Hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về đất đai (kỳ 4)

Bài 4: Đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - Nhiều vấn đề cần bàn

Thực tiễn tại một số địa phương, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) không đúng quy định về thủ tục, diện tích, cấp chưa đúng đối tượng, cấp trùng, cấp nhầm thửa…

Một số địa phương tiến hành cấp GCNQSDĐ đại trà, chủ yếu dựa vào kê khai của người dân mà không tiến hành xác minh, thẩm định lại hồ sơ, không đo đạc cụ thể nên đã xảy ra trường hợp cùng một thửa đất có hai người cùng được cấp GCNQSDĐ, hoặc đất người này đang sử dụng ổn định lâu dài lại xét cấp cho người khác, hay cấp giấy chứng nhận đất có số thửa, số tờ bản đồ nhưng khi kiểm tra hồ sơ thì không tìm thấy được số thửa đó nằm ở đâu trên bản đồ địa chính và trên thực địa cũng không xác định được vị trí thửa đất đó.

Thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp GCNQSDĐ, chuyển nhượng, thuê đất hiện nay kéo dài, chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân. Nhiều trường hợp, không cấp GCNQSDĐ cho người dân nhưng lại không thông báo, giải thích cho người dân dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện không đáng có….

Khắc phục vấn đề này thì Chính phủ, các Bộ, ngành cần rà soát lại công tác cấp GCNQSDĐ để khắc phục những tồn tại hiện nay, từ đó đẩy nhanh tiến độ và chất lượng cấp GCNQSDĐ trên cả nước.

Theo quy định tại Điều 24 Luật Đất đai thì kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tổng thể là 10 năm và có thể được xem xét sửa đổi 5 năm một lần, trong khi đó thời hạn giao đất cho các chủ thể sử dụng đất lên đến 50 năm. Do đó, trong trường hợp có sự thay đổi về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng đất của các chủ thể được giao đất, rất khó để chủ thể sử dụng đất có thể thích ứng với sự thay đổi. Điều này thường gây thiệt hại và rủi ro cho các doanh nghiệp do việc đền bù thường không bù đắp đủ chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra, nó làm mất cơ hội kinh doanh vì doanh nghiệp sẽ phải mất một thời gian dài để xây dựng cũng như ổn định sản xuất, kinh doanh. Quy định này gián tiếp khuyến khích các chủ thể sử dụng lựa chọn phương án đầu tư ngắn hạn, vô hình chung dẫn tới tình trạng sử dụng đất thiếu bền vững, thiếu hiệu quả.

Tại một số địa phương, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với từng loại đất: nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp… chưa có quy định cụ thể về chế độ quản lý minh bạch, rõ ràng, nên việc chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất, việc lấn chiếm đất vẫn còn xảy ra nhưng không được giải quyết dứt điểm.

Luật Đất đai năm 2003 quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp đất trồng cây lâu năm không quá 50 năm, đất nông nghiệp trồng cây hàng năm là 20 năm. Hết thời hạn trên, nếu người sử dụng có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất, chấp hành đúng quy định của pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và phù hợp với quy hoạch thì sẽ được Nhà nước tiếp tục giao đất. Những trường hợp đã giao đất trước năm 1993 thì được tính thời hạn kể từ ngày 15-10-1993. Tuy nhiên, thủ tục gia hạn như thế nào thì chưa cơ quan nào hướng dẫn cụ thể. Luật cũng quy định đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn, khi hết thời hạn thì Nhà nước thu hồi và khi thu hồi sẽ không được bồi thường. Do vậy, làm cho người sử dụng đất không an tâm canh tác, nhiều trường hợp dẫn tới khiếu kiện phức tạp, kéo dài. Chúng tôi cho rằng cần sửa quy định pháp luật sao cho phù hợp thực tiễn và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Hoài Văn

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/hoan-thien-co-che-chinh-sach-phap-luat-ve-dat-dai-ky-4-c1034n20120405192119390p0.htm