Học trực tuyến - khó với học sinh khuyết tật

Năm học mới 'khởi động' đã hơn 2 tuần trong tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Cùng với nỗ lực của ngành giáo dục và quyết tâm 'không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau', học trực tuyến đang được đánh giá là phương án phù hợp nhất hiện nay để ngành giáo dục hoàn thành mục tiêu kép vừa dạy học vừa phòng, chống dịch. Tuy nhiên, bước đầu áp dụng hình thức học tập này đối với học sinh bình thường đã khó, với học sinh khuyết tật lại càng khó hơn...

Dù không biết chữ nhưng anh Vũ Văn Hà vẫn “sốt ruột” chuyện học tập của các con và quan tâm theo sát nhắc nhở

Khó thêm khó

Nói chưa tròn chữ, không rõ từng câu, gương mặt ngờ nghệch và không kiểm soát được cử chỉ, hành động là những đặc điểm của 4 học sinh khuyết tật lớp 4/3, điểm lẻ thôn 4, Trường tiểu học Đăng Hà, huyện Bù Đăng.

Nhà có 4 người con nhưng 2 người bị thiểu năng trí tuệ, khi phương án học trực tuyến được áp dụng, chị Phạm Thị Hằng ở thôn 3, xã Đăng Hà càng lo lắng và thương các con nhiều hơn. “Gia đình tôi khó khăn, nhờ người thân hỗ trợ mới xây được căn nhà ở kiên cố. Nợ nần còn nhiều nên gia đình không có khả năng mua máy tính, điện thoại, mạng 3G cho các con học trực tuyến. Thêm vào đó, 2 con đều bị thiểu năng trí tuệ nên học online các cháu rất khó tiếp thu” - chị Hằng buồn bã chia sẻ.

Còn anh Vũ Văn Hà ở thôn 4, xã Đăng Hà có 2 người con trai. Con trai đầu của anh đã 16 tuổi nhưng vẫn mang vẻ khờ khạo, chậm chạp. Không chịu được cảnh nghèo khó, vợ anh đã rời bỏ gia đình. Để có tiền trang trải cuộc sống, anh Hà đi làm công nhân tại tỉnh Bình Dương và gửi tiền nhờ ông bà chăm sóc các con. Dịch Covid-19 khiến anh mất việc làm phải trở về nhà. Được gần các con nhưng anh lại không đủ điều kiện lo cho con có phương tiện học tập. Anh Hà chia sẻ: Con trai đầu bị thiểu năng trí tuệ, học mãi chỉ ở lớp 4. Nhiều năm nay phải xin cho cháu học cùng lớp với em trai để có em hỗ trợ. Tuy nhiên năm nay học online, gia đình không có điều kiện để các con học tập, mà có trang bị đầy đủ cũng khó tiếp thu kiến thức và dễ dàng bị tụt lại phía sau.

Cũng là học sinh khuyết tật, nhưng em Nguyễn Hoàng Gia Nhi nhanh nhẹn hơn 3 bạn còn lại trong lớp. Tuy nhiên Gia Nhi thường xuyên nóng nảy, rất năng động nên việc học online là phương án không phù hợp với em. Chị Nông Thị Cươm ở thôn 3, xã Đăng Hà - mẹ của Gia Nhi cho biết: Gia đình tôi có điều kiện đầy đủ cho cháu học online, tuy nhiên cháu rất năng động, hay quên... nên rất khó khi học online.

Nỗ lực khắc phục

Phụ trách lớp học trong đó có 4 học sinh khuyết tật, làm sao để “gieo” những con chữ cho các em khiến cô Nguyễn Thị Phương Lan thực sự lo lắng. Bởi dạy học sinh khuyết tật, dù theo hình thức trực tiếp cũng rất khó khăn. Việc này đòi hỏi người giáo viên phải có phương pháp riêng, sự kiên nhẫn và lòng bao dung.

Cô Nguyễn Thị Phương Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3 cho biết, phương pháp học trực tuyến với các em và phụ huynh là điều rất khó khăn. Các học sinh này thường không tập trung, muốn đạt hiệu quả khi học phải có phụ huynh quan sát, hỗ trợ thêm. Chính vì vậy, ngoài hình thức dạy trực tuyến, cô Lan còn soạn bài học, bài tập và giao đến tận nhà cho các em. Tuy nhiên, một số phụ huynh rất bận không “kèm” được các con, một số phụ huynh không biết chữ, đến lúc thu bài có em nộp, em không nên rất khó khăn cho giáo viên chủ nhiệm.

Hiện trường đang tiếp nhận và rà soát hồ sơ của 4 học sinh khác thuộc diện học sinh khuyết tật, xem xét mức độ bệnh để có phương án bố trí lớp học cũng như hình thức giảng dạy phù hợp. Đối với giáo viên khi được phân công chủ nhiệm các lớp có học sinh khuyết tật, nhà trường luôn tạo điều kiện, bố trí số tiết giảng dạy phù hợp cho giáo viên và có chế độ hỗ trợ theo quy định. Đối với phụ huynh, nhà trường hướng dẫn thực hiện các thủ tục, hồ sơ cần thiết để được hỗ trợ. Dù số học sinh khuyết tật không nhiều nhưng trường quyết tâm tìm phương pháp học tập phù hợp, giúp các em có điều kiện, động lực để theo học.

Thầy BÙI VĂN HÙNG, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đăng Hà

Năm học 2021-2022, Trường tiểu học Đăng Hà có 435 học sinh, trong đó có 4 học sinh khuyết tật. Mỗi em bị một dạng khuyết tật và mức độ khác nhau nên khả năng tiếp thu kiến thức không đồng đều. Do đó khi phân công giảng dạy, trường đã tìm giáo viên có tâm huyết, nắm bắt tâm tư tình cảm của học sinh...

Không bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa, nên được đến trường là nỗ lực rất lớn của chính bản thân các em, gia đình, thầy cô và nhà trường. Nhưng với thực tế hiện nay và khả năng tiếp thu, điều kiện kinh tế gia đình của mỗi em thì học trực tuyến lại là rào cản lớn đối với các em trong hành trình đến với con chữ. Nếu dịch Covid-19 kéo dài, học trực tuyến trở thành xu thế mới trong thời gian tới, đối với học sinh khuyết tật vùng sâu, vùng xa để theo trường, bám lớp là điều không dễ.

Ngọc Bích

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/127175/hoc-truc-tuyen-kho-voi-hoc-sinh-khuyet-tat