Hoạt động sân khấu dần khởi sắc

So với Khánh Hòa và Bình Định, hoạt động sân khấu của Phú Yên không sánh bằng, bởi không có nhà hát, không có đoàn nghệ thuật tuồng hay dân ca bài chòi. Tuy nhiên so với chính mình, hoạt động của sân khấu tỉnh nhà trong thời gian qua đã có nhiều khởi sắc.

Các nghệ nhân sân khấu cùng hát bài chòi tại một hội nghị của ngành Văn hóa. Ảnh: HIẾU VY

Cái nôi ca ngh thut truyn thng

Phú Yên là một trong những cái nôi của nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca bài chòi. Từ trước Cách mạng Tháng Tám, ở nhiều làng, xã của Phú Yên đã có các gánh hát tuồng.

Hay trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mặc dù phải hứng chịu bao mưa bom, bão đạn, khó khăn trăm bề nhưng Tỉnh ủy vẫn tâm huyết xây dựng hai đoàn văn công (một đoàn tuồng và một đoàn dân ca kịch bài chòi) để duy trì vốn nghệ thuật truyền thống, phục vụ kháng chiến và nhu cầu thụ hưởng văn hóa của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân vùng kháng chiến.

Đặc biệt, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, không chỉ ở cấp tỉnh mà nhiều địa phương còn thành lập đoàn hát ở cấp xã hoặc HTX, như Hòa Bình, Hòa Hiệp, Hòa Tân (huyện Tuy Hòa cũ)…

Theo nghệ sĩ Nguyễn Phụng Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nguyên Phó Trưởng đoàn Tuồng Thống Nhất, trong chiến tranh “tiếng hát át tiếng bom”, động viên bộ đội, dân quân du kích hăng hái thi đua giết giặc cứu nước.

Còn sau ngày giải phóng, những câu hát tuồng, những làn điệu dân ca bài chòi đã động viên tinh thần Nhân dân, sớm khắc phục khó khăn, ra sức xây dựng quê hương đất nước. Nhiều nghệ sĩ của Phú Yên đã nổi danh, ăn sâu vào lòng công chúng, đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn và phát triển của ngành Sân khấu Việt Nam, như: Chín Đạm, Năm Ngang, Bá Kỷ, Thế Linh, Chánh ca Chạnh, (Bà) Xanh, (Ông) Sửu, Trần Thị Bảy, Nghệ sĩ Nhân dân Đàm Liên…

Các nghệ sĩ sân khấu biểu diễn trích đoạn dân ca kịch bài chòi tại Giỗ Tổ Sân khấu năm 2023 và kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ XIV. Ảnh: HIẾU VY

Nhng đim sáng

Từ sau ngày tái lập tỉnh đến nay, tuy Phú Yên không có đoàn tuồng, cải lương hay dân ca kịch bài chòi nhưng các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống này vẫn âm thầm phát triển trong dòng chảy của sân khấu nước nhà. Năm 2014, Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Phú Yên được thành lập.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, trên địa bàn tỉnh hiện có 20 CLB bài chòi với khoảng 250 nghệ nhân đang gìn giữ và thực hành loại hình nghệ thuật này, trong đó có 7 CLB được thành lập trong giai đoạn 2021-2023, sau khi nghệ thuật bài chòi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghệ sĩ Bình Thảng, Chi hội phó Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Phú Yên chia sẻ: Là một hình thái nghệ thuật trình diễn dân gian sinh động mang bản sắc riêng với sự kết hợp khéo léo cả thơ, nhạc, hát, diễn xuất, ứng tác…; được sự quan tâm của ngành Văn hóa và lực lượng nghệ nhân nên những năm gần đây nghệ thuật bài chòi đã trỗi dậy mạnh mẽ. Các CLB đều được trang bị âm ly, nhạc cụ… và hoạt động thường xuyên, ngày càng thu hút nhiều người tham gia, có già có trẻ.

Ngoài sinh hoạt theo từng CLB hoặc giao lưu giữa các CLB, năm 2023 TP Tuy Hòa đã tổ chức hội thi CLB bài chòi thu hút gần 100 nghệ nhân, diễn viên của 6 CLB trên địa bàn thành phố tham gia.

Cũng trong năm 2023, nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ bài chòi được ngành Văn hóa tổ chức tại các địa phương trong tỉnh, như Đông Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy An… với hàng trăm người yêu thích loại hình nghệ thuật này theo học và lan tỏa đến nhiều người khác. “Là người trực tiếp truyền đạt cách hát, cách thể hiện các làn điệu của bài chòi cho học viên, tôi thấy niềm đam mê của họ rất lớn, rất đáng trân trọng. Tôi cho rằng, chỉ cần quan tâm, tiếp lửa cho họ thì niềm đam mê đó sẽ bùng cháy, nghệ thuật bài chòi sẽ phát triển mạnh trở lại”, nghệ sĩ Bình Thảng chia sẻ.

