Họa sĩ Lê Thanh Hà - 'gã gàn dở' gìn giữ tinh túy truyền thống qua tranh

Nói anh ấy có cốt cách của một ông đồ gàn xứ Nghệ quả thật không sai, khi anh luôn tìm cho mình một hướng đi mới dù gặp muôn vàn khó khăn vất vả. Anh là họa sĩ Lê Thanh Hà, sinh ra ở TP Vinh, nay cư trú tại TP Đà Nẵng, người miệt mài sáng tạo lối vẽ trên giấy dừa cạn.

Thu nhỏ thế giới qua nét vẽ trẻ con

Thanh Hà kể, cái duyên đưa anh đến với hội họa có lẽ bắt nguồn từ tâm hồn nhạy cảm và trí tưởng tượng của đứa trẻ từ bé đã lẽo đẽo theo mẹ. Mẹ anh là một bác sĩ sản nhi rất giỏi từ những năm 80 của thế kỷ trước. Nghề nghiệp đặc thù khiến bà thường xuyên phải trực đêm, công việc cũng vô cùng bận rộn. Thế nhưng, đứa con nhỏ là anh lại gầy yếu quá, nên bà phải “cắp nách” theo để tiện chăm sóc. Thế là mỗi buổi đi theo mẹ, cậu bé Lê Thanh Hà được dịp ngắm nhìn cảnh vật, quan sát con người, dù chỉ chơi một mình thôi nhưng với cậu, khung trời bao la mênh mông ấy là thế giới thú vị vô cùng.

Một tác phẩm được vẽ trên giấy dừa cạn của họa sĩ Lê Thanh Hà. Ảnh: NVCC

Khả năng hội họa thiên bẩm trong cậu bé Hà được khơi gợi từ những năm lên 9, lên 10. Dạo đó, cậu đã biết thu nhỏ không gian của mình qua những đường nét nguệch ngoạc trên bờ tường, trên khoảng sân. Hà vẽ cây lá, vẽ ông mặt trời chiếu xuống vạn vật, vẽ cả khuôn mặt đăm chiêu của mẹ khi cầm ống nghe đặt lên ngực bệnh nhân. Hà âm thầm chơi với bút chì, cây phấn. Với Hà, thế giới thật đẹp trong tranh. Vậy nhưng, ban đầu, những sở thích con trẻ đó chưa được cả gia đình nhận biết và chú trọng.

Điều ấn tượng nhất trong cậu bé Hà thời đó còn là những hình ảnh quê hương rất đỗi thân thương ở Thanh Đồng, Thanh Chương. “Tôi còn nhớ mỗi lần về quê, cái mùi hương ngai ngái của rơm khô tỏa ra từ bếp nấu của ông bà cứ vướng vít mãi. Tôi nhớ cả cái bậu cửa ông hay dắt tôi qua, nhớ cây khế cho quả ngọt ông bà thường hái cho ăn. Nhớ làm sao dáng hình và tình yêu thương của ông bà” - Thanh Hà bày tỏ. Chính những nỗi nhớ da diết đó đã khiến những bức tranh quê hương hay những bức tranh chân dung về phụ nữ, về người già sau này của anh rất sống động, có hồn.

Những tác phẩm trên tranh giấy dừa của Lê Thanh Hà. Ảnh: NVCC

Càng lớn, Thanh Hà càng ý thức được rằng cuộc đời mình thuộc về hội họa. Vậy nên anh chọn cho mình con đường có cây cọ vẽ và phẩm màu để đi, dù gặp phải không ít chông gai. Những năm tháng mới vào nghề, với bản tính ham khám phá và trải nghiệm những điều mới lạ, anh đã thực nghiệm nhiều loại hình, mở mang nhiều lối đi, nhưng không hiểu sao anh vẫn chưa hài lòng với những gì mình đã đạt được.

Lê Thanh Hà luôn đau đáu với việc giữ gìn những giá trị truyền thống thông qua những bức tranh của mình. Ảnh: NVCC

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật Huế, họa sĩ Lê Thanh Hà từng đi nhiều nơi trên khắp đất nước để tìm hiểu về các nghề truyền thống. Anh chọn mảnh đất Quảng Nam, Đà Nẵng làm nơi dừng chân cho sự nghiệp sáng tác của mình. Năm 2015, Lê Thanh Hà cùng một cộng sự mở không gian Vườn giấy Việt ở Hội An để sáng chế tranh từ dừa nước.

“Tôi mở xưởng làm tranh giấy từ cành dừa nước ở TP. Hội An vì ở đó, nguồn nguyên liệu dừa nước từ rừng dừa Bảy Mẫu khá dồi dào. Bất kể hành trình nghệ thuật nào thì tôi cũng luôn đau đáu với việc giữ gìn điều gì đó truyền thống nhất” - họa sĩ Lê Thanh Hà tâm tình.

“Gã gàn dở” trong hội họa

“Họa sĩ cần nhất không phải là kỹ thuật vẽ mà là tính sáng tạo, sự tưởng tượng và xác định hướng đi của bản thân” - Lê Thanh Hà bày tỏ quan điểm. Thế nên, một lần tình cờ chạy xe dọc con đường biển từ Hội An lên Đà Nẵng, nhìn thấy các khu resort cắt cành dừa cạn trước mùa mưa bão, anh nảy ra ý tưởng làm giấy từ cành dừa. Anh tấp xe vào lề đường, nhặt từng cành dừa lên suy nghĩ. “Từ hôm đó, tôi bắt tay vào làm thử. Làm thử mà thành công. Tranh giấy dừa cạn ra đời hoàn toàn bằng các công đoạn thủ công, nhưng thực sự rất kỳ công” - Lê Thanh Hà nói.

