Hoàn thiện và thực thi pháp luật về dân chủ, nhân quyền

QĐND - Trong những ngày qua, trên nhiều trang mạng, nhằm công kích vào vai trò lãnh đạo của Đảng, tuyên truyền cho quan điểm dân chủ, nhân quyền của các lực lượng, chính trị đối lập, có người cho rằng “chỉ có một thứ dân chủ, nhân quyền”, hàm ý đó là dân chủ, nhân quyền của phương Tây, còn “Việt Nam không có truyền thống dân chủ, nhân quyền”...

Chúng ta luôn nhận thức rằng, dân chủ và nhân quyền là những giá trị chung của nhân loại được tạo lập qua sự phấn đấu và đấu tranh gian khổ của các dân tộc qua các thời đại. Ngay ở Mỹ và phương Tây, cuộc đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền cũng diễn ra trong một quá trình lâu dài. Bằng chứng là sau khi Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ ra đời năm 1776, ở quốc gia này vẫn còn tồn tại chế độ nô lệ, quyền bầu cử, ứng cử chỉ của “all men” (tất cả nam giới), phải hơn 100 năm sau phụ nữ mới có quyền bầu cử. Sau khi Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1789 ra đời, ở Pháp chế độ nô lệ vẫn tồn tại, quyền bầu cử, ứng cử người của người Do thái và những người không có tài sản vẫn không được thừa nhận. Ở Việt Nam, trong hơn 100 năm bị thực dân và đế quốc đô hộ và xâm lược, quyền tự do và các quyền cơ bản của con người bị tước bỏ. Người Việt Nam chỉ thấy nhà tù, trại tập trung, ấp chiến lược do thực dân, đế quốc dựng lên, phải chịu đựng các cuộc không kích bằng B-52 nhằm “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” và chất độc da cam, hủy hoại không chỉ con người mà cả môi trường sống... Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Người đã nói tới những lời bất hủ về quyền tự do, bình đẳng không ai có thể xâm phạm của con người. Người khẳng định, mọi dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng. Người tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy...". Như vậy là chính nhân dân ta đã đứng lên tranh đấu để giành lại quyền tự do và các quyền cơ bản, dân chủ, nhân quyền là do nhân dân ta tự giành lấy. Ý chí của Nhà nước Việt Nam xuất phát từ nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam đã từng bị tước bỏ những quyền tự do cơ bản nhất khi phải làm người dân thuộc địa và đã phải trải qua muôn vàn hy sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc để bảo vệ những quyền đó kể từ khi đất nước giành lại độc lập năm 1945. Suốt 65 năm qua, Nhà nước ta đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo và thực thi các quyền cơ bản của con người. Chính sách của Nhà nước về dân chủ, nhân quyền được thể hiện bằng luật pháp và các chính sách cụ thể trên các lĩnh vực, thực hiện bằng nhiều cơ chế khác nhau và đưa đến những kết quả tích cực trên thực tế. Hiến pháp và các văn bản pháp luật quy định rõ nội dung quyền, các biện pháp bảo đảm tất cả các quyền dân sự, chính trị cho người dân ở Việt Nam phù hợp với các công ước quốc tế về nhân quyền. Những nỗ lực nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam được các tổ chức LHQ, các ủy ban công ước của LHQ và nhiều đối tác quốc tế đánh giá cao. Hệ thống kiểm tra, giám sát, thực hiện pháp luật ở Việt Nam gồm không chỉ các cơ quan Nhà nước mà cả các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp với sự tham gia của nhân dân và không ngừng được đổi mới theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy hệ thống pháp luật còn thiếu sự đồng bộ, có chỗ còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa theo kịp thực tiễn. Trình độ và nhận thức của một bộ phận cán bộ Nhà nước và nhân dân về pháp luật còn bất cập dẫn đến hiểu sai hoặc thực thi không đúng, có nơi còn xảy ra tình trạng vi phạm quyền dân chủ, việc thụ hưởng các quyền cơ bản của người dân. Có nơi còn tình trạng lợi dụng dân chủ, coi nhẹ kỷ cương, pháp luật... Những khiếm khuyết trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và thực thi pháp luật đang được sửa chữa, khắc phục. Nhân đây cần nói thêm rằng, Việt Nam tuy không phải là nơi sản sinh ra thuật ngữ nhân quyền nhưng rất giàu truyền thống nhân đạo. