Hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng: Những tín hiệu khả quan

Mặc dù, không có nhiều lợi thế trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), nhưng từ đầu năm đến nay, cùng với những giải pháp về cơ chế, chính sách tín dụng cho vay XNK, những cải cách về thủ tục hành chính trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động XNK của tỉnh, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực XNK trên địa bàn, vượt khó, tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh các hoạt động XNK.

Mặc dù, không có nhiều lợi thế trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), nhưng từ đầu năm đến nay, cùng với những giải pháp về cơ chế, chính sách tín dụng cho vay XNK, những cải cách về thủ tục hành chính trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động XNK của tỉnh, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực XNK trên địa bàn, vượt khó, tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh các hoạt động XNK.

Năm 2023, được dự báo là một năm tiếp tục khó khăn đối với nền kinh tế trong nước nói chung và tỉnh Hà Nam nói riêng bởi những tác động từ bên ngoài. Những diễn biến phức tạp khó lường của tình hình kinh tế- chính trị trên thế giới; xung đột Nga - Ukraina và hậu quả của dịch Covid-19 kéo dài tiếp tục có những ảnh hưởng sâu đến hầu hết các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, thị trường vốn, chứng khoán luôn biến động, bất động sản “đóng băng”...

Tuy nhiên, với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp đã đem lại những kết quả khả quan cho nền kinh tế của tỉnh trong 9 tháng năm 2023; đặc biệt, trong lĩnh vực XNK. Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nam, hiện toàn tỉnh có 590 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động XNK. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn 9 tháng qua ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 82,8% so kế hoạch năm 2023.

Nhờ có thị trường tiêu thụ ổn định, bình quân mỗi tháng Công ty TNHH DV-TM Thu Hà (Kiện Khê - Thanh Liêm) đã gia công hơn 500 nghìn sản phẩm thú nhồi bông xuất khẩu, tạo việc làm cho 400 lao động trong, ngoài tỉnh.
Ảnh: Thu Minh

Liên tiếp trong 3 tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đều có mức tăng trưởng hơn so với tháng liền kề trước đó. Điều này cho thấy, các giải pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường của các doanh nghiệp, cùng những giải pháp hỗ trợ về chính sách tín dụng và thủ tục hành chính của các ngành chức năng đã mang lại những hiệu quả tích cực. Theo đánh giá của Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Hà Nam), mặc dù, phải đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao, do doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu đã nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào thị trường xuất khẩu lớn như: Mỹ, các nước trong khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Cùng với việc thực hiện các biện pháp tìm kiếm, khai thác ở thị trường xuất khẩu chủ lực, các doanh nghiệp vẫn chú trọng giữ vững thị trường truyền thống như: các nước trong khối ASEAN, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc)... với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: dây điện và cáp điện; sản phẩm máy tính, điện tử và linh kiện; sản phẩm gỗ và từ gỗ; sản phẩm túi xách, vali, mũ; sản phẩm chất dẻo; sản phẩm đồ chơi; giấy và sản phẩm từ giấy, xi măng, hàng may mặc, sợi, vải các loại, thêu ren, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng nông sản,…

Cùng với xuất khẩu thì, tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng qua trên địa bàn tỉnh ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 31,4% so cùng kỳ năm 2022 và đạt 82,7% so kế hoạch năm, với các mặt hàng chủ lực là: nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu chế biến sữa, nguyên phụ liệu may mặc, bông nguyên liệu, thiết bị, linh kiện phụ tùng xe máy, nguyên liệu sản xuất, linh kiện thiết bị điện tử nhập từ thị trường các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU (Thụy Sỹ, Đức, Hà Lan, Pháp, Italia, Bỉ), Trung Quốc, các nước ASEAN (Singapore, Thái Lan, Indonesia,…).

Như vậy, qua số liệu kim ngạch xuất khẩu hằng năm và số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu tăng hằng năm cho thấy sức cạnh tranh và tận dụng cơ hội của doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh ngày càng tốt lên. Nhất là, vào thời điểm hiện nay, khi Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các đối tác đã cắt giảm đáng kể hàng rào thuế quan và phi thuế quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Hà Nam nói riêng khi xuất khẩu hàng hóa. Cùng với đó, các thủ tục XNK hàng hóa cũng ngày càng được rút gọn và đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Lê Việt Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hà Nam cho biết: Thời gian qua, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, Chi cục đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa; áp dụng thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 100% số tờ khai XNK của các doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát xuất xứ hàng hóa nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, tiếp nhận và giải quyết kịp thời các vướng mắc cho doanh nghiệp theo thẩm quyền. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn; tạo thuận lợi về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp bao gồm các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan XNK, cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các hiệp định thương mại đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những con số khả quan thì hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh nói riêng, trên phạm vi cả nước nói chung hiện vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Nguyên nhân chủ yếu theo nhận định của ông Lê Minh Ngọc, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) là do: Một số lĩnh vực doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào, vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nhất là những ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn. Điều này có nghĩa, hầu hết các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tỉnh vẫn phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu nước ngoài. Thêm nữa, thị trường tại những nước thành viên trong các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là thị trường trong khối các nước của Hiệp định EVFTA, Mỹ, Nhật Bản có nhiều quy định khắt khe đối với hàng hóa xuất khẩu; đó cũng chính là một khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh Hà Nam. Trong khi đó, khả năng nắm bắt những thời cơ và nhận định những thách thức của các doanh nghiệp trong hoạt động XNK trong tỉnh còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến các chương trình hỗ trợ nâng cao kỹ năng cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước mà Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) do Sở Công thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương tổ chức...

Vì vậy, chỉ khi những khó khăn này được tháo gỡ, thì hoạt động XNK của Hà Nam nói riêng, cả nước nói chung mới thực sự khởi sắc; thực sự trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Minh Thu

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/hoat-dong-xuat-nhap-khau-9-thang-nhung-tin-hieu-kha-quan-105029.html