Học sinh lớp 7 hoang báo bị bắt cóc: Bố mẹ nên xem lại cách giáo dục

Hoang báo tin đến cơ quan nhà nước là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp này, vì quá lo lắng cho con nên gia đình cậu bé không biết chuyện đó là bịa đặt nên không phải chịu trách nhiệm.

Nghe lời kể của con bị một người lạ dùng dao khống chế rồi trói lên xe máy, bắt đi gần 100 km đến huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), gia đình của học sinh này đã báo lên cơ quan công an để điều tra giải quyết. Ngay sau khi tiếp nhận sự việc, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, tuy nhiên xác định toàn bộ câu chuyện chỉ là bịa đặt.

Trước đó, ngày 24/2, sau khi vào huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đón con là P.V.C. về nhà tại thôn Tân Phước, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, vợ chồng anh Phạm Văn Hùng nghe con kể lại chuyện mình vừa thoát khỏi vụ “bắt cóc”.

Sự thật là do không có lịch học nhưng đi chơi game từ sáng đến trưa, sợ bị đánh đòn nên C. lén lấy quần, áo bỏ vào cặp đi học và lấy 1 chiếc điện thoại của cha cùng chiếc xe đạp để đi trốn, dự định vào Quảng Ngãi làm thuê.

Tuy nhiên, khi đạp xe vào đến một cây xăng ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) thì trời tối, đói bụng và mệt mỏi nên C. giấu chiếc xe đạp và gọi điện về nhà báo với gia đình mình bị một người lạ bắt cóc. Phía công an huyện Hải Lăng cũng đã phát hiện chiếc xe đạp của học sinh này và tiến hành trao trả cho gia đình.

Cháu C. trong chuyện hoang báo bị bắt cóc.

Về vấn đề pháp luật, luật gia Vũ Hồng Loan, trường đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra quan điểm của mình về hoang báo thông tin đến cơ quan chức năng là vi phạm pháp luật.

Với sự việc trên có thể thấy, điểm chung của đa số các trẻ em nam trong độ tuổi này đều hết sức nhạy cảm, tò mò, muốn thể hiện bản thân hay còn gọi là thời kỳ “nổi loạn”.

Chính vì đặc điểm trong sự phát triển tâm lý vào thời điểm này thất thường, ảnh hưởng rõ rệt đến lối ứng xử và hành vi của các em như: không làm chủ được cảm xúc, dễ bị kích động, mất bình tĩnh và dễ làm liều… Chính vì thế, điều này có thể phần nào lý giải được về hành vi của C. trong câu chuyện trên.

Luật gia lưu ý: “Tuy nhiên, điều đáng bàn bạc ở đây không phải vì do ở lứa tuổi chưa nhận thức được hết hành vi của mình hay đặc điểm tâm lý để cho qua sự việc. Bởi lẽ, điều chúng ta muốn hướng đến chính là tìm ra phương pháp giáo dục cho các em một cách tốt nhất, định hướng cho sự phát triển, hoàn thiện về nhân cách con người trước nhiều cám dỗ, nguy hiểm của xã hội. Bởi lẽ, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm cao cả của toàn xã hội”.

Hoang báo tin bị bắt cóc là trái luật, gây hoang mang dư luận (Hình minh họa).

Trong sự việc, nguyên nhân bắt đầu từ tính ham chơi, lo sợ bị cha mẹ mắng nên cậu bé đã làm liều bỏ đi sang tỉnh khác làm thuê. Tuy nhiên, để mưu sinh kiếm sống không hề dễ dàng so với suy nghĩ của một học sinh lớp 7. Nếu như lúc mỏi mệt, đói khát khi ở nơi xa lạ, cậu bé bị bắt cóc thật hay bị người khác lôi vào con đường tệ nạn thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Vì vậy trước hết, để con cái ngoan ngoãn, vâng lời, không xa vào các tệ nạn xã hội, bố mẹ cần kết hợp với nhà trường, xã hội để có phương pháp giáo dục đúng đắn.

Về vấn đề pháp luật, luật gia cho biết: “Việc báo thông tin giả đến cơ quan có thẩm quyền là vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi này có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến một triệu đồng.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, khi nghe con kể lại chuyện bị bắt cóc, bất kỳ bố mẹ nào cũng hết sức hoang mang, lo lắng nên cầu cứu đến cơ quan công an là việc làm cần thiết. Do không biết sự việc con kể là giả nên sự việc này, bố mẹ C. không có lỗi nên không bị xử phạt nhưng phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong xác minh kỹ thông tin trước khi trình báo, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gây hoang mang dư luận”.

Dương Nhung

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/hoc-sinh-lop-7-hoang-bao-bi-bat-coc-bo-me-nen-xem-lai-cach-giao-duc-a317540.html