Học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực thực hành tiết kiệm. Từ đôi dép cao-su Bác đi hằng ngày đến hũ gạo chống đói và việc dùng lại chiếc phong bì để gửi thư lần thứ hai, việc đi dự hội nghị đúng giờ... đều là những việc làm bình thường trong sáng và rất thật về tấm gương tiết kiệm của Người. Không chỉ tự mình tiết kiệm, Bác còn luôn luôn tiết kiệm thời gian của cán bộ, nhân dân; nhắc nhở cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hành tiết kiệm để xây dựng CNXH vì hạnh phúc của nhân dân.

Tiết kiệm được Đảng và Nhà nước ta coi là quốc sách. Tiết kiệm tiền bạc trong chi tiêu, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu trong xây dựng, tiết kiệm thời gian lao động, tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh, tiết kiệm trong tiêu dùng cá nhân, v.v. đều là việc làm cần thiết. Bác Hồ đã dạy: "Cần, kiệm, liêm, chính", lời dạy trên đây đòi hỏi trong mọi hoạt động của các tổ chức xã hội: Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị, các doanh nghiệp và từng cá nhân phải thực hành triệt để tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí. Tiết kiệm mà không chống tham ô, lãng phí thì khác nào gió thổi vào nhà trống. Ở nước ta hiện nay lãng phí diễn ra trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội: Trong các cơ quan hành chính bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội, trong nhân dân, trong xây dựng cơ bản, trong việc cưới, việc tang và lễ hội, trong chi tiêu hành chính... "Quan liêu là người cán bộ phụ trách nhưng xa rời thực tế, xa rời quần chúng", hậu quả của nó là đưa đến hỏng việc. Kinh nghiệm cho thấy rằng, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc chắn có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Do đó, để không có tham ô, lãng phí xảy ra, phải "tẩy sạch bệnh quan liêu". Bệnh quan liêu thường có trong những cán bộ lãnh đạo, quản lý nhà nước có chức, có quyền ở các cấp, và chính do sự quan liêu của họ trong công tác lãnh đạo quản lý đã dẫn đến tình trạng tham ô, lãng phí. Bác Hồ chỉ rõ: "Nạn lãng phí, tham ô là do bệnh quan liêu, mệnh lệnh trong công tác của các cấp lãnh đạo ở các cơ quan Nhà nước gây ra". Để thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, chúng tôi đề nghị: Một là, các cấp ủy đảng từ trung ương đến cơ sở phải trực tiếp lãnh đạo việc thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí bằng những chương trình hành động cụ thể và tổ chức động viên quần chúng nhân dân thực hiện có hiệu quả nhất. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí để từ nay đến cuối nhiệm kỳ Đại hội X tạo ra được bước chuyển biến mạnh trong thực hiện tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tham ô, lãng phí. Những vụ việc đã phát hiện và có chứng cứ phải đưa ra xét xử công khai và có hình thức kỷ luật thích đáng, thu hồi tài sản mất mát về cho công quỹ. Những vụ việc đã có đơn thư tố giác hoặc biểu hiện nhưng chưa có chứng cứ cụ thể phải tổ chức thanh tra, kiểm tra, nếu đúng thì xử lý ngay, nếu không đúng thì thông tin cho nhân dân rõ. Đồng thời, phải củng cố bộ máy quản lý nhà nước ở các cấp, sàng lọc, lựa chọn để có một đội ngũ cán bộ quản lý hành chính, quản lý kinh tế đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và cơ sở, có đủ tài năng quản lý kinh tế-xã hội theo tiêu chuẩn khách quan đặt ra, đặc biệt là những cán bộ quản lý nhà nước có quyền lực và trách nhiệm liên quan trực tiếp đến việc ban hành các chính sách chế độ, hoặc ra lệnh thực hiện các hoạt động trong quản lý kinh tế và đời sống xã hội. Song song với vấn đề trên là việc tích cực cải cách nền hành chính nhà nước như tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa VII) và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9 khóa X đã đề ra; Chống mọi thủ tục phiền hà sách nhiễu do quan liêu và vô trách nhiệm gây ra làm thiệt hại của cải xã hội. Đặc biệt là chống tệ nhận hối lộ ở một số cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền và các