Họa sĩ Hà Trí Hiếu: Đổi mới trong quan niệm sáng tác mới quan trọng

Họa sĩ Hà Trí Hiếu là một trong năm họa sĩ của nhóm “Gang of Five” khét tiếng – thuộc trong số những họa sĩ Việt Nam đầu tiên sau thời kỳ đổi mới bước ra khỏi biên giới nghệ thuật Việt, ghi được dấu ấn trên trường quốc tế. Đến thăm ông nhân dịp chuẩn bị tác phẩm tham dự cuộc triển lãm Mở Cửa nhân “30 năm mỹ thuật Việt Nam đổi mới” vào tháng 9/2016, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cởi mở và thẳng thắn tại xưởng vẽ của ông trên căn gác tầng 3 nhà tập thể, khu Văn Chương, Hà Nội.

TS Phạm Long và Họa sĩ Hà Trí Hiếu.

TS Phạm Long: Thưa ông, rất nhiều họa sĩ Hà Nội đến với hội họa như lẽ tất nhiên bởi truyền thống gia đình. Với ông thì sao ạ? Ai là người trong nhà đã ảnh hưởng tới việc ông trở thành họa sĩ? Quan niệm của ông về tính “truyền thống” - “bản sắc” và tính “hiện đại”- “toàn cầu” – “đa văn hóa” trong nghệ thuật như thế nào?

Họa sĩ Hà Trí Hiếu: Tôi sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình không hề có nghề “họa sĩ gia truyền”. Tôi được theo học hội họa là nhờ bố tôi. Ông cụ thời xưa cũng thích vẽ lắm mà không có điều kiện, nên gửi gắm ước nguyện không thành vào tôi chăng. Năm 13 tuổi, ông cụ đưa tôi đến nhà cố họa sĩ Phạm Viết Song để học vẽ. Ở đó, tôi gặp các bạn Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng - sau này đều thành thành viên của nhóm “Gang of Five” - và nhiều người khác về sau cũng trở thành họa sĩ.

Truyền thống, theo tôi dân tộc nào cũng có cả; trong mỗi cá nhân chúng ta đều tiềm ẩn những mã truyền thống, chỉ có bộc lộ nhiều hay ít, ở đâu, khi nào mà thôi. Còn bản sắc thì tùy thuộc vào từng cá nhân; càng nhiều sắc thái riêng, xã hội càng phong phú, nghệ thuật càng phong phú và đa dạng.

Trong đời sống hiện đại, tính hiện đại và tính toàn cầu chắc chắn có tác động chung tới xã hội có thông thương, giao lưu, nhưng trong nghệ thuật, tính hiện đại sẽ tùy thuộc vào mỗi tác giả sẽ nhận thức và hấp thụ thế nào, thể hiện thế nào cũng có khác; mà nếu ai cũng cứ chạy theo cái hiện đại như nhau, chạy theo các mốt như nhau thì “monotone”, thì đơn điệu, rất chán.

Khi tôi vẽ, tôi chỉ quan tâm tới việc làm sao thể hiện được những cảm xúc của mình và những điều mình nhận thức được từ cuộc sống, trong nước hay trên thế giới.

Tại sao ông vẽ? Ông vẽ cho ai? Vì ai? Hay nói cách khác, mục đích tối hậu của nghệ thuật mà ông hướng tới trong sáng tác của mình là gì?

- Tôi vẽ để bộc lộ cảm xúc và nhận thức của riêng mình với xã hội mà tôi đang sống, và đương nhiên phải thỏa mãn mình trước tiên, và sau mới đến công chúng yêu nghệ thuật. Do vậy, mục đích cuối cùng của nghệ thuật của tôi là thỏa mãn chính những cảm xúc và nhận thức cá nhân mình.

Được biết ông là một trong những thành viên của nhóm năm họa sĩ nổi tiếng “Gang of Five”, một nhóm họa sĩ có những hoạt động nghệ thuật cách tân khá sớm ngay sau giai đoạn đầu “thời kỳ Đổi Mới” trong mỹ thuật Việt Nam. Xin ông kể lại tóm tắt nguyên nhân và sự ra đời của nhóm?

