Hoa tay truyền đời nghệ nhân khảm trai

Chuyện của tôi bắt đầu từ cái khay trà bằng gỗ trắc, mà bố tối đã dùng nửa thế kỷ nay; trong lòng khay có khảm trai hình 5 cậu bé, theo tích truyện tầu xưa, nhằm khích lệ sự học hành cầu danh của con người ta.

Bố tôi mua nó ở phố Hàng Khay, Hà Nội. Tôi còn nhớ ông nắc nỏm khen bàn tay khéo léo của người làng Ngọ, Phú Xuyên đã khảm năm cậu bé sao đáng yêu làm vậy. Sắc đỏ vàng óng ánh ẩn sâu trong những giọt nước đọng lại trên khay.

Ông còn nói mấy chục nóc nhà ở phố Hàng Khay này là do người làng Ngọ kéo về đây lập phường nghề, vừa khảm trai vừa đóng đồ để bán. Tính đến nay, kể đã tới hơn trăm năm, phố ngày càng sầm uất đông vui.

Ký ức con phố Hàng Khay

Tôi vẫn nhớ, phố Hàng Khay chỉ dài chừng hơn 150m, và là phố duy nhất chỉ có dẫy số nhà lẻ, đối diện với Hồ Hoàn Kiếm. Xưa còn có dãy hàng hoa tươi bán ở đầu phố bên hồ. Sau này người ta còn cho xây dẫy quán cho những người ở phường hoa Ngọc Hà đến bán từ lúc trời đất còn sương bay bảng lảng.

Phố Hàng Khay - xưa và nay

Riêng mặt phố bán hàng khảm trai thì lúc nào cũng tấp nập người ra, kẻ vào. Bố tôi còn nói, cách đây chừng trăm năm, những người thợ khảm đã xây một ngôi đền thờ ông Kim, người của làng đã khai mở ra phố Hàng Khay này. Nhưng rồi người Pháp đã cho phá đi để xây nên phố Tràng Tiền ngày nay.

Giờ đây, cũng giống như sự rạn vỡ của cái hình hài 36 phố phường, làng nghề Hà Nội xưa, phố Hàng Khay bị những ngành nghề khác chen lấn, nên phường khảm tan tác, rải rác ra nhiều phố, khắp các quận huyện như hiện nay. Nhưng người làng Ngọ vẫn tồn tại cho dù ít ỏi ở phố Hàng Khay.

Hàng của họ ngày càng tinh tế, phong phú và tạo nên một thương hiệu nức tiếng, ngay cả với những khách hàng nước ngoài. Đi đâu mọi người đều truyền tụng hàng khảm trai ốc làng Ngọ, giờ còn là cái tên đầy đủ - Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, Hà Nội thật tinh xảo và rực rỡ sắc mầu. Một nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp viết sách về các làng nghề ở Việt Nam, in năm 1909, đã từng so sánh hàng khảm trai ốc của người làng Ngọ còn đẹp hơn nhiều so với hàng khảm của người Quảng Đông, Trung Quốc.

Nhìn tranh khảm của người làng Chuôn Ngọ như có lửa cháy sáng, toát lên ánh xạ của bảy sắc cầu vồng. Nhìn mỗi góc hình ảnh lại có một sắc màu khác bừng lên, dưới sự phản chiếu của ánh sáng. Lại chuyện bố tôi kể, ở Hải Phòng còn có người mua bộ sập gụ, tủ chè và tràng kỷ cổ, được khảm bức “Bách điểu chầu Hoàng” và “Tam đại đồng đường”, cùng với nhiều hoa lá chim muông, và trăng sao mây bay, tạo nên sự hòa sắc rất huyền ảo.

Khi có ánh sáng phản chiếu, sắc màu sao lại tươi thắm đến thế, có những đốm đỏ cháy lên như lửa vậy, và nghe như có tiếng chim muông ríu rít, cỏ cây hoa lá rào rạt trong gió reo. Rồi có đêm tối, khi ánh sáng không còn một chút le lói, thì bất ngờ có những tia chớp xanh trong lóe lên từ bức tranh khảm con công xòe cánh. Ai đó đặt cho nó một cái tên, cái ánh sáng ấy là ngọn lửa màu ngọc. Nó cháy trong đêm tối, làm quầng lên một vầng sáng màu xanh trong, dịu mát lung linh huyền ảo như trăng rằm vậy. Đó là những điều bố tôi kể lại làm tôi nhớ mãi cho đến nay.

