Hoàn trả đường: Doanh nghiệp sẵn sàng, chờ dân đồng thuận

Tuyến đường bê tông bằng phẳng trước kia thuộc khu vực đồi Voi Phun, xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), giờ gập ghềnh khó đi, lổn nhổn sỏi đá, nhiều 'ổ trâu, ổ gà', bụi bặm vào ngày nắng và nhầy nhụa vào ngày mưa.

Vũng nước trên tuyến đường bê tông thuộc khu vực đồi Voi Phun, xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên).

Chỉ vào các vũng nước sâu trên mặt đường, những đoạn đường lổn nhổn đá dăm, ông Đặng Văn Đào, một người dân sinh sống ở khu vực này, than thở: Đoạn đường bê tông dài chừng 600m, rộng từ 3-5m này vốn bằng phẳng và sạch sẽ, có lề để tránh xe, có rãnh dọc thoát nước ở hai bên nên bà con chúng tôi đi lại thuận tiện. Nhưng năm 2020, trong quá trình Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên thực hiện Dự án Nhà máy nước Nam Núi Cốc, đoạn đường gần như bị phá nát.

Đứng cạnh đó, anh Lương Văn Đoan, phản ánh: Trong suốt hơn 1 năm thi công Nhà máy, xe ô tô tải trọng lớn chở vật liệu đêm ngày chạy qua khiến đường bị hư hỏng. Giờ mặt đường toàn hố lớn, mưa xuống tạo thành vũng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Đã có không ít người đi xe đạp, xe máy bị ngã khi qua đây. Tuy các hộ dân trong khu vực đã nhiều lần đóng góp tiền (tổng số 25 triệu đồng - P.V) để sửa đường, đổ đá lấp “ổ trâu, ổ gà” nhưng việc đi lại vẫn rất khó khăn. Lượng khách đến hồ câu của gia đình tôi cũng vì thế mà giảm từ 30-40%.

Đứng nhìn đám chè đang lên búp, anh Long Văn Đoài bảo: Sắp vào vụ chè xuân, vụ chính trong năm nhưng tôi rất lo lắng vì đường hư hỏng, nếu tư thương có vào tận nhà thu mua thì cũng sẽ bị ép giá. Bởi, những vụ trước, giá chè của gia đình tôi đã giảm trung bình từ 50-100 nghìn đồng/kg tùy loại vì họ bảo đường khó đi. Trước đây, tôi bán với giá từ 250-300 nghìn đồng/kg. Nhà tôi có hơn 1ha chè, với sản lượng khoảng 1 tấn chè búp khô/năm, nên nếu tính thiệt hại thì khá lớn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đường người dân phản ánh được xây dựng trong giai đoạn 2006-2007. Đây là tuyến đường dân sinh, do Cơ sở Tư vấn và Điều trị cai nghiện ma túy (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) làm chủ đầu tư. Thời điểm đó, các hộ dân trong khu vực đã tự nguyện hiến hơn 2.000m2 đất để làm đường.

Tuyến đường hoàn thành đã giúp cuộc sống của bà con có nhiều thay đổi. Như nhà bà Nguyễn Thị Huệ đã mạnh dạn mở cơ sở kinh doanh du lịch; nhà anh Lương Văn Đoan đắp hồ mở dịch vụ câu cá… Nhiều hộ dân khác cũng mong muốn tận dụng lợi thế nằm sát hồ Núi Cốc để kinh doanh du lịch.

Tuyến đường bê tông thuộc khu vực đồi Voi Phun, xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên), bị "cày nát" bởi xe chở vật liệu xây dựng phục vụ Dự án Nhà máy nước Nam Núi Cốc.

Tuy nhiên, đến năm 2020, khi Dự án Nhà máy nước Nam Núi Cốc được triển khai, nhận thấy tuyến đường bị hư hỏng do xe chở vật liệu xây dựng đi qua, các hộ dân đã nhiều lần phản ánh với phía Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên và nhận được câu trả lời: Sau khi hoàn thành Dự án, doanh nghiệp sẽ hoàn trả đường theo phương án bằng hoặc mở rộng hơn trước. Nhưng từ khi Nhà máy hoàn thành vào năm 2022 đến nay, Công ty vẫn chưa triển khai xây dựng lại tuyến đường.

Trả lời về sự chậm trễ này, ông Trần Tiến Soạn, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên, cho biết: Doanh nghiệp đã lập và phê duyệt hồ sơ đầu tư xây dựng công trình đường vào Nhà máy nước Nam Núi Cốc, hay còn gọi là tuyến đường giao thông khu vực đồi Voi Phun, xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu. Tuyến đường mới sẽ có chiều dài hơn 550m, nền đường rộng 7m, mặt đường rộng 5,5m. Tuy nhiên, hiện nay còn 1 hộ ông Nguyễn Văn Biên chưa đồng ý hiến đất để mở rộng tuyến đường theo hồ sơ phê duyệt. Tháng 7-2023, Công ty đã phối hợp với địa phương tuyên truyền, vận động hộ dân bàn giao đất làm đường theo phương án chúng tôi sẽ hỗ trợ tài sản trên đất cho gia đình, mức hỗ trợ do Công ty và gia đình thỏa thuận. Song đến nay gia đình ông Biên chưa đưa ra mức cần hỗ trợ.

Cũng theo ông Soạn, trước việc chưa thể giải phóng mặt bằng và người dân nhiều lần phản ánh về tình trạng đường hư hỏng, có đơn gửi UBND xã Phúc Trìu vào tháng 8-2023, phía Công ty đã đưa ra phương án giải quyết là địa phương tiến hành kẻ ranh giới với phần đất đi qua nhà ông Biên để doanh nghiệp tiến hành xây dựng, sớm hoàn trả đường cho người dân. “Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa nhận được phương án của xã.” - ông Soạn thông tin.

Trên thực tế, dù đã có hướng giải quyết của doanh nghiệp và địa phương nhưng tất cả mới chỉ là phương án và tiến độ vẫn còn chậm. Những người chịu ảnh hưởng trực tiếp thuộc 8 hộ dân sinh sống dọc tuyến đường và hàng chục hộ khác có đất canh tác trong khu vực. Trong khi người dân vẫn ngày ngày “ngóng” đường được hoàn trả thì phía Công ty CP nước sạch Thái Nguyên và UBND xã Phúc Trìu cần đẩy nhanh tiến độ thống nhất phương án giải quyết, nhanh chóng triển khai thi công tuyến đường.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/ban-doc/202402/hoan-tra-duong-doanh-nghiep-san-sang-cho-dan-dong-thuan-11b0c4b/