- Từ những năm 1974-1975, khi còn học vẽ ở “Lớp vẽ cụ Song”, 13 phố Thiền Quang, tôi đã gặp và chơi với Đặng Xuân Hòa và Hồng Việt Dũng, Nguyễn Linh cũng học vẽ tại đó. Về sau lại quen thêm Trần Lương, Phạm Quang Vinh và một số người khác. Sau khi tốt nghiệp đại học, chúng tôi có sở thích là thường xuyên tụ tập cùng vẽ, cùng bày tranh chung tại số nhà 89 phố Bùi Thị Xuân, nhà riêng của Phạm Quang Vinh. Xét trong bối cảnh sinh hoạt hội họa chung thời bấy giờ, hoạt động cùng vẽ cùng bày của nhóm họa sĩ trẻ chúng tôi là khá mới mẻ. Dần dà, nhóm chúng tôi chỉ còn đọng lại có 5 người là Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Trần Lương, Phạm Quang Vinh và tôi. Đến năm 1990, nhân dịp tưởng niệm 100 năm ngày mất của danh họa Van Gogh, năm người chúng tôi đã cùng nhau bày chung một triển lãm nhóm cho công chúng xem ở gallery số 7 Hàng Khay, nhưng phải đến 1993, nhóm chúng tôi mới chính thức lấy tên là “Gang of Five”.

Đến nay nhóm “Gang of Five” còn sinh hoạt chung hay đã giải thể? Từ bao giờ? Vì sao? Cho đến nay, theo đánh giá của cá nhân ông, thành tựu và vai trò của nhóm trong sự phát triển của lịch sử mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đương đại là gì? Thành tựu của mỗi cá nhân trong nhóm đã đạt được?

- Hiện nay 5 người chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau đàm đạo, trà lá (cười), nhưng không còn các triển lãm chung đứng tên “Gang of Five” nữa. Mỗi chúng tôi đều đã có ngả đi riêng, nhưng nói chung đều cảm thấy khá hài lòng.

Nói về thành tựu và vai trò của nhóm “Gang of Five” với mỹ thuật Việt Nam thế nào chúng tôi xin để công chúng, các nhà phê bình, các sử gia nghệ thuật đánh giá.

Trong quá trình phát triển sự nghiệp, ai là người có ảnh hưởng nhiều tới nghệ thuật của ông? Họ ảnh hưởng thế nào và vì sao?

- Trong số những người có ảnh hưởng nhiều nhất tới tôi phải kể tới họa sĩ Nguyễn Quân. Ông là người có bề dày kiến thức văn hóa và mỹ thuật. Trong quá trình quen biết rồi được làm bạn vong niên với ông, ông luôn trao đổi thẳng thắn và chân tình về những suy nghĩ trong nghệ thuật và về những sáng tác của tôi, nên tôi học hỏi được rất nhiều điều bổ ích.

Cho đến nay, kỷ niệm nào, sự kiện nào ông cho là thú vị nhất hoặc là bước ngoặt trong đời sáng tác của mình? Tại sao?

- Tôi nghĩ kỷ niệm thú vị nhất, cũng là bước ngoặt của tôi chính là sự hình thành nhóm “Gang of Five”. Nhờ sinh hoạt với nhóm này, tôi có dịp ngao du với các bậc trí thức, nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình đàn anh khác, được họ trao đổi các ý kiến sâu sắc, các quan niệm mới mẻ, đáng chú ý, khiến chúng tôi mở mang đầu óc nhiều, và phát triển được tư duy nghệ thuật riêng của mình.

Ông thường vẽ vào lúc nào? Ông bắt đầu một tác phẩm như thế nào? Ông thường tìm cảm hứng hay ý tưởng cho tác phẩm mới từ đâu?

- Tôi có thói quen vẽ vào các buổi sáng, tại xưởng vẽ riêng trong khu tập thể Văn Chương. Đó là lúc tôi cảm thấy tinh thần sảng khoái nhất trong ngày.

Tôi sẽ bắt đầu vẽ một bức tranh chỉ khi mình đã có cảm hứng về một vấn đề gì đó, từ bản thân hay từ xã hội, sau đó phác thảo trên giấy, rồi mới thể hiện lên toan. Có bức tôi vẽ rất nhanh, chỉ 1-2 tuần là xong, nhưng có nhiều bức tôi vẽ mất hàng tháng, thậm chí vài năm. Hoàn thành nhanh hay chậm là phụ thuộc vào hai yếu tố: cảm xúc và nhận thức đối với chủ đề mình đang vẽ. Nếu cảm thấy thiếu hụt, chưa đủ độ thì tôi dừng lại, suy nghĩ, tìm hiểu thêm, bồi bổ thêm kiến thức và cảm xúc, rồi mới bắt tay vào vẽ tiếp được.