Những người làm nghề khảm trai xưa

Hiện tôi vẫn dùng cái khay trà của ông cụ để lại. Mỗi lần tiếp khách, tôi lại bồi hồi nhớ lại mọi chuyện và kể lại với bạn trà về cái tích khảm hình năm cậu bé hiếu học. Nhưng bất ngờ có lần, hay tin có người ở làng Chuôn Ngọ, mới đây đã khảm một chữ “Tâm”, với vỏ ốc biển, ánh lên một ánh sáng mầu xanh ngọc, tựa như ngọn lửa biêng biếc xanh, tạo một sắc độ kỳ ảo trong đêm tối. Tôi không thể không ngạc nhiên, vì tôi cứ tưởng những điều bố tôi kể chỉ là huyền thoại; vậy thế là tôi tìm đường về làng Chuôn Ngọ; để tìm lại những ký ức của ngọn lửa trong sự tưởng tượng của tuổi thơ ngày nào.

Tích cổ từ một bông sen

Trước con đường dẫn về làng Chuôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ có những đầm sen. Tháng sáu nắng chang chang, nhưng hương sen thơm ngát, làm tâm hồn tôi có cảm giác lâng lâng như trôi trên đường vậy. Tôi ngoái nhìn những cánh hoa sen hồng đang xòe nở hứng những giọt nắng long lanh rơi nhẹ xuống mặt hồ nước, rồi thầm lặng tỏa hương.

Sự chú ý của tôi về cánh đồng sen, tưởng như sự tình cờ, nhưng khi vào đền thờ tổ nghề của làng, tôi đã được ông Nguyễn Đình Khải, người coi đền kể chuyện có dính líu tới hoa sen của miệt đất vùng chiêm trũng này. Đó chính là sự ra đời của ông tổ nghề từ một bông sen. Câu chuyện về cậu bé Trương Công Thành, được cha mẹ cầu tự mà nên…

Số là, sau ngày đi lễ về, mẹ cậu trong lòng thấy thơ thới và tràn ngập niềm vui. Trong nhà rộn rã tiếng cười và ai nấy đều sung sướng vì một mùa lúa no đủ, thóc chất đầy nhà. Và đêm ấy, trong giấc mơ thần tiên, một con rồng trắng hiện về đậu trên nóc nhà, rồi biến thành một bông sen thơm ngát. Mẹ cậu nâng niu bông sen có mầu hồng thắm như một báu vật trời ban cho mình. Sau đó bà có mang rồi sinh ra cậu, với nước da trắng hồng và tỏa hương thơm …

Quả nhiên, cậu bé Trương Công Thành tỏ ra xuất sắc hơn người, học giỏi, thông minh và khéo tay. Mới mười bảy tuổi, Trương Công Thành đã thi đỗ Thái học sinh, rồi được bổ làm Tướng công Phù Quảng Bá. Chẳng những thế, Trương Công Thành còn được Thừa tướng Lý Đạo Thành yêu quý và gả con gái cho. Khi quân Tống sang xâm lược nước ta, vua nhà Lý lúc đó đã phong cho Trương Công Thành giữ chức Tây đạo Tướng quân, Tham tán phó Nguyên soái, cùng Nguyên soái Lý Thường Kiệt mang quân lên tận phương Bắc trinh phạt quân Tống và thắng lợi trở về.

Sau đó, Trương Công Thành còn thân chinh đi dẹp loạn quân Chiêm quấy nhiễu bờ cõi nước ta. Với nhiều công trạng, ông được vua ban bổng lộc, khen thưởng và thăng chức, nhưng ông đều từ chối và chỉ xin nhà vua cho trở về quê, để đi tu và ngao du mọi phương trời và những nơi bồng lai tiên cảnh.

Mọi người đều ngỡ ngàng, nhưng sau ông đã được toại nguyện và được vua phong cho 4 chữ “Công cái hoàn vũ”, với ý nghĩa được ghi danh có công gìn giữ bờ cõi. Ông đi lễ chùa và ngao du đây đó, người đời còn gọi ông là “Huyền chân bồ tát” để tỏ rõ sự trọng vọng với con người đã có công lớn đối với đất nước, một đời vì dân, nhưng đã không màng danh vọng.