đơn vị kinh tế của Nhà nước. Phải xây dựng và giáo dục cho được một đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức, năng lực và nhiệt tình cách mạng, trung thực, chí công vô tư, biết quý trọng từng đồng xu của nhân dân lao động làm ra, trong công tác quản lý phải biết sử dụng tiền của đúng lúc, đúng chỗ, tiết kiệm và đem lại hiệu quả cao để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi người, trong đó có bản thân mình, gia đình mình. Đúng như lời dạy của Bác Hồ: "Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn luôn thực hành bốn chữ: Cần, Kiệm, Liêm, Chính". Hai là, trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, phải thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng. Trừng phạt nghiêm minh theo pháp luật bất cứ ai mắc tội tham ô, tham nhũng và gây ra lãng phí tiền của vật tư, tài sản của xã hội. Bác Hồ khẳng định: "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến". Xét về góc độ nào đó, người gây ra sự lãng phí lớn của cải của xã hội cũng tai hại như sự phá hoại đất nước; không nên coi thường hoặc bỏ qua sự phá hoại đó, phải cảnh giác, đề phòng và có biện pháp trừng trị thích đáng phù hợp để tránh hiểm họa cho nền kinh tế. Sự lãng phí tài sản của đất nước, tội lỗi đó phải bị trừng phạt đích đáng. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức được cấp kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước phải thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ tiết kiệm 10% kinh phí hằng năm. Đơn vị nào không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trừ vào kinh phí của năm sau. Các doanh nghiệp cũng phải tiết kiệm chi phí hành chính và các chi phí khác để hạ giá thành sản xuất. Ba là, hủy bỏ mọi chế độ chi tiêu không đúng và không hợp lý đang còn tồn tại trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội hiện nay. Điều này đòi hỏi các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội theo chức trách của mình rà soát lại các văn bản, quy định và những chế độ, chính sách liên quan để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với quy định hiện hành của Chính phủ về tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Chính sách, chế độ nào không còn phù hợp thì kiên quyết hủy bỏ và ban hành ngay cái mới để thay thế. Bốn là, huy động nhân dân tham gia phòng, chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Bác Hồ dạy: "Việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu là rất cần thiết và phải làm thường xuyên". Chúng tôi cho rằng đây là nhiệm vụ cách mạng không kém phần khó khăn gian khổ, những người gây ra sự lãng phí lớn hoặc tham ô, tham nhũng lại thường là những cán bộ có chức, có quyền. Bởi vậy, biết dựa vào dân thì nhiệm vụ khó khăn mấy cũng giành được thắng lợi. Bác Hồ chỉ rõ: "Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công". Trong các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức xã hội phải coi chi bộ Đảng, tổ Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội liên hiệp Phụ nữ là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền giáo dục, động viên đảng viên, đoàn viên gương mẫu đi đầu thực hành tiết kiệm và tích cực tham gia phong trào đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tham ô, lãng phí, quan liêu để lôi cuốn phong trào đấu tranh của quần chúng đi theo. Các cơ quan truyền thông đại chúng cần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tuyên truyền một cách thường xuyên với những nội dung, hình thức phù hợp về tư tưởng, quan điểm của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước ta về tiết kiệm, phòng chống tham ô, tham nhũng, lãng phí để tạo ra được quy tắc trong đời sống xã hội; biểu dương người tốt, việc tốt, bảo vệ người tố cáo tham nhũng và các hành vi tham ô, lãng phí. (Những câu trong ngoặc kép của bài này đều trích từ Hồ Chí Minh - Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. NXB. Sự thật, 1981).

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=152302&sub=130&top=37