Học tập phong cách làm báo của Bác

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập và lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta mà còn sáng lập và chỉ đạo nền báo chí cách mạng Việt Nam. Những lời dạy, tư tưởng báo chí của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị và được các thế hệ người làm báo học tập, làm theo.

Tính chân thực luôn đặt lên hàng đầu

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam tài sản vô giá về tư tưởng, đạo đức cách mạng sáng ngời, trong đó có đạo đức và phong cách làm báo. Người đã viết trên 2.000 bài báo với hàng chục bút danh khác nhau. Dù ở thể loại nào, các bài viết của Bác cũng đều phản ánh đúng hiện thực khách quan, không “tô hồng”, “bôi đen” hay phiến diện, một chiều. Đây chính là phẩm chất cao đẹp của đạo đức nghề nghiệp, cái gốc của một người làm báo chân chính.

Những lời dạy, tư tưởng báo chí của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ảnh: Internet

Bác chỉ rõ, nhà báo viết phải “chân thực”. Mỗi bài viết của nhà báo phải bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét kiểm tra, chọn lọc. Bài viết phải đem lại cho người đọc lượng thông tin và tính chính xác cao. Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nên nói ẩu, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Bác nói: “Kinh nghiệm của tôi thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm”.

Khắc ghi lời dạy của Bác, các cơ quan báo chí và lực lượng làm báo trong tỉnh luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Không chỉ phản ánh kịp thời, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, báo chí còn là kênh thông tin tin cậy để nhân dân “gửi gắm” tâm tư, nguyện vọng. Từ đó, tìm ra tiếng nói chung của “ý Đảng - lòng dân”, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng tâm hiệp lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển KT - XH.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Hoàng Đình Cán nhận định: Thông tin trên báo chí ngày càng nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, góp phần định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị và nhân dân. Bên cạnh đó, báo chí còn tích cực phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; kịp thời phê phán, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bác bỏ những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch;... góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Học Bác để "bút sắc, lòng trong"

Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959, Bác Hồ dặn dò: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”. “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”.

Không ngại vất vả hay hiểm nguy, những người làm báo luôn có mặt ở khắp mọi nơi để kịp thời thông tin đến độc giả, khán, thính giả

Tuy bận "trăm công nghìn việc" của một vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Bác vẫn thường xuyên đọc thư phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân ta, từ thiếu nhi đến các cụ già, từ thanh niên, phụ nữ, nông dân cho đến các chiến sĩ quân đội, công an,... Qua đó, giúp Người thấu hiểu lòng nhân dân để chọn cách thức giải thích, vận động thông qua báo chí một cách thích hợp, hiệu quả.

Chiến sĩ ở các mặt trận thì dùng súng chống địch, những người làm báo thì dùng bút chống địch. Người nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Vì vậy, để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động.

Lời dạy của Bác thật giản dị mà sâu sắc, tưởng chỉ thích hợp hôm xưa nhưng vẫn nóng hổi tính thời sự hôm nay. Thiết thực học tập phong cách làm báo của Bác, phóng viên trẻ Huỳnh Hương (Báo Long An) cho biết: “Tôi luôn cố gắng học Bác ở cách viết ngắn gọn, rõ ràng, với ngôn từ dễ nhớ, gần gũi nhưng đầy đủ nội dung cần chuyển tải để người đọc có thể hiểu bài viết một cách dễ dàng. Để làm được điều đó, tôi đọc nhiều sách, báo, tài liệu liên quan đến lĩnh vực phụ trách để nắm vững vấn đề và thường xuyên đi cơ sở thu thập thông tin, đưa “hơi thở cuộc sống” vào từng bài viết”.

Với phóng viên Nhã Phương (Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Đức Hòa), nghề báo là công việc vất vả nhưng mang lại nhiều trải nghiệm thú vị. Người làm báo với trách nhiệm là “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa” phải sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi để có những tác phẩm báo chí tốt phục vụ độc giả, khán, thính giả. “Học tập phong cách làm báo của Bác, tôi và các đồng nghiệp luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, giữ gìn đạo đức nghề báo để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình” - chị Nhã Phương chia sẻ.

Tư tưởng báo chí của Bác là tài sản vô giá, cơ sở phương pháp luận cho hoạt động báo chí nước ta. Học tập và làm theo những lời dạy của Bác không chỉ góp phần xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng mà còn thể hiện lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo cách mạng vĩ đại của dân tộc./.

Kỳ Nam

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hoc-tap-phong-cach-lam-bao-cua-bac-a137349.html