Học bổng Chính phủ Australia góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng khó

Chương trình Học bổng Chính phủ Australia (Australia Awards) dài hạn và ngắn hạn đã góp phần tạo cơ hội cho nhiều phụ nữ Việt Nam trải nghiệm học tập, xây dựng những dự án thực tế nhằm giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế.

Nỗ lực chung tay thúc đẩy bình đẳng giới

Năm 2023 là năm đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam. Australia đã có nhiều đóng góp thiết thực cho Việt Nam về bình đẳng giới, cũng như đang hợp tác với nhiều đối tác Việt Nam nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thông qua hợp tác phát triển.

Trong đó, chương trình Học bổng Chính phủ Australia (Australia Awards) dài hạn và ngắn hạn đã tạo cơ hội cho phụ nữ Việt Nam trải nghiệm học tập, đào tạo chuyên sâu dưới sự hướng dẫn của các nhà lãnh đạo, quan chức chính phủ, chuyên gia và học giả uy tín, có tầm ảnh hưởng lớn của Việt Nam và Australia.

Quan hệ đối tác giáo dục của Australia với Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo Phụ nữ (GeLEAD) thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng phát triển đáng kể, với nhiều khóa học nhằm thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ được triển khai trong khuôn khổ chương trình Australia cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực (Aus4Skills).

Đặc biệt trong đó có khóa học ngắn hạn “Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong vai trò lãnh đạo”, với mục tiêu tăng cường sự đại diện của phụ nữ trong các tổ chức và cơ quan, nhằm tạo tác động đối với quá trình ra quyết định trong lĩnh vực chính trị, khu vực công và khu vực tư nhân.

Việt Nam và Australia cũng đang tích cực hỗ trợ các chương trình hành động trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Theo Đại sứ Australia - ông Andrew Goledzinowski, tiềm năng phát triển của phụ nữ Việt Nam rất lớn. Vì thế hai nước cần thúc đẩy hợp tác để các dự án về bình đẳng giới trở nên có quy mô lớn hơn và có phạm vi tiếp cận rộng rãi hơn, với mục tiêu ít nhất 80% chương trình hợp tác cần tạo được tác động đối với phụ nữ.

Điểm sáng vùng cao

Việc triển khai các hoạt động tại các xã vùng cao cũng góp phần tạo môi trường cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có cơ hội giao lưu, trao đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế, tạo bình đẳng về cơ hội phát triển cho vùng đồng bào DTTS.

Hiện nay, các hình thức tuyên truyền đang được Hội liên hiệp phụ nữ tại các địa phương triển khai phù hợp với từng nhóm đối tượng để phát huy hiệu quả công tác truyền thông, đặc biệt là thu hút sự tham gia của nam giới vào các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Xác định tầm quan trọng của tuyên truyền bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, 3 trong 20 học viên vinh dự nhận Học bổng Chính phủ Australia tham gia khóa học ngắn hạn “Hành trình hỗ trợ phụ nữ trong vai trò lãnh đạo - lần 5” kéo dài trong 10 tháng đã xây dựng các dự án ứng dụng thực tế nhằm giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, cải thiện đời sống văn hóa, để tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao.

Dự án “Xây dựng tài liệu tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS tiếp cận dịch vụ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh” của bà Hà Thị Oanh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một trong 3 dự án đó. Dự án được triển khai gắn với nhiệm vụ của Hội, thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS từ đủ 18 tuổi trở lên tại địa bàn có tỷ lệ sinh con tại nhà cao hơn mức trung bình của cả nước tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn và chia sẻ kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong những năm đầu đời.

Dự án cũng chú trọng giới thiệu nội dung, ý nghĩa của gói chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em đến phụ nữ. Tính đến nay, các buổi tập huấn hướng dẫn đã triển khai đến 10 tỉnh có đông người DTTS và có tỷ lệ phụ nữ DTTS sinh con tại nhà cao hơn mức trung bình cả nước, gồm: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, Gia Lai.

Ảnh: Hà Thị Oanh

Dự án thứ hai mang tên “Thúc đẩy vai trò phụ nữ dân tộc Nùng trong phát triển mô hình sản xuất Chè sạch theo hình thức liên kết với doanh nghiệp tại Xóm Đồng Mỏ, Xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên” của bà Hoàng Thị Thu Hiền, Văn phòng Chính phủ. Dự án đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, giải phóng sức lao động, tạo việc làm thông qua chuyển đổi thói quen trồng, chế biến chè từ thủ công sang sản xuất chè sạch có hỗ trợ máy móc và liên kết với hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm cho nhóm phụ nữ dân tộc Nùng.

Dự án “Trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong việc phát triển du lịch sinh thái” của bà Tạ Tuyết Nhung, Văn phòng Chính phủ đã vận động người dân bản địa tham gia xây dựng mô hình homestay tại huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) nhằm khai thác tiềm năng du lịch hiện đang có tại địa phương này. Mặc dù dự án còn khá sơ khai, nhưng mục đích chính nhằm mang lại đời sống kinh tế tốt hơn cho đồng bào dân tộc.

Những dự án thiết thực trên đã góp những bước tiến đến các mục tiêu của bình đẳng giới, mà trên hết đó là giảm thiểu sự phân biệt giới, hướng đến cân bằng vị thế xã hội giữa nam và nữ trên quy mô cộng đồng.

Doãn Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hoc-bong-chinh-phu-australia-gop-phan-thuc-day-binh-dang-gioi-o-vung-kho-2227606.html