Hoạt động của các loại tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp

Mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo triển khai công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, song tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp. Nổi lên là tội phạm liên quan 'tín dụng đen'; lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, nhiều vụ án mua bán, vận chuyển với số lượng đặc biệt lớn, có tính chất xuyên quốc gia. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, đánh giá, nhận diện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của các loại tội phạm và quyết liệt triển khai theo tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa xã hội gắn với phòng ngừa nghiệp vụ.

Cán bộ BĐBP Nghệ An tổ chức mật phục, đánh bắt tội phạm. Ảnh: Lê Thạch

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP, năm 2023, cả nước xảy ra hơn 59.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội, tăng 0,07% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân số vụ phạm tội tăng chủ yếu do trạng thái xã hội bình thường trở lại hoàn toàn sau dịch Covid-19 với những khó khăn về kinh tế - xã hội tác động đến đời sống, việc làm, thu nhập của một bộ phận nhân dân. Nổi lên là nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, nhất là hoạt động lừa đảo trên không gian mạng gia tăng với nhiều thủ đoạn, thường xuyên thay đổi, gây thiệt hại trên diện rộng; hoạt động “tín dụng đen” qua mạng và đòi nợ có tính chất khủng bố cá nhân, cưỡng đoạt tài sản núp bóng doanh nghiệp, công ty tư vấn luật; bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc với tính chất manh động như vụ bắt cóc, đòi tiền chuộc rồi sát hại 1 cháu trai tại Hà Nội.

Hoạt động tội phạm có yếu tố nước ngoài cũng gia tăng, điển hình là hành vi mua bán, lừa đảo người Việt Nam ra nước ngoài và cưỡng bức lao động, cưỡng ép tham gia các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng; người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) vào Việt Nam trộm cắp tài sản, tổ chức đánh bạc. Năm 2023 cũng là năm ghi nhận sự gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao. Các đối tượng tội phạm thực hiện các hành vi lừa đảo qua mạng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, đấu tranh, phổ biến là hành vi mua bán thông tin, tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân để phục vụ các mục đích trái pháp luật; hoạt động tấn công mạng, phát tán mã độc, vi-rút máy tính, phần mềm gián điệp, lấy cắp thông tin, dữ liệu cá nhân, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội.

Cùng với đó, hoạt động “tín dụng đen”, vay tiền nhanh trên các nền tảng di động và qua mạng diễn ra phức tạp, một số vụ do đối tượng người nước ngoài cầm đầu điều hành các trang mạng, đường dây phạm tội. Tội phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng với số tiền lớn, biến tướng dưới nhiều hình thức mới như cá độ thể thao, cá cược thể thao điện tử, sử dụng các sàn giao dịch tiền ảo, cổng trung gian thanh toán trái phép để giao dịch tiền đánh bạc.

Tội phạm ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, có quy mô lớn. Theo Ban Chỉ đạo 138/CP, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ các nước châu Âu vào Việt Nam qua đường hàng không gia tăng. Còn tại địa bàn ngoại biên, ma túy được tập kết tại các khu vực biên giới thuộc các tỉnh của Lào giáp với tỉnh Sơn La và Điện Biên. Lực lượng chức năng đã đấu tranh chuyên án, phát hiện các đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc cấu kết với người Lào để vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia, thu giữ 1,3 tấn ketamin và chứng minh các đối tượng đã vận chuyển trót lọt 500kg ketamin từ Việt Nam đi Đài Loan qua tuyến đường biển. Đồng thời phối hợp lực lượng chức năng Lào đấu tranh, triệt phá nhiều xưởng sản xuất ma túy tại Thủ đô Viêng Chăn, thu giữ nửa triệu lít hóa chất, 81 tấn bột hóa chất dùng để sản xuất ma túy, trong đó có hơn 12 tấn ketamin thành phẩm; đến nay, đã bắt giữ 10 đối tượng (quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan, Lào và Việt Nam).

Các cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều đường dây vận chuyển ma túy từ Campuchia vào trong nước với khối lượng lớn. Điển hình là vụ đối tượng Vũ Hoàng Oanh (chị gái Dung “Hà”) cùng đồng phạm vận chuyển, mua bán, tiêu thụ số lượng gần 1,6 tấn ma túy từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ trong nước và vận chuyển ra nước ngoài. Cơ quan chức năng đã khởi tố tổng số 37 bị can. Điều đáng lưu ý là tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, dịch vụ lưu trú, nhà chung cư... diễn ra ở nhiều địa phương. Xuất hiện một số loại ma túy mới “núp bóng” thuốc lá điện tử, các loại thực phẩm, nước uống gây hại nhiều mặt đến thanh thiếu niên.

Với tinh thần đảm bảo cao nhất trật tự an toàn xã hội cho người dân yên tâm sinh sống, làm ăn, các lực lượng chức năng đã chủ động phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm. Ban Chỉ đạo 138/CP đã chỉ đạo lực lượng Công an các cấp phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Quản lý thị trường (Bộ Công thương) triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, đấu tranh với tội phạm, tập trung đấu tranh giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên.

Chính quyền xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Ảnh: Bích Nguyên

Theo đó, trong năm 2023, cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá 44.733 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 77,01% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao 2,01%); triệt xóa 126 băng nhóm tội phạm có tổ chức. Phát hiện, xử lý hơn 27.000 vụ, gần 43.000 đối tượng phạm tội về ma túy (nhiều hơn 5,79% số vụ; 8,92% số đối tượng so cùng kỳ năm 2022); khởi tố gần 25.000 vụ, gần 37.000 bị can; thu giữ hơn 520kg heroin, 541kg cần sa và hơn 2 triệu viên ma túy tổng hợp.

Các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng đã thụ lý, giải quyết hơn 9.100 vụ/18.902 đối tượng (tăng 35 vụ, giảm 852 đối tượng), trong đó có hơn 1.100 vụ tội phạm ma túy/1.701 đối tượng (tăng 64 vụ/178 đối tượng); thu giữ hơn 2.100kg ma túy các loại (tăng 807,807kg).

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm cho nhân dân ở khu vực biên giới, nhất là tuyên truyền về hậu quả, tác hại của tội phạm và tệ nạn ma túy đối với đời sống xã hội; vận động nhân dân tích cực tham gia tố giác, phát giác tội phạm, cùng lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, cam kết không trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy. Kết quả, trong năm 2023, các đơn vị quân đội đã tổ chức tuyên truyền trên 35.000 buổi cho hơn 1 triệu lượt người tham gia; phát 235.701 tờ rơi, tờ gấp; 2.780 cuốn sách pháp luật các loại; vận động nhiều hộ gia đình tham gia tố giác, phát giác tội phạm. Qua công tác tuyên truyền, quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm ở khu vực biên giới, vùng biển.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoat-dong-cua-cac-loai-toi-pham-tiep-tuc-dien-bien-phuc-tap-post473160.html