Hoàn thiện hành lang pháp lý để thu hút giáo viên nước ngoài

Hiện nay, Luật Viên chức chỉ điều chỉnh đối với những nhà giáo Việt Nam (viên chức là công dân Việt Nam), chưa có quy định riêng biệt, đặc thù đối với nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy. Điều này dẫn đến các cơ sở giáo dục gặp khó khi áp dụng và triển khai quy trình tuyển dụng, tiếp nhận nhà giáo nước ngoài.

Đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục đại học, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025”. Một trong các mục tiêu cần đạt được đến năm 2025 là trên 70% cơ sở giáo dục đại học có hoạt động trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới. Chính sách của Đảng và Nhà nước thể hiện rõ quan điểm: Để phát triển nguồn lực cho giáo dục thì không chỉ tập trung phát triển nguồn nhân lực trong nước mà còn cần phải đẩy mạnh thu hút đội ngũ chuyên gia nước ngoài để hỗ trợ và làm giàu nguồn lực trong nước.

Giảng viên nước ngoài giảng dạy tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM. Ảnh: THANH HÙNG

Trong bối cảnh nguồn lực về đội ngũ giáo viên, giảng viên, nhà khoa học trong nước chưa đáp ứng hết được yêu cầu phát triển, tạo nên sức bật cho các trường đại học thì đội ngũ trí thức quốc tế là nguồn bổ sung vô cùng cần thiết. Sự tham gia của giáo viên, giảng viên, nhà khoa học quốc tế không chỉ làm phong phú môi trường học thuật mà còn góp phần cải thiện danh tiếng, vị trí xếp hạng của một trường đại học, sản lượng nghiên cứu và trải nghiệm giáo dục tổng thể cho học sinh, sinh viên. Ngay trong các bảng xếp hạng đại học uy tín của thế giới, tiêu chí về tỷ lệ giảng viên, nhà khoa học quốc tế là 5% (QS World University Rankings) và 2,5% (Bảng xếp hạng các trường đại học châu Á - QS Asia University Ranking và trong Bảng xếp hạng của Tạp chí Times Higher Education - THE Rankings).

Thực tế cho thấy, tại Đại học Quốc gia TPHCM, tỷ lệ người nước ngoài đến làm việc, tham dự hội nghị - hội thảo, triển khai hoạt động thuộc các dự án quốc tế trong giai đoạn 2019-2023 khoảng 8%-15% (chỉ tính trên tổng số 3.500 giảng viên cơ hữu của Đại học Quốc gia TPHCM). Tuy nhiên, số người giảng dạy, nghiên cứu toàn thời gian từ 1 học kỳ trở lên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số này.

Cần cơ sở pháp lý rõ ràng

Việc tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học thời gian qua chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Cùng với khó khăn trong tìm kiếm, thu hút nhân sự phù hợp, hạn chế về nguồn lực tài chính để thu hút, giữ chân chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài thì những khó khăn về thủ tục hành chính cũng đã tạo ra những trở ngại đáng kể.

Hiện nay, khung pháp lý về giáo dục của Việt Nam chưa có quy định chi tiết, đặc thù cho đối tượng nhà giáo nước ngoài, mà nhà giáo nước ngoài chủ yếu đang được điều chỉnh bởi pháp luật về lao động. Theo đó, nhà giáo nước ngoài được xem như người lao động bình thường; trong khi tầm quan trọng, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền lợi của nhà giáo rất đặc thù. Do vậy, việc áp dụng pháp luật về lao động để quy định về tuyển dụng, sử dụng, quyền, nghĩa vụ của nhà giáo nước ngoài hoàn toàn không phù hợp.

Theo quy định, việc quản lý sử dụng lao động là người nước ngoài tại các trường đại học được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và nhiều văn bản dưới luật khác liên quan đến người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Để có được thị thực vào Việt Nam, đối với chương trình làm việc ngắn hạn (dưới 3 tháng), đơn vị trong nước có nhu cầu làm việc với người nước ngoài thực hiện các thủ tục tương đối đơn giản (thực hiện tờ khai, thư mời…) và nộp cho Cục Xuất nhập cảnh là có thể được giải quyết nhanh chóng. Tuy nhiên, đối với các chương trình làm việc dài hạn, trên 3 tháng, người lao động nước ngoài phải có giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động để nộp đơn xin thị thực dài hạn.

Quy trình thực hiện các thủ tục xin giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hiện nay còn phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, gây ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng lao động của các trường cũng như kế hoạch công tác của các giảng viên, chuyên gia nước ngoài...

Trong tiến trình hội nhập, các cơ sở giáo dục trong cả nước rất cần có sự đổi mới về cơ chế, chính sách từ các cấp quản lý có thẩm quyền để tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi trong việc thu hút, tiếp nhận giáo viên, giảng viên, chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy, trao đổi nghiên cứu tại Việt Nam.

Dự thảo Luật Nhà giáo cần làm rõ một số nội dung sau: cần đưa ra một định nghĩa cụ thể về “nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật”, vì hiện nay khái niệm này chưa được ghi nhận trong các văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong việc xác định phạm vi áp dụng các điều kiện, cơ chế, chính sách đối với đối tượng này; cho phép giám đốc đại học công lập được xác nhận giảng viên, nhà nghiên cứu đến làm việc tại đại học không thuộc diện cấp giấy phép lao động; xây dựng và triển khai quy trình kê khai trực tuyến cho trường hợp giảng viên, chuyên gia quốc tế đến làm việc trong khuôn khổ các dự án (không phân biệt dự án ODA hay dự án tài trợ phi chính phủ) và các chương trình tình nguyện viên quốc tế...

TS BÙI THỊ HỒNG HẠNH - Trưởng ban Đối ngoại Đại học Quốc gia TPHCM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-de-thu-hut-giao-vien-nuoc-ngoai-post724761.html