Hóa thạch sinh vật quái dị lộ ra, bí mật đại Tân sinh hé mở

Trông như một nhân vật hoạt hình, hóa thạch sinh vật tiền sử này đã tiết lộ các thông tin quan trọng về cả cây phả hệ và những sự kiện địa chất quan trọng trong thời đại của nó.

Platybelodon là một chi động vật giống voi có biệt danh là “ thú ngà xẻng”. Đây là một chi động vật gồm 5 loài đã tuyệt chủng sống ở châu Âu, châu Á và châu Phi.

Platybelodon có nghĩa “ngà xiên - dẹt” là một thành viên thuộc bộ Proboscidea (bộ Có vòi). Ngày nay chỉ còn một họ duy nhất còn sống sót trong bộ này là họ Voi (bao gồm những con voi chúng ta thấy ngày nay).

Platybelodon là một phần của họ Amebelodontidae đã tuyệt chủng nhưng trước đây chúng từng được cho là thuộc họ Gomphotheriidae. Gomphotheriidae đã phân bố rộng khắp các châu lục ngoại trừ châu Đại Dương và Nam Cực. Chúng xuất hiện lần đầu tiên ở đâu đó cách đây 25 triệu năm và tuyệt chủng khoảng 8000 năm trước vào đầu Thế Toàn Tân.

Platybelodon sống trong thế Trung Tân. Chúng nhỏ hơn một chút so với voi hiện đại, dài khoảng 3m và nặng 2-3 tấn. Hóa thạch Platybelodon thường được tìm thấy gần những nơi có thể từng là nước nên ban đầu, người ta cho rằng chúng sử dụng những chiếc ngà dẹt phía dưới kết hợp với vòi để “múc” các loài sinh vật thủy sinh.

Tuy nhiên gần đây, một nghiên cứu đã xem xét kiểu mòn cong đặc trưng ở ngà dưới để cố gắng tìm hiểu chế độ ăn của Platybelodon và giả thuyết lớn nhất là những chiếc ngà được mài sắc liên tục này được sử dụng để cắt thực vật.

Không giống như một số loài động vật đã tuyệt chủng bị che đậy trong bí ẩn do thiếu bằng chứng hóa thạch, chúng ta thực sự có một bức tranh khá rõ ràng về hình dạng và sự phát triển của Platybelodon nhờ vô số bộ xương và hóa thạch được tìm thấy.

Một mỏ đá ở Mông Cổ đã tiết lộ gần 10 mẫu vật hoàn chỉnh, hầu hết là những con còn rất nhỏ nhiều khả năng chết do bị mắc kẹt trong một khu vực đầm lầy. Một mẫu vật trưởng thành từ địa điểm này thậm chí còn có một bộ xương bào thai giữa các xương chậu của nó.

Nhờ đó, chúng ta có thể thấy Platybelodon phát triển ra sao từ khi còn trong bụng mẹ đến khi trưởng thành. Sự đa dạng trong hóa thạch của chúng còn cho ta biết rằng Platybelodon đực và cái có cấu trúc ngà khác nhau.

Sự khác biệt đó là một ví dụ về sự dị hình giới tính và thường xảy ra do con đực sử dụng ngà của chúng để chiến đấu giành bạn tình. Con đực có ngà trên (ngà xiên) lớn hơn nhiều so với con cái, còn ngà dưới (ngà dẹt) thì giống nhau ở hai giới tính.

Với mỗi loài mới được khám phá, các nhà cổ sinh vật học tiếp tục mở rộng hiểu biết về lịch sử tiến hóa của bộ Có vòi.

Sự tồn tại của Platybelodon cho chúng ta manh mối rất lớn về sự kiện địa chất quan trọng nhất của đại Tân sinh, đó là sự hình thành của cao nguyên Thanh Tạng. Bằng cách nào và khi nào mà cao nguyên Thanh Tạng được nâng lên vẫn là một bí ẩn cho đến nay nhưng các hóa thạch động vật được khai quật ở khu vực này (trong đó có Platybelodon) cho ta manh mối về dòng thời gian của nó.

Vào thời điểm Platybelodon tồn tại ở giữa thế Trung Tân cách đây 11,6 đến 16 triệu năm cao nguyên Thanh Tạng khi đó đã quá cao để động vật lớn sinh tồn vì thế nhiều hóa thạch Platybelodon chỉ được tìm thấy ở phía bắc cao nguyên. jjjlj

Mời quý độc giả xem video: Kinh ngạc về sự trùng khớp giữa gen người và động vật. Nguồn: Kienthucnet.

Lê Trang (theo Animalogic)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/hoa-thach-sinh-vat-quai-di-lo-ra-bi-mat-dai-tan-sinh-he-mo-1810336.html