Học sinh mù mắt và tiếng vỗ tay tiễn đưa nhân cách những người thầy

Những tràng pháo tay của không ít thầy cô trong phiên tòa xét xử có khác gì một gáo nước lạnh dội vào sự đau đớn của bé Phương Anh và gia đình?

Câu chuyện về một em học sinh tại Thanh Hóa bị mù mắt vì trúng thước của bạn trong giờ ra chơi đã tạm khép lại bằng phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 16/5 vừa qua. Nhưng nỗi đau mà câu chuyện để lại không đơn thuần chỉ là con mắt đã mù vĩnh viễn của bé mà hơn nữa, nó còn là sự vô cảm xé vào nỗi lòng của người mẹ, vào những thiệt thòi mà em học sinh phải chịu đựng.

Có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện đau lòng trên. Nhưng có lẽ ai đúng, ai sai, ai có lý, ai vô lý chẳng còn quan trọng nữa bởi mọi chuyện đã được TAND huyện Tĩnh Gia phán quyết: Trường tiểu học Hải An phải chịu trách nhiệm bồi thường tổng số tiền hơn 100 triệu đồng cho gia đình bé Phương Anh.

Phiên tòa đã giúp gia đình bé lấy lại được danh dự, giúp bù đắp những thiệt thòi mà em phải gánh chịu. Nhưng đồng thời, phiên tòa lại một lần nữa cứa vào nỗi đau của em và gia đình phải chịu đựng hơn một năm vừa qua.

Hai mẹ con bé Phương Anh lạc lõng trong phiên tòa xét xử. Ảnh: Gia đình.

Sau khi đại diện viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tĩnh Gia nêu quan điểm nhà trường không có lỗi trong quản lý học sinh, đề nghị tòa bác đơn đòi bồi thường của nguyên đơn, nhiều người tham dự phiên tòa đó đã đồng loạt vỗ tay trước sự ngơ ngác, thất vọng của gia đình Phương Anh. Đáng nói hơn, phần lớn những người tham dự và vỗ tay trong phiên tòa đều là những thầy cô giáo, những cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục của huyện.

Theo lẽ thường, người ta chỉ vỗ tay khi hưởng ứng một điều gì đó đáng hoan nghênh, tự hào. Vậy mà trước thiệt thòi của một học sinh bé nhỏ, họ cũng đành lòng hưởng ứng, hoan nghênh. Những tràng pháo tay đó có khác gì một gáo nước lạnh dội vào chút niềm tin của bé Phương Anh và gia đình, dội vào sự hy vọng về một nền giáo dục nhân ái của những bậc làm cha, làm mẹ?

Cùng nhìn lại phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Văn Hùng (thủ phạm vụ thảm sát ở Yên Bái) 2 năm về trước và phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự lần này, chúng ta có thể thấy điểm giống nhau là đều có những tiếng vỗ tay, đều để lại những “cảm xúc khó tả” trong lòng độc giả. Có điều…

...Một là tiếng vỗ tay, hưởng ứng khi cái ác bị trừng trị thích đáng, tiếng vỗ tay của những người dân đã quá phẫn uất với hành động thú tính của hung thủ. Còn lại, đó là tiếng vỗ tay của những người thầy, người cô thể hiện tinh thần thỏa mãn, hồ hởi với sự “rũ bỏ” trách nhiệm của nhà trường trong câu chuyện đáng tiếc lần này.

Hai tràng pháo tay ở 2 vụ án, tràng pháo tay nào cay nghiệt, chát chúa hơn? Có lẽ câu hỏi đó phải để mỗi người tự cảm nhận và đưa ra câu trả lời cho chính mình.

Cũng may là ngay sau đó, tòa đã ra phán quyết khác. Nhưng liệu đây có phải là cái kết đẹp cho một câu chuyện đáng tiếc? Hay sự đau lòng đó lại tiếp tục được nối dài bằng những chương truyện khác, những nhân vật khác?

Trộm nghĩ, nếu phía dưới phiên tòa còn những tràng pháo tay đầy hưởng ứng của các thầy, các cô thì sự vô cảm, chối bỏ trách nhiệm của nhà trường với những tai nạn của học sinh còn… dài kì lắm!

Quả thật, những tràng pháo tay trong phiên tòa đó như nốt nhạc lạnh lẽo, tiễn đưa nhân cách của không ít người thầy, người cô.

Bảo Trang

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/hoc-sinh-mu-mat-va-tieng-vo-tay-tien-dua-nhan-cach-nhung-nguoi-thay-a326095.html