Tranh của ông thường có những nhân vật thôn quê, mà ông lại là người phố thị. Điều đó có gì mâu thuẫn chăng? Vì sao ông vẽ về đề tài nông thôn?

- Tôi nghĩ là không mâu thuẫn, vì thứ nhất, xét về bản chất, người thành thị cũng là từ nông thôn đi vào cả. Thứ hai là nông thôn rất gần thành thị, ảnh hưởng qua lại rất nhiều, hàng ngày rất nhiều người nông thôn vẫn đi vào thành phố làm ăn đấy thôi (cười). Thứ ba là tôi cũng có một thời gian sống ở nông thôn, vào thời kì chiến tranh phá hoại ở miền Bắc những năm 1964-1968 và sau đó, 1970-1971. Tôi còn nhiều kỷ niệm tuổi thơ với làng quê lắm.

Cho nên tôi rất thích những đề tài đồng quê, thôn xóm, nó là những chủ đề rộng mở, có cảm giác yên tĩnh, lặng lẽ, quyến rũ với tôi hơn thành thị.

Trong tranh ông thường xuất hiện nhiều hình tượng ca hát? Vì sao? Nó đại diện cho cái gì?

- Ca hát chính là một phần trong đời sống của chúng ta, vui cũng hát, buồn cũng hát. Ca hát trong tranh tôi cũng còn là hình tượng hồn quê cất tiếng, vang vọng nỗi lòng.

Thế còn những chú bò với đủ màu sắc khác nhau cũng thường xuyên có mặt trong tranh của ông. Vì sao vậy? Chúng đại diện cho cái gì?

- Con bò là một trong những chủ thể chính trong đời sống nông nghiệp ngày trước. Con bò là mô-tip chủ đạo trong tranh vẽ về nông-thôn-trong-ký-ức của tôi, tất nhiên. Chứ bây giờ nông thôn còn mấy nơi dùng bò để cày bừa đâu (cười). Còn lý do con bò của tôi có nhiều màu là bởi vì nó là nhân vật của thẩm mỹ, mà đã như vậy thì màu sắc của nó thay đổi tùy thuộc vào mỗi câu chuyện, mỗi bố cục tranh, và tất nhiên cả trạng thái tâm lý, cảm xúc của người vẽ tại thời điểm sáng tác của mỗi một bức tranh cụ thể.

Ông vẽ nhiều chất liệu: acrylic, sơn mài, bột màu? Mỗi một chất liệu có thế mạnh gì để ông thể hiện ? Hay nó thỏa mãn nhu cầu gì khác của ông chăng?

- Trong sáng tác, mỗi họa sĩ đều có một thế mạnh đối với một chất liệu nhất định. Nhưng bên cạnh đó, họ luôn có nhu cầu thử nghiệm những chất liệu khác, đó cũng là một nhu cầu thực sự của người họa sĩ muốn tìm kiếm những cảm xúc mới và những kết quả sáng tạo mới trên những chất liệu mới.

Ông có nhận xét gì về nghệ thuật Việt Nam từ sau thời điểm được gọi là “đổi mới”,1986, đến nay? Các cá nhân? Toàn cảnh? So với lúc mới vào nghề và bây giờ, riêng ông thấy những thuận lợi gì, khó khăn gì?

- Tôi cảm thấy nghệ thuật đã phát triển đa dạng hơn, phong phú hơn về thể loại: ngoài hội họa và điêu khắc, còn có sắp đặt, trình diễn, video-art, nghệ thuật ý niệm, vân vân và vân vân.

Những nghệ sĩ của các thập kỷ 1980 và 1990 đã có nhiều đóng góp vào sự thay đổi cách nhìn, ví dụ như ông Nguyễn Quân vẫn hay nói thời kỳ Đổi Mới có phong trào “Mỹ thuật trở về làng”, tức là các họa sĩ đi vào hiện đại, đương đại bằng cách tìm về những giá trị truyền thống. Nhưng bây giờ, các họa sĩ trẻ cũng có nhiều tác giả hay, tác phẩm hay; họ có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của mỹ thuật Việt Nam đấy chứ.