Nhiều bạn trẻ đến xưởng vẽ tranh giấy dừa của Lê Thanh Hà để xin được thực hiện các công đoạn vẽ trên giấy dừa. Ảnh: NVCC

Dĩ nhiên để tạo ra được những khuôn giấy độc đáo và đầy hồn cốt thì người họa sĩ phải chế tác nó vô cùng cầu kỳ. Giai đoạn đầu là làm bột, cành dừa sẽ được xử lý thành từng đoạn nhỏ, lớp vỏ màu xanh bọc bên ngoài cành dừa cùng với lá dừa được dùng để làm chất đốt. Tiếp đó, mang những đoạn nhỏ cành dừa sau khi chặt đem đi nấu với vôi trong 24 giờ đồng hồ rồi bỏ vào máy nghiền thành bột. Trong thời gian chờ ngâm bột, khoảng từ 15 - 17 ngày, họa sĩ Lê Thanh Hà sẽ vẽ những hoa văn, họa tiết trong bức tranh. Sau đó, in decal và cắt lại để tạo nên một khuôn tranh hoàn chỉnh. Công đoạn này thường mất từ 3 - 5 ngày, tùy vào độ khó của tranh.

Khi có khuôn tranh, anh cho bột lên khung lụa và dùng áp lực nước để in hoa văn. Kỹ thuật in này đòi hỏi sự khéo léo của người nghệ nhân để điều chỉnh mức độ nặng, nhẹ của áp lực nước nhằm tạo ra được những lớp dày, mỏng theo ý muốn trên bề mặt giấy. "Đây là công đoạn quyết định bức tranh đẹp hay xấu, tùy thuộc các lớp và độ dày của xơ đủ cho ánh sáng xuyên qua" - Thanh Hà nhấn mạnh.

Từng bức tranh giấy dừa với những chủ đề khác nhau hiện lên dưới ánh sáng lung linh khiến ai chiêm ngưỡng cũng phải trầm trồ, muốn được sở hữu. Người ta càng trầm trồ thán phục khi biết được thời gian hoàn thành, độ kiên nhẫn và đôi bàn tay tài hoa để chế tạo ra nó. Lê Thanh Hà cho hay: “Nếu dễ và đơn giản thì làm sao có thể tạo nên được những thứ độc đáo. Người họa sỹ muốn mang đến sản phẩm nghệ thuật độc đáo cho cộng đồng cần phải tìm được con đường riêng”.

Tranh dừa giấy có nhiều công đoạn công phu đòi hỏi họa sĩ phải hết sức tỷ mẩn và có tay nghề vững. Ảnh: NVCC

Điều khiến mọi người khâm phục hơn cả ở Lê Thanh Hà là anh không dừng lại ở một loại giấy đã được khai phá thành công. Với anh, nguyên liệu tải lên nét vẽ sẽ luôn luôn phải được làm mới trong mỗi không gian sống, mỗi vùng miền. Anh lên tận các vùng cao phía Bắc của Tổ quốc để làm mới loại giấy của đồng bào dân tộc theo cách riêng của mình. Anh lặn lội đến xã Pà Cò, huyện Mai Châu (Hòa Bình) để học phương thức làm giấy truyền thống của người Mông. Anh còn tìm hiểu về kỹ thuật in hoa văn Rakusui Washi bằng áp lực nước của Nhật Bản.

Nhiều người trong giới thường nói về Lê Thanh Hà bằng sự thán phục, nhưng cũng nhiều người cho rằng anh là gã họa sỹ gàn dở, luôn kiếm tìm con đường gai góc, trong khi tranh của anh đã có được thị trường vững chắc. Lê Thanh Hà chỉ nói: “Tôi tự khoác cho mình sứ mệnh gìn giữ những giá trị truyền thống qua tranh”. Bởi thế, anh luôn đau đáu tìm tòi những nét riêng có, mới lạ thông qua những đề tài truyền thống rất Việt Nam, như hoa sen, rồng thiêng… Mỗi tác phẩm của anh khi thể hiện các đề tài truyền thống luôn gợi cho người xem sự thân thương, gần gũi nhưng lại độc đáo khó trộn lẫn.

Cái “gàn” của Lê Thanh Hà còn thể hiện ở chỗ, anh tự mở một xưởng tranh giấy dừa, nhưng bất cứ ai muốn trải nghiệm thì anh đều tình nguyện dạy miễn phí. “Vẻ đẹp truyền thống không mất đi nếu ta biết cách trao truyền, phải có trao truyền thì những nét tinh túy trong văn hóa Việt Nam được cha ông gìn giữ và đúc kết hàng ngàn năm mới được tiếp truyền mãi mãi” - Lê Thanh Hà cho hay.

Thanh Nga

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/hoa-si-le-thanh-ha-ga-gan-do-gin-giu-tinh-tuy-truyen-thong-qua-tranh-post279635.html