Hoàng Thái hậu Từ Dụ: Phẩm hạnh sáng ngời

Bà vừa là vợ, là mẹ và là cố vấn của các đời vua nhà Nguyễn trong suốt 78 năm. Bà rất mực yêu thương dân, hết lòng vì sự hưng thịnh của nước nhà. Tên tuổi của bà được sử sách ghi danh… Đó là Hoàng Thái hậu Từ Dụ, tên húy Phạm Thị Hằng, vợ Vua Thiệu Trị, mẹ Vua Tự Đức. Bà đã sống qua 10 đời vua trong số 13 đời vua triều Nguyễn, kể từ Vua Gia Long lúc bà chào đời cho đến lúc bà tạ thế là năm Vua Thành Thái thứ 13.

Năm Gia Long thứ 9 (1810), ông Phạm Đăng Hưng và bà Phạm Thị Vị sinh được người con gái, đặt tên Phạm Thị Hằng. Đây là một gia đình danh gia vọng tộc ở Gò Công, là công thần của triều Nguyễn. Tương truyền, sau khi bà ra đời thì vùng đất giồng Sơn Quy ngày càng nổi cao lên như mu rùa, giếng nước nơi ấy càng trong vắt và cây trái sum sê hơn trước.

TIẾNG LÀNH ĐỒN XA TỪ LÚC CÒN NHỎ

Thuở nhỏ, bà nổi tiếng hiếu hạnh, thông minh, làu thông kinh sử, hiền thục, nết na và xinh đẹp. Năm lên 12 tuổi, mẹ bà bị bệnh, bà hầu hạ thuốc men ngày đêm, không quản khó nhọc. Tiếng lành về bà ngày càng đồn xa.

Tại kinh đô, bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu là vợ Vua Gia Long, mẹ Vua Minh Mạng cũng nghe tiếng về bà. Một hôm, bà Cao hoàng hậu cho gọi Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng vào chầu và nói: “Ta nghe tiếng đồn tốt lành về con gái của khanh. Ta cho phép khanh dẫn vào cung cho ta xem mặt...”.

Nhờ ân sủng này, con gái của Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng đã được vào cung. Năm đó, bà mới 14 tuổi, nhưng phong thái nghiêm nghị, đi đứng chững chạc như một người đã trưởng thành, có nhiệm vụ hầu Nguyễn Phước Miên Tông, lớn hơn bà 3 tuổi - là con trai Vua Minh Mạng. Tính tình của bà khoan dung, nết na nên được Vua Minh Mạng rất yêu mến.

Năm 1824, con gái của Quận công Nguyễn Văn Nhân là Lệnh Phi cũng được gọi vào cung. Nhờ tước vị của cha nên Lệnh Phi ở vị thứ cao hơn bà. Nhan sắc cả hai đều có cơ may lọt vào sự lựa chọn của nhà vua để “nâng khăn sửa túi” cho hoàng trưởng tử Miên Tông.

Một ngày, bà Thuận Thiên Cao hoàng hậu ban cho mỗi người một chiếc cúc áo bằng vàng, một thứ chạm hình con phượng, một thứ chạm cành hoa, nhưng gói lại trong phong giấy kín và khẩn trời rằng: “Ai được chiếc cúc áo chạm hình phượng thì có con trước”. Bà nhường Lệnh Phi chọn trước. Khi mở gói ra thì Lệnh Phi được chiếc cúc chạm hoa, còn bà được chiếc cúc chạm phượng, trở thành người vợ đầu tiên của hoàng trưởng tử Miên Tông - tức Vua Thiệu Trị.

NGƯỜI VỢ VẸN TOÀN CÔNG, DUNG, NGÔN, HẠNH

TP. Hồ Chí Minh có Bệnh viện Phụ sản được đặt tên là Từ Dũ. Tên gọi lấy từ tên của vị Hoàng Thái hậu nổi tiếng của triều Nguyễn, tuy nhiên hậu thế nhiều người không biết rằng tên nguyên gốc của bà là Từ Dụ - tên hiệu được vua Tự Đức truyền di chiếu tấn tôn cho mẹ mình, mang ý nghĩa về lòng nhân từ, đức độ, bao dung. Và từ tên gọi ban đầu là “Từ Dụ”, không rõ vì nguyên do gì, người miền Nam đã viết và đọc chệch thành “Từ Dũ”. Theo năm tháng, người ta quen thuộc với cách đọc, viết này và sử dụng phổ biến như bây giờ.

Năm 1841, vua Minh Mạng băng hà, Hoàng tử trưởng Miên Tông lên nối ngôi, lấy niên hiệu Thiệu Trị và phong cho bà làm Cung tần. Tới năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), nhân có việc bang giao, Hoàng đế ngự giá Bắc tuần, bà được sung theo hầu. Khi ấy cung tần theo hầu rất ít, bà ngày đêm hầu hạ bên cạnh, phàm những ấn báu, vật làm tin đều giao cho giữ. Bà là người đoan trang, nghiêm túc, cử chỉ độ lượng, lại thường khuyên răn các cung nhân chăm công việc nên được sung chức Thượng nghi.

Tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), bà được phong Nhị giai Thành phi, đứng đầu các tước Phi thuộc hàng nhị giai. Tháng 1 năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), bà được phong làm Nhất giai Quý phi, đứng đầu các tước Phi thuộc hàng nhất giai. Tuy quyền cao chức lớn, song tính tình bà đoan chính, giản dị, nhân từ nên mọi người trong cung ai cũng quý mến và kính trọng. Hằng đêm, Vua Thiệu Trị thức khuya đọc sách, bà vẫn thức hầu và cùng vua trao đổi, bàn luận mọi việc. Bà thường khuyên bảo các cung tần tận tụy trong công việc, thưởng phạt công minh, ai phạm lỗi bà tìm cách dạy dỗ, bảo ban hơn là sử dụng hình phạt.

Đầu năm 1847, Vua Thiệu Trị ốm nặng, bà ngày đêm hầu thuốc thang. Khi Vua Thiệu Trị gần mất, muốn lập bà làm Hoàng hậu chính ngôi trong cung. Ngày 4-10-1847, vua Triệu Trị băng hà, con trai bà là Hồng Nhậm được chọn nối ngôi, lấy niên hiệu Tự Đức và phong bà tôn hiệu Từ Dụ Hoàng Thái hậu.

NGƯỜI MẸ NGHIÊM KHẮC, LẤY LÒNG NHÂN DẠY CON

Có lẽ trong lịch sử nước nhà, Từ Dụ là một Hoàng Thái hậu nổi tiếng nhất trong việc cưu mang và để lại nhiều bài học quý trong việc dạy dỗ con nên người. Nhờ sự giáo dục của bà, Vua Tự Đức trở thành một người con có hiếu, không bị tha hóa bởi cuộc sống xa hoa, sống sa đọa như một số ông vua thời trước, yêu thích văn chương, hay chữ, làm nhiều thơ phú… Có lẽ ít nhiều chính vì ngài biết vâng lời mẹ mà dẹp bỏ những thú vui tầm thường để trau dồi thêm kinh sử.

Khu Di tích Lăng mộ Hoàng Thái hậu Từ Dụ ở xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khu Di tích Lăng mộ Hoàng Thái hậu Từ Dụ ở xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Có lần vua Tự Đức mải vui ở cửa Thuận An nên bỏ buổi ngự triều. Bà giận lắm. Lúc về, ngài có đến xin lỗi mẹ, nhưng bà sai người đóng cửa cung Diên Thọ không cho vào, bắt đứng chờ cả tiếng đồng hồ, sau mới cho gọi vào và dạy: “Nước đang có nhiều việc rối, Hoàng đế đã không lo lắng mà còn vui chơi được sao!? Biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính. Thôi hãy mau về triều cùng các quan bàn quốc kế...”.

Vì có hiếu với mẹ nên vua Tự Đức thường tổ chức lễ mừng thọ và tôn cho bà các mỹ hiệu, nhưng bà đều từ chối. Năm 1860, đình thần dự định làm lễ tôn mỹ danh, nhưng bà bảo với nhà vua: “Ta được hưởng sự phụng dưỡng của thiên hạ, nên phải biết lo những việc thiên hạ đang lo. Năm nay không được mùa, dân đang lo, chưa thể vui sướng được. Vả lại, tính ta vốn cần kiệm, chẳng chuộng phù hoa. Ngày nay hưởng được sự phú quý, ta thường lo sợ, tu tỉnh tâm đức, thế mà con còn muốn ban cho ta cái hư danh để làm gì!…”.

Bà còn chuộng sự tiết kiệm, ghét thói lãng phí, xa xỉ, thường răn dạy các hoàng tử, công chúa tính cần, kiệm; nghiêm khắc với bản thân, con cái; nhưng rất mực thương dân. Năm 1898, do thiên tại nên dân ở nhiều nơi bị đói kém. Cảm thông với nỗi khổ của dân, bà đứng ra xin miễn, giảm thuế cho họ. Hiện nay, ở Huế còn lưu truyền bài vè dài đến 700 câu ca ngợi công đức đó của bà.

Ngoài ra, bà rất nghiêm khắc với thân nhân, phê phán gắt gao kẻ dựa thế cậy quyền dòng họ nhà bà để cầu vinh, cầu chức. Từ Gò Công, trong dòng họ Phạm của bà có người lặn lội ra kinh đô, dựa vào tình gia tộc ruột thịt cầu xin bà bảo vua Tự Đức chiếu cố cho làm thị vệ, nhưng bà kiên quyết từ chối do không có công lao với nước.

Năm 1883, Vua Tự Đức băng hà, để di chiếu tôn bà là Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu, nhưng vì việc nước rối ren, mãi đến năm 1885 Hoàng đế Hàm Nghi kế vị, mới làm lễ tấn tôn cho bà theo di chiếu. Năm 1887, Đồng Khánh năm thứ 2, nhà vua tấn tôn mỹ hiệu cho bà là Từ Dụ Bác huệ Thái hoàng Thái hậu. Năm 1889, Thành Thái nguyên niên, nhân dịp mừng thọ bà 80 tuổi, bà được dâng tôn hiệu là Từ Dụ Bác huệ Khang thọ Thái hoàng Thái hậu.

Bà mất ngày mùng 5 tháng 4 năm Nhâm Dần, thọ 92 tuổi, an táng ở Xương Thọ lăng, được thờ trong Thế Miếu. Hiện tại, lăng của bà tọa lạc ở bờ bắc sông Hương, gần với lăng của Vua Tự Đức, cách TP. Huế khoảng 15 km.

HỒNG LÊ(tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202204/hoang-thai-hau-tu-du-pham-hanh-sang-ngoi-947875/