Hoạt động đối ngoại của Việt Nam - một góc nhìn

Chính sách đối ngoại là một trong những chính sách lớn của Đảng và nhà nước ta. Đây là yếu tố, là điều kiện tiên quyết để đưa đất nước hòa nhập cùng với sự phát triển của thế giới. Chính sách đối ngoại là sự tiếp nối chính sách đối nội, là bộ phận quan trọng trong đường lối chính trị và chính sách của mọi quốc gia, dân tộc.

Trên cơ sở những điều này nên trong thời gian qua công tác đối ngoại luôn được ưu tiên. Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại mở rộng, đa phương hóa các quan hệ quốc tế. Trong nghị quyết Đại hội X Đảng ta cũng nêu lên: “Nhiệm vụ của công tác đối ngoại hiện nay là giữ vững môi trường hòa bình và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, CNH-HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Thực tế sau hơn 20 năm đổi mới nước ta đã và đang có những bước tiến vượt trội. Với một chế độ chính trị ổn định, những lợi thế về nguồn tài nguyên hiện có cùng với việc hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội mới. Cụ thể hiện nay Việt Nam đã đặt quan hệ ngoại giao với khoảng 168 nước trong tổng số hơn 200 nước trên thế giới. Chúng ta đã tham gia và phát huy được hiệu quả của khu vực mậu dịch tự do ASEAN, ký hiệp định thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ, gia nhập vào tổ chức thương mại thế giới WTO. Việt Nam cũng còn là thành viên tích cực của tổ chức APEC. Sau 12 năm gia nhập APEC Việt Nam đã thu được nhiều kết quả lớn đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường quan hệ với nhiều nước trong khu vực. Năm 2006 đánh dấu một mốc rất quan trọng: Việt Nam là chủ nhà chủ trì hội nghị APEC. .. Năm 2010 cũng là năm mà chúng ta diễn ra nhiều sự kiện lớn, quan trọng là tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, 120 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh và đây cũng là năm Việt Nam chính thức đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên của ASEAN (từ tháng 1 đến tháng 12/2010)… Nhờ thực hiện hoạt động đối ngoại có hiệu quả nên trong thời gian vừa qua chúng ta không những tận dụng được nguồn ngoại lực mà còn phát huy được nguồn nội lực, nâng uy tín của Việt Nam trên trường Quốc tế. Tuy nhiên chúng ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức: Còn chậm đổi mới trong quá trình tiến hành CNH-HĐH, cơ sở hạ tầng xuống cấp, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn lạc hậu chưa đáp ứng được ngày càng cao của nhiều hoạt động kinh tế vì thế chưa thu hút được nhiều các nhà đầu tư,. Chúng ra còn chậm đổi mới tư duy trên một số vấn đề quốc tế và đối ngoại. Nhiều chính sách và luật chưa nhất quán đồng bộ, chưa được thực thi từ trên xuống dưới, thủ tục hành chính các cấp còn rườm rà, trình độ lao động thấp, quản lý nhà nước còn nhiều yếu kém, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân nhỏ bé. Những thách thức này theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ yếu là do sự chênh lệch giữa năng lực nội sinh của đất nước với yêu cầu hội nhập. Vì thế - Theo Thủ tướng-nhiệm vụ của công tác đối ngoại trong thời gian tới là cần đẩy nhanh hơn nữa việc tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực và trên thế giới trên tất cả các lĩnh vực với phương châm: “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Mặt khác Đảng và Nhà nước cũng không ngừng nâng cao đội ngũ hoạt động trong ngành đối ngoại bởi đây là những con người đại diện cho văn minh, trí tuệ và vẻ đẹp của đất nước . Việc đưa các chính sách đầu tư và cơ chế thông thoáng mở cửa là điều kiện tiên quyết trong quá trình thu hút các nhà đầu tư. Hoạt động kinh tế đối ngoại cần có sự tham mưu của nhiều cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học. Ngoài ra cần phát huy cao hơn nữa tính chủ động, tích cực, sáng tạo của mọi thành phần kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế. Từng doanh nghiệp phải khẩn trương đổi mới từ tư duy đến phong cách quản lý, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, giảm chi phí để tăng cường sức cạnh tranh, phát triển thị trường mới, sản phẩm mới và thương hiệu mới. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác liên doanh với các doanh nghiệp nước ngoài và mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài. Kim Anh

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/nd5/detail/chinh-tri/hoat-dong-doi-ngoai-cua-viet-nam-mot-goc-nhin/39299.051.html