Học giả Mỹ: Doanh nghiệp Mỹ nên ‘đặt cược’ vào Việt Nam

“So với nhiều nền kinh tế khác ở Châu Á, Việt Nam có vẻ là một lựa chọn đặt cược khá chắc chắn cho quãng đường phát triển của 1/4 thế kỷ tiếp theo”, Michael Auslin, một học giả chuyên nghiên cứu về châu Á và An ninh của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ nhận xét.

Dù chưa rũ bỏ hết những khó khăn và tồn tại từ quá khứ để lại, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng tốc một cách vững vàng.

Ngồi sau một anh xe ôm và chạy lòng vòng với cảm giác “dựng tóc gáy” là cách hiệu quả nhất giúp bạn khám phá vẻ đẹp chân thực của phố phường Hà Nội, thủ đô Việt Nam. Trên khắp các nẻo đường, đâu đâu bạn cũng thấy những cơ sở kinh doanh nhỏ nhưng tấp nập, những quán ăn vỉa hè đông đúc và một lượng du khách nước ngoài đông đến bất ngờ dạo quanh các công trình kiến trúc cũ kỹ từ thời Pháp thuộc. So với nhiều nền kinh tế khác ở Châu Á, Việt Nam có vẻ là một lựa chọn đặt cược khá chắc chắn cho quãng đường phát triển của ¼ thế kỷ tiếp theo. Đồng thời, những chính sách của chính phủ Việt Nam đang giúp cho đất nước này trở thành một môi trường đầu tư tiềm năng đối với các nước tư bản phát triển, kể cả Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - những người đã từng có thời đứng bên kia chiến tuyến.

Rất nhiều hàng hóa, nhà hàng và các đám đông vui nhộn khiến người ta không khỏi có những ấn tượng về một quốc gia tràn trề sinh lực. Những cặp đôi hạnh phúc trong lễ phục cưới tạo dáng chụp ảnh ven bờ hồ Hoàn Kiếm hay trước cửa Nhà Hát Lớn. Giới chức Việt Nam ngày càng cởi mở và người dân luôn luôn thân thiện, sẵn sàng trò chuyện hay giúp đỡ các du khách. Trong các câu chuyện của mình, người Việt Nam thường rất quan tâm đến tình hình phát triển của thế giới và cố gắng để tìm hiểu về những gì đang diễn ra tại Mỹ hiện nay.

Quốc gia trẻ có 87 triệu dân với độ tuổi trung bình là 27 và hơn 60 triệu người đang trong độ tuổi từ 15 đến 65 này thực sự là một thị trường lao động đầy sức hấp dẫn. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vào khoảng 1.224 USD, bằng 1/4 thu nhập bình quân trên đầu người của Trung Quốc nhưng con số này đang không ngừng tăng nhanh do sức lớn mạnh bền vững của GDP với con số khá ấn tượng: 6,8% trong năm 2010.

Cho dù hiện nay, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, song hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Mỹ cũng không ngừng lớn mạnh, năm 2010, tổng giá trị giao dịch thương mại giữa hai nước đã tăng gấp 6 lần so với năm 2002, cán mốc 18,6 tỷ USD.

Hầu hết các nhà quản lý và điều hành kinh tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam đều có tham vọng thâm nhập sâu hơn vào thị trường thế giới nhằm tăng doanh thu cho nền kinh tế nhờ việc xuất khẩu hàng hóa. Với gần 3.500km đường bờ biển, Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược trong giao thương quốc tế, có khả năng trở thành trung tâm trung chuyển hậu cần lớn cho châu Á.

Theo đánh giá chung, giới chức trách Việt Nam hiểu khá rõ những khó khăn mà nền kinh tế đang vấp phải, bao gồm cả chỉ số lạm phát lên tới 18% trong năm qua kéo theo sự tăng giá hàng loạt các loại hàng hóa trong nước. Một nhóm chuyên gia tư vấn kinh tế gần đây đã nghiên cứu và chỉ ra những mối nguy hiểm của nền kinh tế ở cấp độ vĩ mô và kêu gọi chính phủ có những cải cách và biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế sao cho phát triển hợp lý và bền vững hơn nhưng đồng thời đòi hỏi phải giữ được sự sôi động cho nền kinh tế ở cấp độ vi mô.

