Học giả Đỗ Đức Dục - những câu chuyện đời thường

Là một trí thức yêu nước, kinh qua nhiều vị trí và giữ nhiều chức vụ quan trọng, trong cuộc sống đời thường học giả Đỗ Đức Dục lại là một con người giản dị, sâu sắc, nghĩa tình, thủy chung trọn vẹn. Bất luận trong hoàn cảnh nào ông vẫn giữ cho mình khí chất, tâm hồn lạc quan và một trái tim nồng ấm.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng tiếp nhận hiện vật hiến tặng Bảo tàng MTTQ Việt Nam và trao giấy chứng nhận cho đại diện gia đình học giả Đỗ Đức Dục. Ảnh: Quang Vinh.

Đỗ Đức Dục - nhà hoạt động cách mạng, luật sư, nhà báo, nhà giáo, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, lý luận - phê bình văn học, dịch giả có nhiều đóng góp, cống hiến to lớn cho đất nước, cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong công tác Mặt trận, ông từng giữ chức Phó Bí thư của Tổng bộ Việt Minh, Ủy viên Ủy ban toàn quốc Mặt trận Liên Việt, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Tình yêu giữa ông và người vợ xinh đẹp, thảo hiền - bà Ngô Thị Thu, trở thành thiên tình sử đẹp trong ký ức của các con. Từ mối tình “sét đánh” của chàng trai Hà thành với cô gái cố đô Huế vào năm 1939, gặp phải không ít rào cản, trở ngại nhưng ông đã bản lĩnh vượt qua để giữ trọn lời thề hẹn với người con gái mình yêu, lặn lội vào Huế hỏi cưới bà làm vợ. Hơn 50 năm gắn bó, chung sống bên nhau, ông luôn đồng cam cộng khổ, chia sẻ cùng bà những ngọt bùi, đắng cay, luôn trân quý, thấu hiểu, biết ơn người vợ vẹn toàn công - dung - ngôn - hạnh. Thời mới yêu nhau, ông viết cho bà rất nhiều lá thư. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, ông thường xuyên phải công tác xa gia đình, ông bà đã duy trì thói quen viết thư chia sẻ, động viên nhau vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Những lá thư thời chiến đôi khi chỉ vài dòng nhắn nhủ nhưng chan chứa yêu thương. Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ chấm dứt, trong niềm vui chung của đất nước là sự hân hoan đoàn tụ của gia đình, ông bà đã đóng những lá thư này thành một tập dày hàng trăm trang để làm kỷ niệm.

Với ông sự nghiệp là quan trọng nhưng gia đình lại là cốt yếu. Năm 1965, chiến tranh leo thang của Mỹ ra miền Bắc, ông ở lại Hà Nội hoạt động còn vợ con sơ tán lên làng Mía (tức làng Đường Lâm, Sơn Tây), nơi khối cơ quan thuộc MTTQ Việt Nam làm việc thời chiến tranh. Thương vợ một mình vất vả chăm sóc các con, suốt 2 năm trời ròng rã, cứ cuối tuần ông lại đạp xe lên thăm. Trên chiếc xe cà tàng chở theo thức ăn mà tự tay ông chế biến và đồ dùng cần thiết cho các con. 4 giờ sáng khi trời còn tối như mực, ông đeo bên hông đèn pin tất tả ra Hà Nội cho kịp đi làm đầu tuần.

Ông là người bố rất tình cảm, tâm lý và luôn có ý thức dạy dỗ các con hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ trong cuộc sống. Ông chú ý ngay từ việc đặt tên các con gắn với những địa danh, sự kiện quan trọng của đất nước cũng là cách để nhắc các con về cội nguồn, về tình yêu quê hương, Tổ quốc. Ông từng mong con gái nối nghiệp trở thành một nhà giáo nhưng không ép buộc mà luôn tôn trọng sự lựa chọn của con, để các con phát triển thuận theo sở thích, thế mạnh của mỗi người.

Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, học giả Đỗ Đức Dục luôn giữ trong mình tinh thần lạc quan, khảng khái và khiếu hài hước vốn có. Khi gia đình chuyển từ ngôi nhà ở Phạm Đình Hổ đến căn nhà chật hơn ở phố Tuệ Tĩnh, ông vẫn động viên các con: “Ăn hết nhiều, ở hết bao nhiêu”. Ngay cả lúc ốm đau, bệnh tật phải vào bệnh viện, ông không muốn vợ con vất vả, mất thời gian nên luôn cố gắng tự mình chăm sóc bản thân. Thấy con cái lo lắng, ông trấn an: “Ba quen rồi, khỏi lo cho ba”. Tháng 8/1993, ông phải nhập viện cấp cứu, trước giờ lâm chung biết không qua khỏi, ông đã dặn con gái: “Ba còn cuốn sổ tiết kiệm các con lấy ra mà nuôi mẹ, các con nhớ chăm sóc mẹ thật chu đáo, nhớ cưu mang hai cháu Quang và Đức, quan tâm giúp đỡ các chị em chưa lập gia đình”.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, bất luận ở cương vị nào, học giả Đỗ Đức Dục đều dốc sức, dốc lòng cống hiến. Và chính ông, trong cuộc sống đời thường với lối sống giản dị, giàu tình người, với tinh thần lạc quan, nỗ lực vượt qua mọi nghịch cảnh đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp, lan tỏa những chân giá trị cho những người thân trong gia đình và cho xã hội. Trong phát biểu chào mừng Hội thảo khoa học “Kỷ niệm 25 năm Ngày mất nhà nghiên cứu Đỗ Đức Dục”, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn khẳng định: “Cuộc đời của một con người cống hiến trọn đời mình cho cách mạng, cho đất nước, cho sự nghiệp phát triển của văn hóa và khoa học như Đỗ Đức Dục xứng đáng để các thế hệ chúng ta tôn vinh và học tập”.

(Lược ghi từ lời kể của bà Đỗ Hồng Lạng, con gái học giả Đỗ Đức Dục)

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, học giả Đỗ Đức Dục được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao cho trọng trách Đổng lý Văn phòng Bộ Quốc gia Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục. Ông được bầu vào Quốc hội khóa I, được Quốc hội lựa chọn vào Tiểu ban soạn thảo Hiến pháp và giao trọng trách Thuyết trình Dự thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước Quốc hội vào kỳ họp thứ 2 (Quốc hội khóa I) và giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa I (1950-1960 ).

THU HOÀN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hoc-gia-do-duc-duc--nhung-cau-chuyen-doi-thuong-5739576.html