Học sinh ở TP.HCM dành gần 4 tháng tái hiện huyền thoại dãy Trường Sơn

Không chỉ tái hiện quá khứ đau thương nhưng oai hùng của dân tộc, học sinh trường THPT Lê Quý Đôn còn đem đến những dự án 'chắp cánh' cho Trường Sơn phát triển.

Nhân lễ kỷ niệm 92 năm ngày thành lập đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931 - 26-3-2023), thầy trò trường THPT Lê Quý Đôn (quận 1, TP.HCM) đã tổ chức dự án liên môn Huyền Thoại Trường Sơn.

Gần 4 tháng chuẩn bị dự án

Dự án là sự kết hợp liên ngành của 7 bộ môn Ngữ Văn; Lịch sử, Địa lý, Quốc phòng, Sinh học, Hóa học, Công nghệ, ,được thầy cô và học sinh lên kế hoạch thực hiện từ cuối tháng 11-2022.

Tiết mục "Lá thư cuối cùng" của tiểu đội 12D3. Ảnh THỦY TÂM

Chia sẻ về dự án, cô Minh Tâm, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: "Nhà trường mong muốn học sinh có những cảm nhận chân thật về Trường Sơn không chỉ qua sách vở. Trường đã tổ chức cho các em tham gia chuyến đi về lại đại nguồn với hơn 250 học sinh tham gia, từ đó các em có thể thực hành và vận dụng tốt vào quá trình học tập".

Chương trình mở đầu với tiết mục “Nối vòng tay lớn” của tiểu đội 12D4 cùng điệu nhảy hừng hực khí thế chiến đấu của người lính trẻ. Nhiều tiết mục khác trong chương trình cũng gây xúc động như tiểu phẩm "Những cuộc chia tay không lời từ biệt" của tiểu đội 12D5 hay huyền thoại về 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc được tái hiện qua tiết mục "Lá thư cuối cùng" của tiểu đội 12D3.

Các tiểu đội vui mừng chụp hình lưu niệm sau khi hoàn thành xong tiết mục. Ảnh THỦY TÂM

"Trường Sơn cất cánh" - giáo dục khởi nghiệp cho học sinh.

Trong buổi lễ báo cáo dự án Huyền Thoại Trường Sơn, nhà trường cũng đã đưa vào nội dung giáo dục khởi nghiệp "Trường Sơn cất cánh" do tổ Địa lý phụ trách.

Các học sinh đã thỏa sức suy nghĩ những ý tưởng về tiềm năng phát triển của Trường Sơn thông qua kiến thức liên ngành như: "Trường Sơn ROAD- tiếng gọi Trường Sơn" của 12N, "Nấm Tràm Hoa Tâm- Nông nghiệp nông sản địa phương" của tập thể học sinh lớp 12D2...

Dự án "Trường Sơn ROAD- tiếng gọi Trường Sơn" của 12N.

Nói về chương trình, cô Nguyễn Thị Lung, GV bộ môn Ngữ văn trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ: "Đây là dự án được thầy cô cũng như là các em học sinh dành rất nhiều tâm huyết để thực hiện.

Đặc biệt dự án Huyền thoại Trường Sơn là sự kết hợp của nhiều bộ môn lại với nhau, giúp cho các em học sinh có cái nhìn bao quát hơn từ đó nâng cao khả năng vận dụng vào định hướng nghề nghiệp trong tương lai của các em".

Dự án Nấm Tràm Hoa Tâm của lớp 12D2. Ảnh: THỦY TÂM

Nguyễn Ngọc Bảo Châu, học sinh lớp 11D2 bày tỏ: "Được thầy cô tận tình giảng dạy kiến thức về giai đoạn bom đạn của nước ta và sau khi tham gia chuyến về nguồn, em lại càng có những cảm xúc mãnh liệt hơn về dãy Trường Sơn. Em cũng mong muốn những dự án của học sinh chúng em sẽ phần nào giúp cho Trường Sơn ngày càng phát triển hơn".

Những bộ trang phục mang thông điệp Trường Sơn

Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và khả năng sáng tạo của học sinh, trường THPT Lê Quý Đôn còn tổ chức cuộc thi thời trang thân thiện với môi trường. Có 30 lớp tham gia và 10 lớp đã xuất sắc lọt vào chung kết.

Phần trình diễn của học sinh lớp 10A10 trong trang phục thân thiện với môi trường. Ảnh THỦY TÂM

Các bộ trang phục được các em thiết kế bằng những nguyên liệu tái chế, mang những thông điệp ý nghĩa riêng về dãy Trường Sơn.

Phạm Bùi Hương An và Đỗ Nguyên Phát trong bộ trang phục tái chế. Ảnh: THỦY TÂM

Chia sẻ về bộ trang phục của mình, Đỗ Nguyên Phát, học sinh lớp 11D5 vui vẻ nói: "Bộ trang phục hiện tại em đang mang trên người có điểm nhấn đó chính là 5 là cờ phía sau tượng trưng cho ngọn lửa của ý chí chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, dù cho chiến tranh đã qua đi thì ngọn lửa đó vẫn còn mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam".

THỦY TÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/hoc-sinh-o-tphcm-danh-gan-4-thang-tai-hien-huyen-thoai-day-truong-son-post724560.html