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và các giá trị nhân văn, cởi mở với sự đa dạng và dung hợp trong tiếp nhận giá trị từ bên ngoài. Trên đất nước Việt Nam, 54 dân tộc anh em chung sống hòa thuận, đoàn kết, không xảy ra xung đột sắc tộc. Tư tưởng nhân quyền bắt nguồn từ tinh thần nhân đạo. Điều này đã tồn tại từ rất sớm trong lịch sử thành văn của dân tộc ta. Đó là những quy định bảo vệ quyền của phụ nữ, bảo vệ quyền sống đối với người vô gia cư, người già, trẻ em (nhất là trẻ em gái)… Những điều này đã được ghi trong Bộ luật Hồng Đức, thế kỷ XV, sớm hơn tư tưởng nhân quyền của nhiều quốc gia phương Tây. Lại nói về Điều 4 của Hiến pháp 1992. Có người cho rằng cần bỏ điều 4 Hiến pháp, lập ra chế độ đa đảng, Việt Nam mới có dân chủ, nhân quyền. Trước hết phải nói rằng, ở Việt Nam chưa bao giờ có cơ chế đa đảng, theo đúng nghĩa của nó. Điều 4, Hiến pháp 1992, chỉ là sự khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được người dân thừa nhận trong suốt quá trình lịch sử cách mạng từ 1930 đến nay mà thôi. Và chính Đảng Cộng sản đang lãnh đạo nhân dân ta xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", phấn đấu thực thi tốt nhất dân chủ và các quyền con người cho nhân dân Việt Nam. Đó là một sự thật hiển nhiên. "Trong một xã hội văn minh, Hiến pháp giữ vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy phạm xã hội. Đó là luật gốc, chứa đựng các nguyên tắc và mang tính tối thượng. Việc giải thích Hiến pháp không thể tùy tiện, đó là công việc của nhà nước, được quy định trong Hiến Pháp"(*). Thế nhưng có người lại nói rằng “Hiến pháp 1992 thừa nhận chế độ đa đảng”. Thiết nghĩ, nếu không phải vì động cơ chính trị thì đó là một sai lầm ấu trĩ. Ở tất cả các quốc gia, nhà nước pháp quyền với hệ thống pháp luật là công cụ quan trọng nhất để bảo vệ Tổ quốc, chế độ xã hội, quyền công dân và quyền con người. Nhà nước có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ quyền công dân, quyền con người. Đồng thời mọi người đều có nghĩa vụ tôn trọng nhà nước và pháp luật. Viện cớ quyền công dân và quyền con người để bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và chế độ xã hội hiện hữu là hành vi vi phạm pháp luật. Việc cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức phát hiện và can thiệp đối với những người vi phạm pháp luật bôi nhọ, xuyên tạc chính sách, pháp luật quốc gia là hoàn toàn cần thiết. Nếu như có những người vi phạm pháp luật mà chưa bị xử lý, thì đó là do sự khoan dung của Nhà nước chứ không phải là sự nhu nhược hoặc pháp luật không cho phép. Đơn giản vì muốn tồn tại, tất cả các nhà nước đều phải tự bảo vệ mình và chỉ có bảo vệ được nhà nước, chế độ xã hội thì quyền và lợi ích của mọi thành viên của xã hội mới được bảo vệ. (*) Trung tâm KHXH và NV quốc gia, “Bình luận khoa học hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, 1992” Điều 91 (khoản 3), nhiệm vụ của UBTV Quốc hội “giải thích Hiến pháp, pháp lệnh” tr. 513. Đông Quan

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/5/5/5/125091/Default.aspx