Học địa lí sinh động hơn bằng… phim hoạt hình

Những ngày thực tập sư phạm, nhìn các em học sinh uể oải với những tiết học địa lí “chay” khiến thầy giáo trẻ Nguyễn Thế Nhất (THPT Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) trăn trở làm sao để môn địa lý trở nên lôi cuốn, khiến học sinh ham thích, hào hứng hơn.

Theo Nhất, hiện nay, một bộ phận không nhỏ học sinh có tâm lí chưa chú trọng, ít hứng thú đối với việc học tập các môn khoa học xã hội, trong đó có địa lí.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng này xuất phát từ sự đơn điệu trong phương pháp giảng dạy của giáo viên. Thực trạng này đã trở thành thách thức trước xu thế đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho người học.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để có thể tạo được hứng thú, đam mê học tập đối với các môn xã hội. Do vậy, phương pháp dạy học của giáo viên cũng cần phải thay đổi theo chiều hướng tích cực”- Nhất chia sẻ.

Học sinh sẽ rất thích thú tìm hiểu cách phòng tránh lốc xoáy bằng phim hoạt hình với những nhân vật, lời thoại ngộ nghĩnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phim hoạt hình không chỉ cung cấp tri thức, giáo dục học sinh mà còn tạo hứng thú học tập. Những hình ảnh sống động hàm chứa nội dung khoa học, đây thực sự là một nguồn tri thức quan trọng để cung cấp cho học sinh.

Ngoài ra, phim hoạt hình còn tạo hứng thú học tập bởi sự hài hước, vui nhộn và tính giải trí của nó. Việc sử dụng phim hoạt hình vào dạy học địa lí sẽ giúp các em yêu địa lí hơn, có hứng thú với địa lí hơn.

"Đây là việc làm vô cùng quan trọng trong thời kì hiện nay, khi mà xã hội đang thờ ơ với khoa học địa lí, với môn địa lí trong nhà trường", Nhất nói. "Đó thực sự là tài liệu quan trọng có thể áp dụng để đổi mới phương pháp dạy học địa lí theo hướng phát huy tính tích cực và hứng thú của học sinh".

Phim hoạt hình mô phỏng hình huống hỏi đáp hài hước của giáo sư Cù Trọng Xoay về các hiện tượng thiên nhiên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bắt tay vào làm đề tài, khó khăn nhất với Nhất có lẽ là việc làm thế nào lồng ghép những kiến thức địa lí vào trong một bộ phim có câu chuyện, có nhân vật, lời thoại hoàn chỉnh. Nhất như hóa thân trở thành nhà sản xuất phim thực thụ làm tất cả mọi việc từ lên ý tưởng kịch bản, dựng phim, lồng tiếng, đến thiết kế các hoạt động, bài tập để kiểm tra khả năng nắm bắt kiến thức của học sinh.

Không mấy người biết rằng, để thực hiện một bộ phim có độ dài chỉ vài phút, Nhất đã nhiều đêm thức khuya ròng rã cặm cụi bên chiếc máy vi tính tìm hiểu cặn kẽ từng phần mềm dựng phim, từng trang web hỗ trợ biên tập phim.

Để giúp học sinh nhận biết về cách phòng tránh và ứng phó mỗi khi có lốc xoáy nhiều khi chỉ diễn đạt bằng lời nói sẽ không trực quan. Nếu mình xây dựng kiến thức đó bằng một đoạn phim có nhân vật và hoàn cảnh cụ thể thì học sinh sẽ dễ dàng tiếp cận và ghi nhớ tốt hơn”- Thế Nhất kể về đoạn phim minh họa cách phòng tránh lốc xoáy trong tiết dạy địa lý của mình.

Mẩu phim ngắn mà Nhất kỳ công xây dựng có hình ảnh một cậu học sinh nhỏ nhắn đi trên đường bỗng dưng gặp lốc xoáy. Cậu liền chui ngay xuống gầm bàn, nín thở nhưng nước mắt vẫn cứ chảy xuống vì sợ. Cậu bé chắp tay cầu nguyện mọi sự sẽ qua và nhảy cẫng lên sung sướng khi cơn lốc qua đi.

Nguyễn Thế Nhất hy vọng rằng, cách dạy học mới này sẽ ngày càng phổ biến trong các trường học phổ thông. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Những tiết học cùng các nhân vật hoạt hình với những hành động, cử chỉ ngộ nghĩnh, đáng yêu đã dần chiếm được cảm tình của các em học sinh và môn học địa lí trở trên sống động, lý thú hơn bao giờ hết.

Người giáo viên trong thời đại công nghệ phải luôn nắm bắt tiếp thu các thành tựu của khoa học công nghệ ứng dụng vào từng tiết học của mình. Có như vậy những môn học tưởng chừng như khô khan, nhàm chán mới có sức hấp dẫn cho học sinh, kích thích được khả năng tiềm ẩn của các em”- Nhất chia sẻ.

Thực nghiệm tại trường Trung học thực hành ĐH sư phạm TP.HCM, có đến 82% học sinh được khảo sát tỏ ra hứng thú với phương pháp dạy học địa lí bằng phim hoạt hình. Ngoài ra, có đến 90% học sinh được khảo sát mong muốn được học môn địa lý bằng phim hoạt hình.

Với những tín hiệu khả quan đó, Thế Nhất mong muốn, phương pháp giảng dạy này sẽ trở thành một hướng đi mới trong tương lai và mang lại nhiều hiệu quả trong việc truyền tải kiến thức cho học sinh với cách dạy mới thay cho phương pháp truyền thống.

Hà Thế An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/hoc-dia-li-sinh-dong-hon-bang-phim-hoat-hinh-c7a393420.html