ban tổ chức, để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, Ban tổ chức đã siết chặt quản lý đầu vào, yêu cầu các sản phẩm tham gia trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ phải đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGap, Global Gap…; sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; được chứng nhận hữu cơ, canh tác theo hướng hữu cơ và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của địa phương.

Đặc biệt, với diện tích 1000 m2 sàn trưng bày ngoài trời mở cửa từ ngày 25/01/2023 là nơi giới thiệu các loại hoa, cây cảnh góp phần dệt nên những màu sắc rực rỡ, mang mùa xuân đến với mọi người, mọi nhà như: Mai vàng, mai trắng Bình Định, mai vàng Ba Vì, các loại hoa lan: hoa lan hồ điệp Đà Lạt, hoa lan Phật Sơn, Hoa lan rừng, Hoa lan dendro nắng, hoa thanh liễu, hoa lay ơn, hoa bách hợp … để phục vụ nhu cầu chơi hoa, cây cảnh tết của người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận.

Chu Khôi

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/hoi-cho-xuan-giap-thin-hoi-tu-dac-san-3-mien.htm