Riêng về bản thân, tôi thấy bây giờ vẽ tranh có những thuận lợi hơn trước về cơ sở vật chất. Bây giờ nguyên vật liệu sẵn hơn, nguồn thông tin nhiều hơn.

Ông có sống được bằng nghề không ? Ông có nhận xét gì về tình hình thị trường nghệ thuật nước ta?

- Tôi sống được bằng nghề, dù không dư dật lắm.

Về tình hình thị trường thì tôi có biết gì đâu mà nhận xét. Nhưng mà theo tôi, chắc phải có thị trường thì nghệ sĩ mới sống được bằng nghề.

Quan điểm của ông về “đổi mới” trong nghệ thuật?

- Trong nghệ thuật phải cần có sự đổi mới thường xuyên. Đổi mới là đổi mới ngay trong chính mỗi cá nhân, trong quan niệm sáng tác của mỗi nghệ sĩ mới là quan trọng. Nhưng có đổi mới được hay không thì lại tùy thuộc vào tài năng của mỗi người, có khi muốn cũng không được, và nhất là chớ có đổ tại cho hoàn cảnh (cười).

Ông có nhận xét về nghệ thuật Đương đại Việt Nam hiện nay? Điều gì đáng mừng? Điều gì đáng lo? Vì sao?

Nói thực là tôi không quan tâm lắm tới hai chữ “đương đại” hay “vấn đề đương đại” trong nghệ thuật. Tôi chỉ quan tâm tới việc sáng tác của bản thân mình. Nghệ thuật của mỗi cá nhân phải hay thì nghệ thuật chung mới hay. Chứ mình cứ lo đương đại hay không đương đại làm gì!

Triển lãm gần đây nhất mà ông tham gia? Chủ đề? Tác phẩm? Ông có điều gì hài lòng hay không hài lòng với triển lãm đó?

- Đầu năm nay tôi có tham gia một triển lãm nhóm, “Heritage Plus+” ở Hà Nội. Trong triển lãm này, gồm có 7 người, tôi có hai bức tranh là Điền dã 1 và Điền dã 2, cùng có khổ 87x276cm, chất liệu tổng hợp; đều vẽ về chủ đề nông thôn, và cũng vẫn lại có bò (cười). Tôi hài lòng với triển lãm này: địa điểm trưng bày rộng, thoáng; tác phẩm của anh em tham gia nói chung đều thú vị.

Ông có kế hoạch sáng tác hay triển lãm sắp tới không?

- Có chứ, kế hoạch thì lúc nào chẳng có. Nhưng có bắt tay vào sáng tác được hay không lại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Sang năm tôi cũng đã có kế hoạch tham gia một hai triển lãm nhóm.

Ông có điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật đương đại ở khu vực hay thế giới không? Lần gần nhất ở đâu? Khi nào? Ông có nhận xét hay ý kiến gì về các xu hướng của nghệ thuật đương đại Việt Nam đặt trong bối cảnh nghệ thuật khu vực hoặc thế giới?

- Tôi cũng có đi cả Âu, cả Á, tham gia các triển lãm hay đi tham quan, giao lưu với các đồng nghiệp quốc tế. Gần đây nhất là chuyến đi Đài Loan, 2009. Nói chung, theo tôi, các nghệ sĩ ta cũng giỏi tay nghề đấy, mỹ thuật ta cũng không có gì thua kém so với các bạn, về mặt chất lượng nghệ thuật, nhưng rõ ràng ở ta thiếu các mạnh thường quân, các nhà bảo trợ nghệ thuật đầu tư vào nghệ thuật; thiếu các gallery chuyên nghiệp, các curator chuyên nghiệp nên hoạt động nghệ thuật của chúng ta èo uột; chúng ta có nội lực mà không được hỗ trợ, chưa phát huy được, rất đáng tiếc.

Nếu không vẽ, ông sẽ làm gì?

Có lẽ tôi sẽ trở thành kiến trúc sư. Kiến trúc rõ ràng là sự tạo hình của những khối diện lớn, là những tạo hình nghệ thuật trong không gian.

Xin cám ơn ông đã chia sẻ nhiều câu chuyện đời chuyện nghề thật bổ ích và lý thú. Chúc ông sức khỏe và tiếp tục có nhiều thành tựu nghệ thuật mới !

TIến sĩ Phạm Quang Long (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/hoa-si-ha-tri-hieu-doi-moi-trong-quan-niem-sang-tac-moi-quan-trong/126077