Hoãn xử phúc thẩm vụ Ngân hàng Đông Á cho vay trái phép 184 tỉ đồng

Ngày 12/6, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đưa các bị cáo có kháng cáo trong vụ cựu Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB) Trần Phương Bình cùng đồng phạm cho vay trái phép, gây thiệt hại hơn 184 tỉ đồng ra xét xử phúc thẩm nhưng phiên tòa đã phải trì hoãn.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm (hồi giữa năm 2022), cựu Tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình, cựu Phó tổng giám đốc DAB Nguyễn Thị Kim Xuyến cùng 8 bị cáo liên quan đã lần lượt bị tuyên phạt các mức án tương xứng, đều về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", theo khoản 4, Điều 206 - Bộ luật Hình sự.

Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo Trần Đạo Vũ (cựu Phó Tổng giám đốc DAB), Nguyễn Thị Kim Đường (cựu Giám đốc DAB chi nhánh Hà Nội), Lương Ngọc Quý (cựu Phó Tổng giám đốc DAB) và Phan Thúy Mai (cựu Giám đốc Công ty CP An Phát) có đơn kháng cáo. Tại cấp sơ thẩm, cả 4 bị cáo đều bị tuyên phạt cùng mức án 5 năm tù.

Các bị cáo trong vụ án tại phiên tòa phúc thẩm.

Các bị cáo trong vụ án tại phiên tòa phúc thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Đạo Vũ, Lương Ngọc Quý kháng cáo kêu oan, cho rằng bản thân không vi phạm quy định cho vay. Hai bị cáo này đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung liên quan. Còn bị cáo Nguyễn Thị Kim Đường và Phan Thúy Mai kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Về phân dân sự, Tòa sơ thẩm tuyên buộc Công ty CP An Phát phải trả cho DAB 108 tỉ đồng, buộc bị cáo Mai phải bồi thường cho DAB 75 tỉ đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn dân sự là Ngân hàng TMCP Đông Á kháng cáo đề nghị cơ quan tố tụng xác định Công ty CP An Phát, Công ty Tràng An là bị đơn dân sự. Công ty An Phát phải có nghĩa vụ bồi thường hơn 166 tỉ đồng nợ gốc, chưa kể tiền lãi phát sinh. Công ty Tràng An phải bồi thường 18 tỉ đồng nợ gốc, chưa tính lãi.

Trường hợp Công ty CP An Phát, Công ty Tràng An không thanh toán được nợ thì DAB có quyền phát mãi tài sản thế chấp là 123 "sổ đỏ" - quyền sử đụng đất thuộc Dự án Đồi 79 Mùa Xuân tại tỉnh Vĩnh Phúc và nay là huyện Mê Linh, Hà Nội.

Trong phần thủ tục phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho DAB đề nghị triệu tập Công ty Tràng An và Văn phòng công chứng số 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Văn phòng công chứng Nguyễn Tú.

Trong đó, Công ty Tràng An được HĐXX phúc thẩm triệu tập với tư cách người liên quan nhưng vắng mặt. Hai văn phòng công chứng không trong trong danh sách triệu tập của Tòa án.

Trước ý kiến của luật sư, xét thấy Công ty Tràng An vắng mặt sẽ ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án nên đại diện Viện kiểm sát đề nghị hoãn phiên tòa để tiếp tục triệu tập doanh nghiệp này nhằm đảm bảo hoạt động tố tụng. Sau khi hội ý, TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định hoãn xét xử phúc thẩm vụ án.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hoan-xu-phuc-tham-vu-ngan-hang-dong-a-cho-vay-trai-phep-184-ti-dong-post542585.antd