Hoàng hậu da đen, một trong 10 hoàng hậu xấu xí nhất lịch sử Trung Quốc

Trong các triều đại phong kiến Trung Quốc, số lượng hoàng hậu, phi tần không thể kể hết. Thế nhưng, duy nhất trong đó có một hoàng hậu mang huyết thống châu Phi. Bà là Lý Lăng Dung, vợ của Tư Mã Dục.

Ảnh minh họa thái hậu da đen (trái)

Thái hậu duy nhất có nước da đen trong lịch sử Trung Hoa cổ đại là Lý Lăng Dung, vợ của Đông Tấn Giản Văn Đế Tư Mã Dục (320-372), vị vua thứ 8 của triều Đông Tấn (317-420).

Bước đổi đời

Từ nhỏ, Lý Lăng Dung bị bán vào vương phủ nhà Tư Mã Dục, chuyên dệt vải, lai lịch không rõ ràng. Tướng mạo của bà không giống với người Trung Nguyên bấy giờ: vóc dáng to cao, da đen, tóc quăn. Trang Qulishi cho rằng bà Lý đến từ nước Lâm Ấp, một tộc người từng sống ở Ấn Độ, Trung Đông và miền nam châu Phi.

Tuy nhiên, các tài liệu lịch sử khác cho rằng Lâm Ấp một nước cổ nằm ở vùng Chăm pa. Tộc người này sinh sống ở Đông Nam Á, rải rác từ Indonesia cho tới cả miền Trung Việt Nam. Lâm Ấp chịu ảnh hưởng lớn văn hóa và tôn giáo Trung Quốc nhưng sau các cuộc chiến với quốc gia láng giềng Phù Nam, cũng như sự thôn tính lãnh thổ của quốc gia này vào thế kỷ 4, đã hòa trộn văn hóa Ấn Độ.

Theo Qulishi, khi Tư Mã Dục còn là Cối Kê Vương, Lý Lăng Dung (?-400) chỉ là một cung nữ dệt vải. Lúc này, Tư Mã Dục đã có 3 người con trai nhưng đều yểu mệnh chết sớm. Các phi tần trong cung cũng không sinh được con trai. Mã Dục lo không có người nối dõi, bèn triệu thêm nữ giới vào cung nhưng vẫn vô vọng.

Thực ra, Tư Mã Dục trong lòng sớm nghi kỵ khả năng “đàn ông” của mình bởi có nhiều vợ nhưng không có con. Đến khi con gái đầu lòng là Tân An công chúa ra đời, ông mới có lại sự tự tin. Tư Mã Dục vô cùng cưng chiều con gái, tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn xóa đi nỗi lo lắng về chuyện con trai nối dõi. Một năm sau, dù đã cố gắng tìm mọi cách nhưng Tư Mã Dục vẫn không có con trai.

Lúc này, Tư Mã Dục được giới thiệu một thầy tướng số, tương truyền người này đạo hạnh cao thâm, chỉ xem tướng có thể biết ai sinh được con trai hay con gái. Tư Mã Dục liền giao trọng trách cho người này.

Sau khi xem qua một loạt cung nữ trong cung, thầy tướng số không thấy ai có thể sinh con trai. Tư Mã Dục bèn cho thầy mở rộng phạm vi tìm kiếm ngoài vương phủ, cuối cùng tìm được Lý Lăng Dung. Sau khi thầy tướng số nhìn trúng Lý Lăng Dung, nô bộc trong vương phủ nói với thầy rằng bà là người Côn Sơn. Theo “Tấn thư”, một trong Nhị thập tứ sử của Trung Quốc, ghi chép, “Lý Lăng Dung cao lớn, da đen, các cung nữ thường gọi bà là nô tì Côn Lôn”.

Rồng quỳ lạy

Tướng mạo của Lý Lăng Dung bấy giờ bị cho là khó coi. Việc thầy tướng số tìm cho mình một nô tì Côn Lôn để sinh con trai khiến Tư Mã Dục tỏ ý không hài lòng. Tuy nhiên, vì muốn có người nối dõi, ông đành nghe theo.

Tương truyền khi thầy tướng số mới gặp Lý Lăng Dung đã thốt lên: “Đây mới chính là người phụ nữ có thể làm mẹ của bậc đế vương”. Câu nói khiến mọi người xung quanh cực kỳ kinh ngạc. Không ai nghĩ rằng một phụ nữ với vẻ ngoài rất xấu theo tiêu chuẩn thời bấy giờ lại có thể sinh con trai trong khi vô số người đàn bà xinh đẹp bên Tư Mã Dục không làm được.

