Học võ để chống bạo lực trên cơ sở giới

Một vụ tấn công bạo lực ngay trước cửa nhà đã biến bà Lidia Mayta, người dân tộc Aymara, trở thành huấn luyện viên dạy võ cho phụ nữ ở thành phố El Alto, Bolivia.

Lidia Mayta, 56 tuổi, cho biết bà có thể đã chết nếu hàng xóm không đến bảo vệ và chống lại những kẻ tấn công muốn cướp chiếc ví của bà. “Tôi từng không biết cách tự vệ nhưng giờ đây, tôi đang cố gắng bảo đảm rằng những phụ nữ khác không có nỗi sợ hãi này”, bà Mayta nói.

Cách đây 3 năm, bà Mayta bắt đầu học taekwondo, sau đó tham gia dự án “Warmi Power” với tư cách là huấn luyện viên. Trong các buổi tập, huấn luyện viên Mayta chăm chú quan sát, sửa tư thế, dạy cho học viên biết cách đá, đấm, la hét và xác định điểm yếu của kẻ tấn công. Trong khi đó, các học viên mặc váy truyền thống của dân tộc Aymara, choàng khăn len hăng say luyện tập theo sự hướng dẫn của bà Mayta.

Một trong những học viên tại “Warmi Power” là cô Marcelina Quispe, 45 tuổi làm nghề kinh doanh. Cô Quispe thường xuyên bị chồng bạo hành, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, đồng thời đe dọa giết nếu như cô có ý định ly hôn. Theo học lớp taekwondo của huấn luyện viên Mayta, cô Quispe đã biết cách tự vệ trước trận đòn của chồng, khiến ông ta không thể đánh cô được nữa.

Phụ nữ dân tộc Aymara lắng nghe huấn luyện viên hướng dẫn cách phòng vệ khỏi bạo hành gia đình. Ảnh: AFP

Theo AFP, dự án “Warmi Power” ("warmi" có nghĩa là phụ nữ dân tộc Aymara), được thành lập năm 2015 tại El Alto dưới sự điều hành của hai nữ võ sĩ taekwondo đai đen Laura Roca và Kimberly Nosa nhằm giúp phụ nữ dân tộc Aymara biết cách tự vệ khỏi các vụ bạo hành gia đình hay bạo lực trên cơ sở giới. Nữ võ sĩ Nosa cho biết: “Chúng ta không thể giải quyết bạo lực bằng bạo lực, nhưng học cách tự vệ có thể cứu mạng mình”. Đến nay, “Warmi Power” đã đào tạo hơn 35.000 phụ nữ biết cách phòng vệ khỏi các vụ bạo lực, bạo hành gia đình.

Từ năm 2013, theo luật pháp Bolivia, tội giết phụ nữ có thể phải chịu hình phạt tới 30 năm tù. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, vẫn có 1.085 phụ nữ chết bởi bạo lực, bạo hành gia đình. Các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ ở Bolivia cho rằng, khi luật pháp chưa đủ mạnh và nguồn lực dành cho cuộc chiến chống tội phạm phân biệt giới tính ở nước này còn hạn chế thì hơn hết, phụ nữ cần có cách phòng vệ cho chính mình, vì vậy, cần có nhiều dự án tương tự như “Warmi Power”.

Theo QĐND

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/hoc-vo-de-chong-bao-luc-tren-co-so-gioi-5002466.html