Việt Nam cũng đồng thời ý thức sâu sắc được mối tương quan chặt chẽ của tương lai nền kinh tế với các thành tựu giáo dục. Trong những năm qua, hệ thống giáo dục không ngừng được phát triển và cải tiến ở mọi cấp học, đặc biệt là giáo dục Đại học. Hàng loạt các cơ sở giáo dục đại học được mở ra với các ngành học ngày càng phong phú hơn. Trong thời gian ở Hà Nội, tôi có cơ hội đến thăm một cơ sở của trường Đại học Quốc gia Việt Nam nơi mà tôi thấy rõ nhất sự tương phản giữa những sinh viên đầy nhiệt huyết, tràn trề năng lượng với tình trạng xuống cấp xộc xệch của cơ sở vật chất, đặc biệt là các tòa nhà phòng học.

Người Việt Nam đã rất thành công trong việc sáp nhập quá khứ và tương lại trong từng bước đi của Hà Nội. Thành phố vẫn giữ được những góc phố nhỏ với vẻ đẹp cổ kính, xưa cũ, những công trình kiến trúc độc đáo mang nhiều dấu ấn lịch sử, nơi chứng kiến bao thăng trầm của mảnh đất thủ đô như Nhà Hát Lớn, Nhà thờ, khách sạn Hanoi Hilton cũ hay một phần nhà tù Hỏa Lò nay đã trở thành một bảo tàng nhỏ. Những dấu tích trên làm cho Hà Nội vẫn phảng phất đâu đây hình dáng của một thành phố thuộc địa Đông Dương đầy bí ẩn. Bên cạnh đó, người ta dễ dàng có thể tìm thấy những công trình kiến trúc mới hiện đại và đồ sộ như Hanoi Towers, Vincom Tower, những trung tâm mua sắm cao cấp, những cửa hàng đồ hiệu xa xỉ, những khách sạn mang phong cách phương Tây sang trọng nằm dọc theo các tuyến phố chính. Bao quanh các đền chùa và các công trình kiến trúc cũ là hàng loạt những tiệm café, quán ăn nhỏ, những cửa hàng quần áo “Made in Vietnam” rất được ưa chuộng và những tiệm tạp hóa khác. Tất cả tạo nên một Hà Nội phong phú và khác biệt.

Mỹ nên có những cái "bắt tay chặt hơn" với Việt Nam. (Ảnh: Tổng thống Mỹ Bill Clinton được người dân Việt Nam chào đón trong chuyến thăm hồi năm 2000)

Cùng chia sẻ những mối quan ngại về tình hình phức tạp ở Biển Đông và trong khu vực châu Á Thái Bình Dương là động lực chính thúc đẩy hai nước Việt – Mỹ siết chặt quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất giữa Washington và Hà Nội vẫn là việc họ chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề về nhân quyền và tự do ngôn luận. Nhưng điểm cốt lõi ở đây là sự khác biệt đó dường như không ảnh hưởng nhiều đến các thương thảo trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Chính phủ Mỹ cũng thừa nhận cần phải kiên trì trong chiến lược ngoại giao với Viêt Nam không chỉ để giải quyết những tồn tại giữa hai nước mà còn nhằm gạt đi thái độ e ngại và thận trọng của Việt Nam trong mối quan hệ Việt – Mỹ.

Mối quan hệ Mỹ - Việt sẽ là một trong những mối quan hệ đòi hỏi sự tinh tế và khéo léo nhất đối với Washington trong 10 năm tới. Nhà cầm quyền Mỹ hi vọng những khoảng cách hạn chế trong quan hệ của hai nước sẽ được lấp đầy bằng những hành động hỗ trợ phát triển, những thỏa thuận hợp tác an ninh và thương mại ngày càng chặt chẽ giữa Washington và Hà Nội.

Thái độ chào đón niềm nở của Việt Nam đã mở ra trước mắt Mỹ những cơ hội tốt đep ở một đất nước đang tràn trề năng lượng và cơ hội phát triển mà Mỹ nên nắm lấy.

Phan Vinh

Theo The Diplomat

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Kinh-doanh/hoc-gia-my-doanh-nghiep-my-nen-dat-cuoc-vao-viet-nam/a19780.html