Học để không thất nghiệp

Việc học đại học hay học nghề tùy thuộc vào khả năng, sở thích, mong muốn cũng như điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người.

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày ra trường, chúng tôi tổ chức buổi hội khóa. Bạn bè cùng khóa, dù đã từng học chung một lớp hay khác lớp, sau nhiều năm gặp lại nhau vui mừng hớn hở, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của tuổi học trò, chia sẻ với nhau những vấp ngã và thành công trên hành trình lập thân, lập nghiệp của mình.

Bên cạnh những người bạn đã trở thành tiến sĩ, thạc sĩ giảng dạy tại các trường đại học hoặc những người bạn tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng và có công việc nhiều người mơ ước thì cũng có rất nhiều bạn đang làm chủ, thành công từ việc học nghề ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhiều bạn trẻ chủ động học nghề, thay vì bắt buộc phải học đại học

Vào thời điểm chúng tôi bước vào kỳ thi đại học, học nghề không phải là lựa chọn phổ biến, thậm chí có thể nói rằng đó là suy nghĩ còn khá xa lạ. Rất nhiều bậc phụ huynh ở thời kỳ đó đã định hướng cho con cái rằng học đại học là con đường duy nhất để dẫn đến thành công.

Điều đó vô tình đã gây sức ép lên cả những học sinh vốn có học lực không nổi trội, chấp nhận thi đậu bất cứ ngành nào, trường nào, miễn là một trường đại học mà không cần biết sức học của mình và khả năng của mình có phù hợp với ngành nghề đào tạo đó không. Hậu quả là tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, thừa cử nhân, thiếu lao động.

Nhiều sinh viên sau khi ra trường không thể xin việc đúng với chuyên ngành đào tạo phải chấp nhận làm những công việc khác để duy trì cuộc sống dẫn đến tình trạng lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc trong những năm tháng ngồi trên giảng đường mà kiến thức học được gần như không sử dụng đến.

Không phải là tất cả, nhưng hầu hết những người đã chọn học nghề thay vì học tiếp đại học ở khóa cấp ba của tôi đều đã thành công. Có người bắt đầu từ nghề thợ xây, hiện đã trở thành một chủ thầu xây dựng nhận công trình ở khắp miền đất nước. Có người mở công ty cung cấp nội thất văn phòng, nhà ở. Có người chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Họ đã chứng minh cho mọi người thấy, chỉ cần có ý chí, chịu khó và lòng quyết tâm thì không nhất thiết phải chọn con đường học đại học mới có thể dẫn đến thành công.

Nhiều bạn trẻ đã thành công từ học nghề

Một tín hiệu đáng mừng là trong một vài năm trở lại đây, giới trẻ đã có những lựa chọn phù hợp với bản thân trước ngưỡng cửa cuộc đời. Con gái một gia đình người quen của tôi, mặc dù có lực học khá nhưng ngay từ khi bước chân vào lớp 10, cháu đã xác định sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ học nghề làm tóc, trang điểm, spa. Cháu trình bày rõ nguyện vọng với bố mẹ rằng đó là nghề cháu yêu thích và thấy có cơ hội phát triển khi đời sống kinh tế của mọi người ngày càng được nâng cao, nhu cầu làm đẹp sẽ ngày càng tăng lên.

Hoặc có những bạn trẻ, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã nỗ lực học thêm ngoại ngữ để phục vụ mục đích đi xuất khẩu lao động sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều này cho thấy các em đã xác định rõ ràng việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai, thay đổi nhận thức “Đại học là con đường duy nhất để lập nghiệp”; đồng thời khẳng định hoạt động phân luồng sau trung học phổ thông trong những năm qua đã có tác dụng.

Tuy nhiên, dù lựa chọn học đại học hay học nghề, điều mà nhiều bạn trẻ hiện nay quan tâm đó là việc học ngành gì, nghề gì để không bị thất nghiệp, nhất là trong bối cảnh việc nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (Al) đang ngày càng tạo ra nhiều sự thay đổi lớn trong đời sống con người và được dự đoán sẽ thay thế nhiều ngành nghề, công việc.

Theo tôi, dù chọn con đường nào, để không bị thay thế, ngoài việc chọn ngành, chọn nghề phù hợp, bản thân mỗi người trẻ cần xác định cho mình thái độ học tập đúng đắn. Học thực chất thay vì học vẹt, hiểu kỹ từng vấn đề thay vì cái gì cũng biết nhưng lại không hiểu sâu về bất cứ điều gì. Học một cách chủ động, nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ để đưa ra được phương pháp giải quyết tối ưu nhất. Bên cạnh đó, mỗi người khi lựa chọn nghề nghiệp cũng đồng thời phải tự rèn cho mình những kỹ năng mới để tăng giá trị bản thân trên thị trường lao động.

Việc học đại học hay học nghề tùy thuộc vào khả năng, sở thích, mong muốn cũng như điều kiện, hoàn cảnh của mỗi người. Nhưng dù lựa chọn con đường nào thì ngoài ước mơ, khát vọng, ý chí thì mỗi người cần nâng cao khả năng học tập, học tập suốt đời, học tập từ mọi thứ và những người xung quanh, chủ động học và tiếp nhận cái mới để không sợ bị thất nghiệp và hướng tới thành công.

Việt Hà

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/hoc-de-khong-that-nghiep-207224.html