Trở về với đầm sen và con sông quê hương bao đời nay. Rồi tình cờ lại một câu chuyện như trong giấc mơ hiện về, khi ông nhặt được một vỏ ốc đã bị gió mưa và thời gian bào mòn bên dòng suối trôi ra biển lớn. Vỏ ốc ấy như một bông sen ngũ sắc vậy. Dưới ánh sáng trong veo của thiên nhiên, cái vỏ ốc mỏng mảnh toát ra những ánh sáng mầu đến kỳ lạ.

Trương Công Thành ngỡ ngàng vì sắc xanh, đỏ, tìm, vàng tự nhiên đó. Ông nhặt về và cắt ra từng miếng ghép vào những chữ trên hoành phi, câu đối để tạo nên mầu sắc và ánh sáng cho con chữ. Sau khi mài kỹ, những con chữ ấy đã trở thành một bức tranh màu hoàn chỉnh, toát lên một thứ ánh sáng như ảo mộng vậy và gây một cảm xúc bất ngờ cho ông.

Và thế là từ một trò chơi cho con chữ, ông đem về truyền lại cách thức dựng tranh gắn vỏ trai ốc cho mọi người. Sau này công việc trở thành một nghề mới, khảm trai tranh gỗ, trở nên phát đạt cho dân làng. Vậy đó, theo như những di sản mà ông từ đang coi giữ hiện nay, cùng với ngôi đền thờ ông tổ sư Trương Công Thành, đã đánh dấu cái mốc nghề khảm trai được hình thành tại làng Chuôn Ngọ, cách đây đã 1000 năm.

Lung linh bảy sắc cầu vồng

Tôi tò mò hỏi về ngọn lửa màu ngọc, trong bức tranh khảm, phát sáng trong đêm tối, thì ông Khải mỉm cười sau dẫn tôi về nhà. Ông chỉ cho tôi xem những công việc mà con cháu ông đang hối hả làm việc, rồi nói với tôi cứ tự xem khắc biết. Thật khó ngờ, công việc của những người thợ khảm lại tỉ mỉ và phân chia từng phân việc kỹ lưỡng như những người chế tác vàng vậy.

Ở đây họ không dùng lửa để làm ra những mặt hàng như nhẫn, vòng, dây như thợ kim hoàn, mà lại dùng bàn tay khéo léo để thắp lên những ngọn lửa từ những con trai con ốc của đồng quê, biển cả. Làm nghề khảm trai trước hết là công việc của một họa sĩ tạo hình trên mảnh vỏ trai, ốc được chọn lựa và phát hiện chính xác bảng màu thích hợp với ý đồ thể hiện; thứ đến là tài khắc chìm hình trên gỗ, rồi mới đến công đoạn khảm, tức là gắn kết hình đã được cưa cắt vào hình khắc trên gỗ.

Những người thợ khảm không dùng lửa để làm ra những mặt hàng như nhẫn, vòng, dây như thợ kim hoàn, mà lại dùng bàn tay khéo léo để thắp lên những ngọn lửa từ những con trai con ốc của đồng quê, biển cả

Nhưng có lẽ cái khâu khoe hình và khoe sắc, tạo nên tác phẩm là cả một câu chuyện của sự khổ luyện, mà không phải ai cũng làm được. Để thắp lên ngọn lửa kỳ thú của thiên nhiên, muôn màu tỏa sắc, người thợ phải trải qua nhiều ngày đêm mài, xoa đánh bóng rất kỳ công, với nhiều chất liệu khác nhau.

Trước hết họ phải dùng giấy nháp có hạt to để đánh cho phẳng giữa gỗ và những hình trai ốc được gắn vào bằng sơn ta. Sau đó mới dùng giấy nháp hạt nhỏ, xoa cho mịn hình, làm hiện lên những sắc mầu ưng ý nhất. Tiếp theo dùng vôi bột đánh cho sáng bức tranh, thêm nữa còn đánh thêm bằng lá ngái để tìm ra ra độ tương phản thật hài hòa, giữa tối và sáng. Chưa hết, cuối cùng là khâu xoa bột gạo lên để làm sạch và mịn tranh một cách tuyệt đối. Xem ra người ta ví việc khảm tranh, còn khó hơn luyện vàng quả không ngoa.