Áp lực phải có con trai nối dõi khiến ông đành nạp Lý Lăng Dung làm thiếp. Sự kiện này được nhận xét là gây chấn động nhà Đông Tấn. Bởi theo lễ số phong kiến, phụ nữ được vua sủng ái phải có đủ công dung ngôn hạnh, nói nôm na là vừa xinh đẹp vừa biết chăm lo gia đình.

Về tướng mạo, Lý Lăng Dung bị coi là một trong 10 hoàng hậu xấu xí nhất lịch sử Trung Quốc. Trong khi đó, sử sách mô tả Tư Mã Dục là vị hoàng đế có vẻ ngoài rất hùng dũng, là hình mẫu của phụ nữ thời bấy giờ.

Chẳng bao lâu, Lý Lăng Dung mang thai. Bà mơ thấy hai con rồng quỳ lạy mình, cho là điềm lành. Tư Mã Dục nghe thấy liền thấy lạ, lòng khấp khởi mong chờ. Vài năm sau, Lý Lăng Dung lần lượt sinh hạ hai hoàng tử và một công chúa. Từ đó, thân phận của bà trong cung mới được coi trọng. Con trai đầu của bà là Tư Mã Diệu được sinh ra vào lúc bình minh nên được đặt tên là Diệu, với tên chữ là Xương Minh, cả hai đều có nghĩa là "bình minh". Một năm sau, Lý Lăng Dung lại hạ sinh Tư Mã Đạo Tử.

Năm 371, Tư Mã Dục lên ngôi vua khi bước sang tuổi 51, hiệu là Giản Văn Đế, sắc phong Lý Lăng Dung làm thục phi. Tư Mã Dục không lập ai làm hoàng hậu nên Lý Lăng Dung làm chủ hậu cung. Hai năm sau, Tư Mã Dục qua đời.

Tư Mã Diệu (362-396) mới 10 tuổi lên ngôi hoàng đế, Lý Lăng Dung nhờ con trai nên được phong làm hoàng thái phi, trang phục không khác gì hoàng thái hậu.

Hai mươi năm sau, con trai thứ của Lý Lăng Dung là thượng thư Tư Mã Đạo khuyên anh trai sắc phong mẹ làm hoàng thái hậu. Tư Mã Diệu nghe lời em trai, lập tức tôn mẹ làm hoàng thái hậu. Sau khi Mã Diệu qua đời, con trai ông là Tư Mã Đức Tông (382-419) kế vị, suy tôn bà ngoại Lý Lăng Dung làm thái hoàng thái hậu.

Năm 400, Lý Lăng Dung qua đời, hiệu là Văn Thái Hậu, chôn cất tại lăng Tu Bình.

Sinh thời, Lý Lăng Dung từng được ca ngợi khi hòa giải xung đột giữa hai con trai. Năm 395, xung đột giữa Diệu và Đạo Tử đã bùng nổ, song nhờ sự can thiệp của “nô tì Côn Lôn”, Diệu đã không loại bỏ em trai mình.

Sau này khi Tư Mã Diệu băng hà, người em Tư Mã Đạo Tử không lên ngôi mà chấp nhận phò tá cháu ruột là Tư Mã Đức Tông. Điều này cũng có công của Lý Lăng Dung. Tuy vai trò cụ thể của bà trong thời Đông Tấn còn nhiều tranh cãi, song giới sử học cho rằng nếu không có sự khéo léo của Lý, chuyện của họ nhà Tư Mã đã không hẳn êm đẹp mà sẽ lâm cảnh nồi da xáo thịt.

Trước khi được phong hậu, Lý Lăng Dung từng trải qua các địa vị thấp hơn như thục phi, quý nhân, phu nhân, hoàng thái phi.

Cuộc đời hoàng hậu da đen duy nhất trong lịch sử Trung Quốc được coi là vô cùng kỳ lạ, từ việc có màu da không giống bất cứ phi tần nào cho tới việc được phong hậu. Một nô tì bỗng chốc trở thành người phụ nữ quyền lực nhất chốn cung cấm.

Nhờ sinh được con trai, Lý Lăng Dung khiến hoàng đế nhà Đông Tấn không thể rời bỏ. Hơn nữa, con trai rồi cháu bà đều lần lượt lên ngôi hoàng đế, kế vị Tư Mã Dục. Do đó, nửa cuối cuộc đời Lý Lăng Dung mỗi lúc một tốt đẹp hơn.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/hoang-hau-da-den-mot-trong-10-hoang-hau-xau-xi-nhat-lich-su-trung-quoc-post168802.html