Hoàn thiện quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trong tham gia giao thông

Dự thảo Luật Trật tự an toàn, giao thông đường bộ đang được xây dựng cần tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan thiết bị an toàn cho trẻ em trong tham gia giao thông; có quy định chặt chẽ về mũ bảo hiểm trẻ em qua ban hành tiêu chuẩn chất lượng mũ bảo hiểm phù hợp cho từng lứa tuổi…

Đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty Honda Việt Nam trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường tiểu học Phú Đô, Hà Nội, tháng 9/2023. (Ảnh: nhandan.vn)

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sắp tới, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua hai dự án luật quan trọng. Đó là dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.

Để đóng góp vào quá trình hoàn thiện 2 dự thảo luật này, hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống giao thông bảo đảm quyền đi lại của người dân, hỗ trợ tốt cho phát triển kinh tế và gắn chặt với bảo vệ môi trường, chiều 7/5, báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông trẻ em đã giảm, tuy nhiên vẫn còn đang ở mức rất cao. Trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông,

Tại tọa đàm, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, một số tổ chức trong nước và quốc tế đã thảo luận làm rõ về thực trạng bảo đảm an toàn trật tự giao thông nói chung cũng như bảo đảm an toàn giao thông cho nhóm yếu thế nói riêng, trong đó có trẻ em. An toàn giao thông cho trẻ em là một vấn đề cấp thiết và cấp bách cần được gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm.

Tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông trẻ em đã giảm, tuy nhiên vẫn còn đang ở mức rất cao. Thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích. Tai nạn giao thông cùng với đuối nước là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em ở nước ta.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khi tham gia giao thông bằng ô-tô, ghế sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ. Nguy cơ chấn thương giảm cho trẻ em ngồi ở ghế sau kể cả trường hợp dùng thiết bị an toàn và không dùng thiết bị an toàn.

Nguy cơ chấn thương sẽ giảm đối với trẻ em ngồi ghế sau trong trường hợp có dùng và không dùng thiết bị an toàn. Cụ thể, với trẻ em không dùng thiết bị an toàn, nguy cơ chấn thương ở trẻ em ngồi ghế sau giảm 26% so với trẻ ngồi ghế trước. Với trẻ em có dùng thiết bị an toàn, nguy cơ này giảm 14%.

Hiện nay, trên thế giới có 115 nước đã có quy định cấm trẻ em ngồi ghế trước ô-tô. Trong đó, có 70 nước cấm hoàn toàn, 45 nước cấm nhưng cho phép trẻ ngồi ghế trước nếu có thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô-tô.

Nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đã có quy định về việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Hiện cũng còn ý kiến khác nhau về giới hạn lứa tuổi/chiều cao của trẻ buộc phải sử dụng thiết bị an toàn khi tham gia giao thông.

Cụ thể, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông quy định: Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô-tô mà không có người lớn ngồi cùng, người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề xuất, trẻ em dưới 12 tuổi và cao dưới 150cm phải được chở bằng thiết bị an toàn trên xe ô-tô dành cho trẻ em phù hợp với tuổi/chiều cao của trẻ để có thể bảo vệ tốt nhất cho trẻ.

Các đại biểu đề xuất, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần xem xét tiếp tục hoàn thiện quy định liên quan thiết bị an toàn cho trẻ em; có quy định chặt chẽ về mũ bảo hiểm trẻ em thông qua ban hành tiêu chuẩn chất lượng mũ bảo hiểm phù hợp cho từng lứa tuổi trẻ em; tăng cường tuyên truyền, giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm…

Ngoài ra, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần hướng tới các chính sách nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em, đồng thời, tiếp tục đề xuất các giải pháp bảo vệ nhóm yếu thế khi tham gia giao thông.

Cùng với đó, các đại biểu cũng nêu lên những hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008 trong việc bảo vệ môi trường, giảm phát thải… Đồng thời, thảo luận và đóng góp các giải pháp, chính sách trong dự thảo Luật Đường bộ, hướng tới phát triển giao thông xanh, bền vững.

Đối với dự thảo Luật Đường bộ, quy định tỷ lệ đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng trong dự thảo đã được lượng hóa, có tính đến điều kiện cụ thể của nước ta và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài.

Tuy nhiên, cần có điều khoản chuyển tiếp cho những đô thị đặc biệt như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các đô thị lớn khác.

Điều này nhằm xử lý trường hợp các đô thị này do kế thừa quy hoạch qua các thời kỳ lịch sử và tiếp nhận những hạn chế, yếu kém trong quá trình quản lý đô thị để lại, nên tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ hiện nay không đáp ứng quy định của Luật.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoan-thien-quy-dinh-ve-thiet-bi-an-toan-cho-tre-em-trong-tham-gia-giao-thong-post808291.html