Hoàng Anh Gia Lai (HAG): Thắng lớn mảng trái cây nhưng chăn nuôi 'teo tóp'

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG) vừa ghi nhận quý có lãi thứ 12 liên tiếp; đáng chú ý, mảng trái cây của tập đoàn này có biên lợi nhuận gộp lên đến gần 55%.

Hoàng Anh Gia Lai hiện đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng và chuối với thị trường trọng điểm là Trung Quốc.

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024 với doanh thu thuần đạt 1.241 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, mảng trái cây đã đem về cho tập đoàn này 885 tỷ đồng doanh thu, tăng 25% so với cùng kỳ; đồng thời, có biên lợi nhuận gộp lên đến gần 55%. Ngược lại, doanh thu từ mảng chăn nuôi heo lại “lao dốc” 48%, chỉ còn 292 tỷ đồng, đem về chưa tới 6 tỷ đồng lợi nhuận gộp.

Doanh thu từ bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ của Hoàng Anh Gia Lai trong quý 1/2024 cũng giảm 85% xuống còn 65 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính của tập đoàn này cũng giảm gần 50%, còn 73 tỷ đồng, chủ yếu do giảm khoản lãi thu về từ hoạt động cho vay.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận 226 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 25% so với quý 1/2023; qua đó, xác lập quý có lãi thứ 12 liên tiếp. Tuy nhiên, tính đến cuối quý 1/2024, khoản lỗ lũy kế của Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn khoảng 1.452 tỷ đồng.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hồi tháng 12/2023, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai từng cam kết với nhà đầu tư rằng Hoàng Anh Gia Lai sẽ hết lỗ lũy kế trong năm nay và hết nợ vào năm 2025.

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai khẳng định mô hình kinh doanh heo - chuối - sầu riêng đang tạo ra nguồn tiền lớn cho tập đoàn, cùng với nguồn thu từ phát hành cổ phiếu cũng giúp tập đoàn thanh toán một số khoản vay. Bên cạnh đó, dòng tiền giải ngân từ Ngân hàng LPBank cũng sẽ trở thành động lực tái đầu tư cho tập đoàn.

Vào ngày 25/4 vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai đã thực hiện mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu HAG2012.300 có tổng giá trị 300 tỷ đồng. Lô trái phiếu này được phát hành từ tháng 6/2012 với kỳ hạn 13 năm, tương ứng thời gian đáo hạn là tháng 6/2025.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai trong năm 2023. (Nguồn: TradingView)

Động thái mua lại trái phiếu của Hoàng Anh Gia Lai diễn ra ngay sau khi tập đoàn này huy động thành công 1.300 tỷ đồng từ việc chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu cho 3 nhà đầu tư lớn mới là: ông Lê Minh Tâm; Công ty Cổ phần Chứng khoán LPBank; và Công ty Cổ phần - Tập đoàn Thaigroup

Trước đó, vào đầu tháng 3/2024, Ngân hàng LPBank và Hoàng Anh Gia Lai đã ký kết hợp đồng tài trợ 5.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được Ngân hàng LPBank giải ngân theo các giai đoạn khác nhau để Hoàng Anh Gia Lai mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

Tính đến cuối tháng 3/2024, quy mô tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đạt 21.170 tỷ đồng. Trong đó, khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất là các khoản phải thu (8.669 tỷ đồng), tài sản cố định (5.903 tỷ đồng) và chi phí xây dựng cơ bản dở dang (4.992 tỷ đồng). Riêng phải thu về cho vay của HAGL Agrico và đơn vị liên quan nhóm này là 1.117 tỷ đồng.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của HAGL chủ yếu nằm ở chi phí phát triển vườn cây ăn trái và dự án chăn nuôi.

Tổng dư nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai vào cuối quý 1/2024 là 7.816 tỷ đồng. Tập đoàn này còn dư nợ trái phiếu dài hạn khoảng 3.199 tỷ đồng và có khoản trái phiếu đến hạn trả 1.329 tỷ đồng; còn lại chủ yếu là vay từ ngân hàng.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/hoang-anh-gia-lai--hag-thang-lon-mang-trai-cay-nhung-chan-nuoi--teo-top-120516.htm