Trên thực tế, nếu so sánh về giá cả chất liệu, thì những loại vỏ ốc quý hiếm như ốc đỏ, hay vỏ trai Cu Khổng cũng đắt không kém vàng. Thí dụ một con ốc đỏ, được nhập khẩu, phải xẻ ra để ép phẳng; phần đẹp nhất chỉ lựa được vài thanh dài 20cm, rộng chừng 2cm, thì giá đã tới 50 triệu đồng một lạng. Ông Khải kể, nghệ nhân Trần Bá Năm đã khảm “Bức Thư pháp Thiên đô chiếu” khổ lớn (1,93mx1,37m), gồm 222 chữ nho, toàn bằng chất liệu ốc đỏ, tính ra tốn hơn 300 triệu đồng. Đây là bức tranh khảm được công nhận là một kỷ lục của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Vậy nên từ xa xưa, việc chơi tranh khảm trai ốc, hoặc sưu tầm những bộ sập gụ, tủ chè, tràng kỷ có khảm tranh chỉ thuộc về tầng lớp giầu có, chứ không hề được phổ biến như hiện nay. Nhưng giờ đây, vẫn có những thương nhân người Hoa tìm đến làng buôn những bức khảm đẹp, đem về bán lại cho những nhà quyền quý trong nước. Những người này rất thích tranh khảm làng Chuôn và coi chúng như vật báu trong nhà. Họ cảm nhận những sắc màu rực rỡ hiện lên như một phép mầu đầy huyền bí và ẩn chứa một kho báu trong suốt chặng đường làm ăn đầy rủi ro, bất trắc. Chúng thắp lên những ngọn lửa ấm áp và tràn đầy hy vọng.

Ngọn lửa màu ngọc vẫn lung linh

Lần mò mãi, tôi mới tìm được nhà nghệ nhân Tuấn Thanh, người mà tôi hay tin đã khảm chữ “Tâm” bằng một loại vỏ ốc biển có sắc xanh sáng dịu một mầu huyền ngọc. Đây là một sự phát hiện tình cờ, khi người nghệ nhân này muốn thoát khỏi thói quen trong nghề, khi ghép các tích mẫu cổ có sẵn để khảm vào các chữ. Nhiều chữ được ghép bằng câu chuyện bốn mùa cùng với chim hoa lá cành, hay Long ly quy phượng, hoặc trích ở các bộ tranh tứ bình, để tạo nên sự hòa sắc đa dạng, rực rỡ nhất như bảy sắc cầu vồng.

Nhưng chữ của nghệ nhân Tuấn Thanh lại hiện lên với ánh sáng độc đáo, đạt đến độ sâu thẳm của cõi tâm; đó là ngọn lửa màu ngọc an bình, làm cho người ta có cảm giác cuộc sống chậm lại với nhịp điệu hài hòa. Ở đâu đó, con người hối hả với ngọn lửa cháy đỏ, cuồn cuộn như gió cuốn; thì ở đây với ông là con mắt trầm lắng, suy tư và chia sẻ với cộng đồng.

Tôi lặng đi trước con chữ óng biếc mà thiên nhiên hiện lên qua bàn tay của người nghệ sĩ. Hiện lên trước mắt tôi là một ngọn lửa kỳ diệu, một màu ngọc của tâm hồn tràn đầy tình yêu thương; và chúng đang cất lên những lời ca của ngàn đời vang vọng mãi, ngay cả khi màn đêm buông xuống; Ấy là lời ru của người mẹ luôn luôn dịu dàng, ngọt ngào đem lại giấc mơ cho con trẻ, rằng chúng sẽ bay lên các vì sao, một cõi bồng lai tiên cảnh với một bầu trời xanh trong bất tận, cùng với những nụ cười của đôi môi hồng hé nở.

Tôi chợt thấy hương thơm từ đầm sen tỏa lan, rồi những tầu lá sen hiện lên những bức khảm đang rung rinh trước làn gió nhẹ. Bên chúng là những đốm lửa mầu ngọc đang cháy lên dịu dàng.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/hoa-tay-truyen-doi-nghe-nhan-kham-trai-post181083.html