Hoạt động khoa học công nghệ gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn

Mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương áp dụng kỹ thuật tiên tiến được triển khai thử nghiệm tại xã Xuân Hải, TX Sông Cầu. Ảnh: THÁI HÀ

Những năm qua, việc ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng, quy trình sản xuất được cải tiến. Năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tạo động lực để nông nghiệp phát triển bền vững.

Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ

Giai đoạn 2016-2020, Phú Yên có 911 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ. Trong đó có 55 nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.

Xác định việc chuyển giao KH-CN vào sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thời gian qua, Sở KH-CN đã tham mưu triển khai nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi mới, giúp người dân tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trong giai đoạn 2016-2020, Sở KH-CN đã tham mưu thực hiện 66 nhiệm vụ ở lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, các dự án cấp quốc gia chủ yếu thực hiện chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp. Các dự án cấp tỉnh chủ yếu là tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng tốt, thử nghiệm các đối tượng giống cây trồng vật nuôi mới, có năng suất nổi trội. Các dự án cấp cơ sở thì tập trung nghiên cứu xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tại 9 huyện, thị xã, thành phố.

Là kết quả của đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn giống sắn ngắn ngày và kỹ thuật thâm canh rải vụ nhằm phục vụ cho việc phát triển cây sắn bền vững ở tỉnh Phú Yên”, giống sắn KM419 được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với sinh thái địa phương, năng suất cao. Theo ông Bùi Văn Nhương ở xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, gia đình ông sử dụng giống sắn KM419 để trồng từ năm 2008. Qua đó cho thấy giống sắn này mang lại hiệu quả cao khi năng suất tinh bột cao, phù hợp với chân đất của địa phương.

Niên vụ sắn 2018-2019, giống KM419 chiếm 85% diện tích sắn toàn tỉnh. Thời điểm hiện tại, cây sắn trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung bị bệnh khảm lá tấn công, Sở KH-CN tiếp tục tham mưu phát triển giống sắn mới kháng bệnh khảm lá, cho năng suất cao, phục vụ người trồng sắn.

Xác định doanh nghiệp là trung tâm của ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tham gia sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, Sở KH-CN đã tham mưu triển khai đề tài “Nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất phân bón NPK một hạt chất lượng cao bằng kỹ thuật tạo hạt dạng tháp cao” với công suất 60.000 tấn/năm do Công ty TNHH Hoàng Long Vina thực hiện; tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình ương tôm giống thẻ chân trắng Green House do Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc thực hiện. Từ việc áp dụng những mô hình sản xuất tiên tiến, mang lại hiệu quả kinh tế cao, Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc và Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hoàng Long Vina trở thành những đơn vị đi đầu trong hoạt động ứng dụng KH-CN vào sản xuất. Đây cũng là hai đơn vị đầu tiên của tỉnh được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH-CN.

Xây dựng thương hiệu cho nông sản

Trong thời kỳ kinh tế hội nhập, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản thành công sẽ là nền tảng, động lực để đưa sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh trở thành thương hiệu mạnh, giúp người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn và ưu tiên sử dụng, qua đó góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Phú Yên tập trung xây dựng chuỗi liên kết nông sản an toàn; xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu cho sản phẩm… nhằm quy chuẩn quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tạo tính bền vững cho hoạt động sản xuất. Cụ thể, Sở KH-CN đã hướng dẫn, phối hợp khai thác, phát triển các nhãn hiệu cho nhiều sản phẩm đặc thù của tỉnh như: cá ngừ đại dương, nước mắm Phú Yên, muối Tuyết Diêm, rượu Quán Đế, bánh tráng Hòa Đa, tôm hùm bông, sò huyết Ô Loan, khóm Đồng Din... Đến nay, các sản phẩm trên được bảo hộ và được cả nước biết đến; qua đó góp phần gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp và mở rộng khả năng tiêu thụ ở thị trường ngoài tỉnh. Ngoài ra, Phú Yên còn có 5 nhãn hiệu đang trong quá trình nộp đơn để được công nhận gồm: gạo chất lượng cao Hòa Tân Tây, gạo chất lượng cao Hòa Mỹ Tây, sen Hòa Đồng, gạo chất lượng Hòa Quang Nam, dầu phộng Xuân Phước.

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, thời gian qua, Sở KH-CN đã tham mưu nghiên cứu, triển khai, ứng dụng và chuyển giao thành công một số công nghệ tiên tiến phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; hình thành một số nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhằm phát triển làng nghề ở nông thôn, đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng có giá trị cao. Thời gian tới sẽ tập trung hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và xây dựng nông thôn mới.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/261373/hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-gan-voi-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon.html