Học tập và làm theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang. Người đã hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đã để lại cho các thế hệ dân tộc Việt Nam một di sản tinh thần quý báu - đó chính là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phong cách Hồ Chí Minh có nội dung rất phong phú được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực sinh hoạt và hoạt động của Người, trong đó có phong cách diễn đạt (nói và viết). Hồ Chí Minh có phong cách diễn đạt độc đáo, vừa phản ánh nét tinh hoa bản sắc của dân tộc Việt Nam, tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa mang tính đặc sắc của một trí tuệ siêu việt, trải nghiệm hoạt động trên nhiều lĩnh vực, cương vị công tác trong không gian rộng lớn.

Bác Hồ xác định tiêu chí nói và viết rất rõ ràng là: Viết và nói cái gì? Viết và nói cho ai? Viết và nói để làm gì? Viết và nói như thế nào? Từ đó, Người có phong cách diễn đạt rất đa dạng, phong phú, uyên bác đối với các chính khách phương Tây; hàm súc “ý tại ngôn ngoại” đối với bậc đại nho; mộc mạc, giản dị đối với những đồng bào còn ít chữ…

Các bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long.

Đoàn viên thanh niên đến tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long.

Mục đích nói và viết của Bác rất giản dị, cụ thể, thiết thực, cốt làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người… Những thông tin trong bài nói, bài viết của Người luôn có tính xác thực cao, có nhiều số liệu thực tế. Người luôn chọn lọc từ ngữ để sao cho “lời ít nhưng ý nhiều”. Đặc biệt, Người ưu tiên lựa chọn và sử dụng những từ thuần Việt nhằm không ngừng làm trong sáng tiếng nói của dân tộc.

Bác Hồ thường viết ngắn gọn, có khi rất ngắn, nhưng cô đọng, hàm súc, trong sáng, có lượng thông tin cao… nên những tư tưởng lớn của Người trở nên dễ thuộc, dễ nhớ, nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động. Người phê bình những cán bộ, đảng viên có “bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài”, cứ hay nói và viết “tràng giang đại hải”, “thao thao bất tuyệt”; dùng những ngôn từ diễn đạt nội dung không phù hợp vì đối tượng, người nghe và người đọc.

Những lời khuyên và chỉ bảo của Bác cũng như phong cách nói và viết đã trở thành một nghệ thuật giàu khả năng chinh phục, thấm sâu vào lòng người nghe, người đọc. Vì vậy, học tập phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giúp chúng ta nâng cao trình độ diễn đạt, hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Diễn đạt là vấn đề thường xuyên gắn liền với hoạt động hằng ngày của mỗi người. Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên, kỹ năng nói và viết lại càng cần thiết, bởi vì mỗi cán bộ, đảng viên đều có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân, nếu không có kỹ năng diễn đạt tốt thì công tác vận động quần chúng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc nghiên cứu học tập phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh là cơ sở để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, quản lý, điều hành tại đơn vị.

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được về cách diễn đạt của cán bộ, đảng viên, nhưng thời gian qua, vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên, thậm chí có những người là lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh. Phương pháp, kỹ năng tuyên truyền còn sơ cứng, chưa linh hoạt, thiết thực; soạn thảo văn bản, tính khái quát không cao, nội dung còn chung chung. Đặc biệt, có trường hợp cán bộ nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo; nói không chuẩn bị, nói không đường ra, thậm chí có người nói không người nghe; một người nói buộc nhiều người phải nghe; nhiều người giành nói không có người nghe… Còn khi viết thì không biết bắt đầu từ đâu, sai cả từ ngữ, chính tả… Từ đó, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư đoàn 8, Quân khu 9 giải lao bên khuôn viên của đơn vị.

LLVT tỉnh Sóc Trăng giúp nhân dân trong phòng, chống lụt, bão năm 2020.

Bộ đội Sư đoàn 330, Quân khu 9 thu hoạch lúa giúp nhân dân.

Học tập thì dễ nhưng làm theo mới khó. Bởi vì, khi tổ chức học tập, ai cũng chăm chú lắng nghe và tìm hiểu về Bác, nhưng không phải ai cũng làm theo ngay được. Thậm chí, có người còn cho rằng khó có thể học tập và làm theo Bác, vì Bác là một vĩ nhân, người bình thường không thể học tập và làm theo hoặc làm theo được chăng hay chớ.

Thiết nghĩ, làm theo Bác không có nghĩa là bắt chước phong cách của Bác một cách máy móc, rập khuôn, mà làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể nhất, gắn với cương vị, chức trách được giao.

Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là những chuẩn mực cho người quân nhân cách mạng, cũng như đối với mọi người, ai cũng có thể học và làm theo. Điều quan trọng nhất việc học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh chính là biến những cái tinh túy, cái hay trong phong cách diễn đạt của Bác thành của mình để vận dụng vào thực tiễn công tác và cuộc sống, đem lại hữu ích cho bản thân và tập thể. Tích cực tự học, tự rèn nâng cao trình độ mọi mặt, trong đó đặc biệt là rèn viết, rèn nói, gắn nói đi đôi với làm. Chỉ như vậy, thì việc học tập, làm theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh mới thực sự có ý nghĩa.

Bài và ảnh: LONG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/hoc-tap-va-lam-theo-phong-cach-dien-dat-ho-chi-minh-728469