Còn nghệ nhân Đào Thu Sen, thành viên CLB Nghệ thuật tuồng 10/5 (huyện Phú Hòa), người đã giữ ngọn lửa đam mê loại hình nghệ thuật này hơn nửa thế kỷ qua, tâm sự: “Còn nhân là còn nghệ. Nghĩa là còn những người đam mê nghệ thuật tuồng thì sân khấu tuồng sẽ còn sáng đèn. Các loại hình nghệ thuật khác cũng vậy. Vì yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống mà tôi mãi luôn gắn bó với nó”.

Một trong những hoạt động nổi bật đã định hình hàng chục năm qua là Giỗ Tổ Sân khấu và kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam vào ngày 12/8 âm lịch hằng năm gắn với biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống, do Chi hội Sân khấu Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Phú Yên tổ chức.

Nghệ nhân Ưu tú Dương Kim Hoàng (Mai Hoàng), Chi hội phó Chi hội Sân khấu (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) cho biết: Trong khuôn khổ của Ngày Giỗ Tổ Sân khấu năm 2023 và kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ XIV, có 12 CLB tuồng, bài chòi, đờn ca tài tử tham gia Liên hoan Nghệ thuật truyền thống với hàng chục tiết mục đơn lẻ cùng nhiều trích đoạn tuồng, dân ca kịch bài chòi được các nghệ nhân thể hiện. Hàng trăm đại biểu, khán giả tham dự hoạt động này.

Nhng ht nhân nòng ct

Để có được phong trào, hoạt động sân khấu mạnh mẽ là nhờ có những hạt nhân nòng cốt, tâm huyết. Trong đó, nghệ sĩ gạo cội Nguyễn Phụng Kỳ là tác giả của nhiều kịch bản sân khấu như: Rừng thiêng nổi lửa, Tiếng kêu của những oan hồn, Lê Thành Phương, Người đi mở đất, Liệt nữ anh hùng… Riêng năm 2023, anh cũng đã hoàn thành 2 kịch dài Gương sáng anh hùng viết về cố Bí thư Tỉnh ủy, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Suyền và Ăn năn đã muộn viết về cuộc bạo động ở Tây Nguyên.

Nghệ nhân Ưu tú Mai Hoàng, vừa là Chi hội phó vừa là Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca, ngâm thơ - Nẫu ca Chi hội Sân khấu, mặc dù đã ở tuổi ngấp nghé 80 nhưng tiếng đàn của anh vẫn thường xuyên ngân lên ở các kỳ hội thi, liên hoan nghệ thuật quần chúng của tỉnh và các địa phương.

Nghệ nhân Bình Thảng, ngoài sáng tác và dựng nhiều chương trình cho các đơn vị tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, anh là người trực tiếp truyền dạy kỹ năng hát bài chòi cho học sinh và hàng trăm học viên tại các lớp tập huấn nghiệp vụ bài chòi do ngành Văn hóa tổ chức.

Nghệ nhân Ưu tú Phan Thanh Kính đảm đương vai trò chủ nhiệm 2 CLB: Dân ca bài chòi - Đờn ca tài tử thôn Mỹ Thạnh Trung 1 (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa) và Dân ca - Nhạc cổ Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh. Không chỉ truyền lửa đam mê nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử đến với nhiều người, anh còn sáng tác đều tay, viết lời mới cho hàng chục bài bản, chặp cải lương, đồng thời dạy ca trên Facebook.

Các nghệ sĩ Phùng Long Ẩn, Phương Liên, Hứa Thị Gởi… là chủ nhiệm của các CLB đánh bài chòi, thường xuyên đưa trò chơi dân gian độc đáo này đến với công chúng, nhất là dịp vui xuân, đón tết cổ truyền của dân tộc và những kỳ lễ hội.

Còn rất nhiều nghệ sĩ khác, trong đó không ít người đã bước sang U60, U70 nhưng mỗi khi bước lên sân khấu vẫn như tuổi thanh xuân như: Đào Thu Sen, Minh Uông, Tuấn Minh, Kim Phiến… Chính những con người như thế đã góp phần làm sống lại các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc mà có lúc tưởng chừng như đã mai một.

HIẾU VY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/314880/hoat-dong-san-khau-dan-khoi-sac.html