Học đi đôi với hành

Ngành Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành học 'hot' tại Trường Cao đẳng Cộng đồng khi chỉ tiêu tuyển sinh luôn đạt.

Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản sau tốt nghiệp đạt cao, với tỷ lệ 100%, theo đó, các em có thể làm nhân viên thị trường thuốc, thức ăn và tôm giống; nhân viên kỹ thuật các trại nuôi tôm, trại giống. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên còn làm việc tại các công ty thủy sản, chế biến lớn tại Cà Mau hoặc sinh viên có thể khởi nghiệp tại nhà bằng việc mở các trang trại nuôi cua, tôm, cá chình, mở đại lý phân phối giống... Các kiến thức đã học có thể áp dụng tại nhiều vùng nuôi, từ nước mặn đến nước ngọt, do đó sinh viên sau tốt nghiệp có thể làm việc, nuôi trồng thủy sản tại Cà Mau và các vùng lân cận.

Ðặc thù ngành học này là tần suất thực hành tương đối nhiều, nhất là từ năm học thứ 2 trở đi.

Với chuyên đề thực hành môn Sản xuất giống và nuôi giáp xác, sinh viên năm cuối sẽ bước vào thời gian kiểm tra tổng hợp kiến thức trong các năm học. Với 210 tiết thì lý thuyết chỉ 30 tiết, còn lại 180 tiết thực hành.

Theo đó, trong suốt 30 ngày, sinh viên vừa quan sát, đồng thời ghi chép các giai đoạn, có thêm kinh nghiệm cũng như khả năng nhận biết những đặc tính, các giai đoạn phát triển, các loại bệnh và nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, nhất là với tôm và cua.

Sinh viên thực hành trói cua.

Cụ thể, sẽ quan sát các yếu tố xung quanh vật nuôi như: thức ăn tự nhiên, nước và bệnh, kết hợp ương và dèo tôm sú (thuần độ mặn); ương cua biển, nuôi cua lột, cua cốm không cắt càng, nuôi cua lột cắt càng, dèo con megalop (trước khi phát triển thành cua con). Các kiến thức sau khi học, sinh viên có thể ứng dụng vào nuôi cua, mở trại giống, tự sản xuất giống hoặc tự nuôi cua trong hộ gia đình.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc, giảng viên Khoa Kinh tế - Nông nghiệp, cho biết: “Vì là bộ môn tổng hợp, nên muốn có thể quan sát thực hành dễ dàng, sinh viên cần nắm vững các kiến thức đã học trước đó như: môn quản lý chất lượng nước, thức ăn tự nhiên, dinh dưỡng và thức ăn thủy sản, bệnh học thủy sản, thuốc và hóa chất, công trình nuôi thủy sản...

Các công việc trong suốt 30 ngày sinh viên đảm nhiệm là cho vật nuôi ăn, loại bỏ cặn thức ăn trong môi trường nuôi, vệ sinh giá thể bông lọc... Việc tuần tự từng bước giúp các em vừa dễ dàng quan sát, nếu có phát sinh các vấn đề, giảng viên sẽ điều chỉnh phù hợp. Vì trong thực tế khi bắt tay vào nuôi, ương dèo thủy sản, rất dễ phát sinh các rủi ro, đây là bước đầu các em tiếp cận”.

Sinh viên Hữu Kiều My, năm cuối ngành Nuôi trồng thủy sản, chia sẻ: “Ðối với sinh viên năm cuối, các tiết thực hành sẽ được học nhiều hơn, bám sát chuyên môn ngành học. Với tôi, khi được thực hành khá là vui, giúp tôi cải thiện được nhiều vấn đề của bản thân. Trước đó, tôi khá nhát, không dám chạm vào con cua, nhưng nay thì có thể mạnh dạn thực hiện các thao tác, phân biệt được các loại cua, giai đoạn phát triển. Vì là nữ, nên sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ chọn phòng lab về bệnh thủy sản để tìm kiếm cơ hội việc làm”.

Với ngành học Nuôi trồng thủy sản, tần suất thực hành tương đối nhiều, đây là cơ hội để các em nâng cao tay nghề, kinh nghiệm với công việc.

Bạn Nguyễn Chánh Tính, sinh viên năm cuối ngành Nuôi trồng thủy sản, cho biết: “Môn học có cả kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, tôi thấy vô cùng thú vị. Không chỉ giúp người học có cái nhìn cụ thể, trực quan hơn với những kiến thức đã tiếp thu, mà còn có thể theo dõi tập tính của từng vật nuôi ở cự ly gần, kịp thời phát hiện những vấn đề lạ trên vật nuôi để xử lý nhanh chóng”.

Hiện tại, thầy Bắc đang hỗ trợ nhóm sinh viên tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Startup Kite năm 2023 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với dự án “Nuôi tập trung cua lột trên bể với hình thức cắt càng bằng hệ thống tuần hoàn nước và các sản phẩm chế biến từ cua”. Cùng với dự án này, sinh viên ngành Nuôi trồng thủy sản còn có dự án “Phát triển nghề nuôi cá cảnh và các dịch vụ hậu cần” tranh tài tại cuộc thi này.

Gắn lý thuyết với các kỹ năng thực hành, không chỉ giúp người học tiếp cận được chuyên môn, nâng cao tay nghề thực tế, mà xa hơn còn là tích lũy kinh nghiệm phục vụ cho công việc, nghề nghiệp về sau, nâng cao chất lượng của đơn vị đào tạo. Với diện tích nuôi thủy sản tương đối lớn tại tỉnh nhà, đây cũng là những bước đệm góp phần giúp nghề nuôi thủy sản của Cà Mau phát triển mạnh trong thời gian tới./.

Yến Nhi

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hoc-di-doi-voi-hanh-a30170.html