Học tập, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình giảm nghèo

Ngày 18/9, tại TP.Cần Thơ, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động xã hội thuộc Trường Lao động xã hội đã tổ chức Hội nghị 'Học tập, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình giảm nghèo'.

Theo đó, Hội nghị Học tập, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình giảm nghèo được tổ chức tại thành phố Cần Thơ với sự tham gia của 94 đại biểu là đại diện lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo của Sở LĐ-TB&XH, Ngân hàng chính sách, Trung tâm khuyến nông tỉnh, cán bộ phòng LĐ-TB&XH, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, Mặt trận tổ quốc cấp xã và các tổ chức thành viên và trưởng thôn (trưởng bản, ấp…), đại diện người dân có mô hình giảm nghèo và người nghèo của ba tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long.

Thông qua các bài tham luận, clip giới thiệu mô hình, Hội nghị sẽ tập trung trao đổi, chia sẻ về: Các mô hình kinh tế hiệu quả, phát huy lợi thế, nội lực của địa phương, vùng sản xuất và đáp ứng nhu cầu giảm nghèo bền vững, đặc biệt các mô hình sản xuất cộng đồng, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; Các cách làm hay trong việc huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của cộng đồng, người dân, trong thực hiện các mô hình giảm nghèo; Cơ chế khuyến khích hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Vân – Phó Hiệu trưởng Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội phát biểu tại Hội nghị.

Bà Nguyễn Thị Vân – Phó Hiệu trưởng Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội phát biểu tại Hội nghị.

Các bài học kinh nghiệm trong việc xác đinh hướng xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh các tham luận, chia sẻ tại hội nghị, các đại biểu cũng sẽ được tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế 2 mô hình giảm nghèo hiệu quả tại huyện Thới Lơi và huyện Phong Điền của TP. Cần Thơ.

Phát biểu tại Hội nghị bà Nguyễn Thị Vân – Phó Hiệu trưởng Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội cho biết, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm, có hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo cuối năm 2020 giảm xuống còn 23,42%, trung bình giảm 5,4%/năm; có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 125 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới.

Hội nghị Học tập, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình giảm nghèo được tổ chức tại thành phố Cần Thơ với sự tham gia của 94 đại biểu.

Hội nghị Học tập, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình giảm nghèo được tổ chức tại thành phố Cần Thơ với sự tham gia của 94 đại biểu.

Theo bà Vân, thời gian qua, người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, khó khăn được chú trọng hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề, hỗ trợ sinh kế, có việc làm, nâng cao thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

“ Một số chỉ tiêu quan trọng mà Chương trình cần đạt được tới năm 2025 là: Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập”, bà Vân cho hay.

Bà Trần Thị Xuân Mai – GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ chia sẻ tại Hội nghị.

Bà Trần Thị Xuân Mai – GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ chia sẻ tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Xuân Mai – GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ cho biết, những năm qua, các ngành, các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt các chương trình, các phong trào, như: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; phong trào “Chung tay vì người nghèo”; phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Cần Thơ chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau và Công tác an sinh xã hội”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực thực hiện các chính sách (tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, nhà ở, khuyến nông, dạy nghề, giải quyết việc làm, trợ giúp pháp lý, nhân rộng mô hình sinh kế giảm nghèo hiệu quả).

Với những chính sách hỗ trợ giảm nghèo từ năm 2016 - 2020, toàn thành phố đã có 15.129 hộ vươn lên vượt chuẩn, thoát nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố từ đầu kỳ là 5,12% xuống còn 0,29% so với hộ dân, tương đương 1.036 hộ vào cuối năm 2020 (giảm 4,83%). Năm 2021 - 2022 thành phố đã có 997 hộ vươn lên vượt chuẩn, thoát nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố từ đầu kỳ là 0,8% xuống còn 0,52% so với hộ dân, tương đương 1.904 hộ (giảm 0,28%).

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp hình lưu niệm.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp hình lưu niệm.

Bà Xuân Mai cho biết, với sự hỗ trợ của các ngành, các cấp; đặc biệt là nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã xây dựng và nhân rộng 33 mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ, mua bán nhỏ có 227 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia, nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như: Mô hình “May công nghiệp - huyện Thới Lai”. Hộ gia đình ông Phạm Tấn Lộc trước đây thuộc diện hộ nghèo, đã vươn lên thoát nghèo, nay làm chủ (Giám đốc) Công ty may Hưng Lộc, mở rộng quy mô sản xuất, với số vốn là 5 tỷ đồng, có 100 người lao động địa phương tham gia may (trong đó đa số là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững).

Bà Xuân Mai chia sẻ một số mô hình giảm nghèo bền vững trong thời gian qua, cụ thể mô hình “Trồng nhãn Idol” của ông Nguyễn Văn Triều, ấp Định Khánh A, xã Định Môn, huyện Thới Lai. Giống nhãn này được công nhận chuẩn VietGap, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Có sản lượng trung bình 15 tấn/hecta/năm, thu lợi nhuận trên 147 triệu đồng/năm. Tạo việc làm cho 15 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mô hình “Hợp tác xã Đan đát Quốc Noãn - huyện Thới Lai”: mô hình này hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với kết quả: có 04 hộ nghèo đã thoát nghèo và 05 hộ cận nghèo đã thoát cận nghèo bền vững. Mô hình “Vận động hỗ trợ phát triển kinh tế” tại ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.

Mô hình này chủ yếu trồng cây ăn trái (sầu riêng, mít, nhãn...) và chăn nuôi gà. Mô hình được thành lập từ năm 2019, tổng số thành viên tham gia lúc đầu 30 hộ (có 14 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo), qua nhiều năm phát triển mô hình đến nay tăng thêm 5 thành viên ngoài hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia, nâng tổng số thành viên của Mô hình hiện nay là 35 hộ gia đình. Mô hình có 30 hộ góp vốn vào 140 triệu đồng. Các hộ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội huyện với tổng số vốn là 1 tỷ 350 triệu đồng. Đến nay đã có 14/14 hộ thoát nghèo và có 16/16 hộ thoát cận nghèo. Mô hình vẫn được duy trì, phát triển tốt.

PHA LÊ

Nguồn Dân Sinh: https://baodansinh.vn/hoc-tap-trao-doi-kinh-nghiem-nhan-rong-mo-hinh-giam-ngheo-20230918185816.htm