Hoang sơ Hòn Hèo

Bán đảo Hòn Hèo - Nha Trang hay còn có tên khác là Phước Hà Sơn với khoảng chục ngọn núi nhấp nhô đuổi theo nhau giống hệt bầy rồng xanh phủ phục giữa đầm Nha Phu và vịnh Vân Phong. Huyện Ninh Hòa có 3 đỉnh nối tiếp nhau, cao khoảng vài trăm mét, tựa như bức bình phong chắn sóng, che gió cho người dân làng biển và tạo nên những bãi tắm tuyệt đẹp giống hình trăng khuyết.

Nằm ở phía Nam đầm Nha Phu thuộc địa phận thị xã Ninh Hòa, bán đảo Hòn Hèo cách TP. Nha Trang 15km theo đường chim bay. Ngư dân ở đây kể lại rằng, trên đỉnh Phước Hà có rất nhiều giống mây, một trong những loại dây leo có gióng to và dài, nhiều hoa văn, dễ uốn cong nhưng cực kỳ bền chắc. Vì vậy, ngày càng nhiều thợ mộc đã vượt biển ra đây khai thác về làm đồ thủ công mỹ nghệ như: bàn, ghế, giỏ, làn… và đặc biệt là làm gậy chống, dân gian còn gọi là cây hèo hay gậy hèo. Từ đó, dân trong vùng gọi núi Phước Hà là Hòn Hèo cho đến tận ngày nay.

Bãi biển trải dài với nước xanh trong và bờ cát trắng - Ảnh internet

Địa danh này bao gồm một quần đảo có hơn 10 ngọn núi lớn, nhỏ khác nhau, Hòn Hèo là cao nhất (813m) nằm ở chính giữa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòn Hèo đã ghi dấu ấn đặc biệt với tấm gương quả cảm của 20 cán bộ, chiến sĩ tàu C235 do Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trong trận chiến cảm tử ở bến Hòn Hèo. 14 người trong số đó đã nằm lại vĩnh viễn trên mảnh đất Hòn Hèo. Họ đã hy sinh anh dũng để đất nước được hòa bình, để biển Hòn Hèo ngày càng trong xanh, để mảnh đất này trở thành điểm đến thiêng liêng và hấp dẫn đối với khách thập phương.

Ngày nay, đến với Hòn Hèo, du khách sẽ ngạc nhiên bởi những dãy nhà lều được làm bằng lá - gỗ, ngay gần những hàng cây xanh mát và mọc sát bờ biển cát trắng trải dài. Mặt biển nơi đây lúc nào cũng phẳng lặng do được bao xung quanh bởi các Hòn Thi, Hòn Lao, Hòn Sầm, Hòn Rớ, Hòn Lăng… Nơi đây vào sáng sớm, thường bắt gặp hình ảnh nhiều đàn gà rừng táo tác kiếm ăn gần sát các điểm có người dân cư trú, còn lũ khỉ, voọc đầu trắng, heo rừng, nai… thì thường xuyên xuống tận rẫy và mép biển để phá phách và ăn thức ăn thừa. Hải sản ở đây cũng hết sức phong phú, tha hồ lựa chọn như: cá, tôm, mực, sò điệp, ốc hương, ghẹ… Đặc biệt, chỉ cần ở trong lều nghỉ ngơi, vẫn có thể được ăn nhiều loại đặc sản như thịt đà điểu, cá sấu… bởi dịch vụ cung cấp đồ ăn tại chỗ.

Bên cạnh ẩm thực, du khách còn được trải nghiệm lặn ngắm san hô, chèo thuyền cay-ắc, ca-nô kéo, dù lượn… Đi sâu vào trong đảo, du khách có thể leo lên đỉnh núi, ngang qua một khu rừng ngập mặn để đến một con suối nước ngọt có tên là suối Hoa Lan với nhiều loại lan rừng quý hiếm. Một tảng đá nằm dưới chân suối khắc chữ Chàm, ghi sự kiện ngày xưa vua Chàm thường đến đây hành hương.

Theo bước chân người xưa, du khách sẽ gặp những ghềnh đá cheo leo hùng vĩ, nhiều ngọn thác với dáng vẻ khác nhau, có thác cao tới 350m. Suối Hoa Lan được hình thành từ nhiều suối nhỏ, nước trong vắt chảy rầm rì hòa với tiếng chim kêu, phảng phất mùi hương rừng dịu nhẹ, mang một vẻ đẹp hoang sơ nguyên thủy. Suối chảy qua nhiều ghềnh thác cheo leo, trước khi đổ ra vịnh Nha Phu để hòa vào biển cả.

Thanh Trà (t/h)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/128186/hoang-so-hon-heo