Hoàng Mai ưu tiên chỉnh trang hạ tầng đô thị trong năm 2023

Quận Hoàng Mai đang tiến hành rất nhiều dự án nhằm cải thiện bộ mặt đô thị và hạ tầng giao thông năm 2023 nhằm thiết thực hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày thành lập. Cả hệ thống chính trị địa phương đang chạy đua với thời gian để bảo đảm tiến độ của các dự án.

Năm 2023, kế hoạch sử dụng đất 246ha

Năm 2022, với khá nhiều lý do trong đó có nguyên nhân dịch Covid-19 quận Hoàng Mai chỉ thực hiện được 138 dự án (đạt tỷ lệ 27,5%) với tổng diện tích 100ha (tỷ lệ 38%). Trong đó, đất giáo dục được TP giao 25 công trình với diện tích trên 25ha đã phải chuyển sang kế hoạch năm 2023 như Trường Mầm non Hoàng Liệt (2 cơ sở), Trường Mầm non Thanh Mai, Trường Mầm non Vĩnh Hưng, Trường THCS Mai Động…

Quận Hoàng Mai ngày càng phát triển. Ảnh: Hữu Thắng

Đối với đất giao thông, kế hoạch sử dụng đất giao thông là 35 công trình với diện tích trên 91ha, thực tế có nhiều dự án đang thực hiện và tiếp tục chuyển sang năm 2023 như Dự án xây dựng đường Tam Trinh, Dự án mở rộng tuyến đường cạnh chùa Tứ Kỳ, Dự án cải tạo và nâng cấp tuyến đường Lĩnh Nam… Đối với đất ở đô thị năm 2022 còn 33 dự án đang thực hiện và tiếp tục chuyển sang năm 2023 như Khu tái định cư tại phường Yên Sở, Khu Đô thị mới hồ Linh Đàm…

Điều này phần nào lý giải việc quận đông dân nhất Hà Nội hiện nay (trên 700.000 người) đang thiếu các cơ sở y tế, giáo dục công lập, hệ thống đường sá nội quận đang xuống cấp trầm trọng. Sau 20 năm thành lập nhưng theo quy chuẩn giao thông cấp quận, Hoàng Mai mới đạt tỷ lệ 20%, một con số khó tin.

Năm 2023, quận Hoàng Mai kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập (11/2003 -11/2023) với khá nhiều dự án chỉnh trang đô thị, hạ tầng giao thông. Theo đó, HĐND TP Hà Nội đã thông qua trong 2 năm 2021 và 2022 có 79 dự án, công trình với diện tích trên 182ha. Các dự án năm 2022 chuyển sang năm 2023 là 49 dự án, diện tích 64ha. Ngoài ra, có 39 dự án với diện tích 211ha dự án đất thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng trồng lúa, rừng phòng hộ chờ trình HĐND TP Hà Nội thông qua kế hoạch sử dụng trong năm 2023. Đồng thời còn có 9 dự án với diện tích hơn 14ha đăng ký thực hiện mới năm 2022, chờ triển khai.

Như vậy, năm 2023 quận Hoàng Mai sẽ triển khai 176 dự án với tổng diện tích trên 470ha, một khối lượng lớn, nhiều hơn 138 dự án, diện tích 264ha của kế hoạch sử dụng đất của quận năm 2022. Điều này cho thấy bộ máy chuyên môn của Hoàng Mai phải có những giải pháp mang tính tổng thể, phân công chi tiết người phụ trách mới có thể hoàn thành kế hoạch.

Cùng thành lập theo Nghị định số 132/2003/NĐ-CP ngày 6/11/2003 của Chính phủ nhưng quận Long Biên đã có những bước tiến khá xa trong việc đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến năm 2022, quận Long Biên đã cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung; khớp nối hạ tầng khu vực với các quận, huyện bạn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; 100% đường giao thông trên địa bàn được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường đô thị

Đổi mới cách nghĩ, cách làm

Để hoàn thành khối lượng công việc trên, quận Hoàng Mai phải có sự thống nhất đồng bộ từ quận đến 14 phường, trong đó công tác GPMB được coi là khâu then chốt, quyết định đến tiến độ của các dự án. Kinh nghiệm cho thấy, địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân thông tin về dự án, chính sách đền bù của Nhà nước, làm tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, gắn chặt quyền lợi với nghĩa vụ của người sử dụng đất, nơi đấy sẽ thành công. Ngược lại, nếu không công khai, minh bạch các thông tin dự án, để tình trạng người dân khiếu kiện, xảy ra tranh chấp, dự án sẽ kéo dài, thậm chí chậm tiến độ vài năm như một số công trình đã và đang triển khai tại quận Hoàng Mai.

Ngay trong tháng 2, Quận ủy Hoàng Mai đã thành lập 2 đoàn công tác do
Bí thư Quận ủy và Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai dẫn đầu xuống làm việc với các phường. Tại các buổi làm việc, Bí thư Quận ủy Nguyễn Quang Hiếu và Chủ tịch UBND quận Nguyễn Minh Tâm đã thẳng thắn chỉ rõ các mặt được, chưa được của từng phường trong công tác quản lý đô thị, triển khai các dự án, nhất là công tác GPMB, nêu đích danh cá nhân, đơn vị chậm trễ tiến độ.

Tại các buổi họp, giao ban với các tổ chức đoàn thể chính trị, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàng Mai đều nhấn mạnh tới việc đoàn kết, thống nhất cao công tác chỉnh trang bộ mặt đô thị trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập quận. Điều này cho thấy lãnh đạo quận Hoàng Mai đã nhận ra điểm nghẽn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đang có quyết tâm đổi mới cách nghĩ, cách làm để đuổi kịp các địa phương bạn.

Ngay từ cuối năm 2022, Phó Chủ tịch UBND quận Đỗ Thanh Tùng đã sớm có văn bản chỉ đạo: “Phòng TN&MT, các cán bộ địa chính các phường trong trong quận có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn thực hiện kế hoạch sử dụng đất, cung cấp thông tin có liên quan cho chủ sử dụng đất để thực hiện”. Rất nhiều phường như Vĩnh Hưng, Định Công, Lĩnh Nam đã sớm vào cuộc… ngay từ những ngày đầu năm.

Lãnh đạo quận Hoàng Mai cũng quan tâm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quy hoạch để ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm đất đai cũng như việc điều chỉnh những bất cập cho phù hợp thực tế. Hai mươi năm, Hoàng Mai đã có nhiều bài học đắt giá trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị. Người dân Hoàng Mai đang trông chờ vào sự đổi thay của bộ mặt đô thị, qua đó không chỉ giúp nâng cao đời sống thường ngày của người dân mà còn khai thác tốt những tiềm năng của khu vực phía Nam Hà Nội.

Năm 2023 quận Hoàng Mai sẽ triển khai 176 dự án, với tổng diện tích trên 470ha, một khối lượng khổng lồ, nhiều hơn 138 dự án, diện tích 264ha của kế hoạch sử dụng đất của quận năm 2022. Điều này cho thấy bộ máy chuyên môn của Hoàng Mai phải có những giải pháp mang tính tổng thể, phân công chi tiết người phụ trách mới có thể hoàn thành kế hoạch.

An Thanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoang-mai-uu-tien-chinh-trang-ha-tang-do-thi-trong-nam-2023.html