Họa sĩ của bản làng vùng cao

Là thầy giáo dạy Mỹ thuật trong trường phổ thông, ngoài thời gian trên lớp, Vũ Điệp dành đam mê cho sáng tác hội họa với những bức tranh phản ánh sinh động vẻ đẹp bản làng vùng cao.

Tháng Giêng ở vùng biên giới huyện Bát Xát hoa đào, hoa mận đã bung nở khắp nơi nhưng vẫn như giữa mùa đông với đợt rét đậm kéo dài. Thời tiết ấy khiến Vũ Hoàng Điệp (Vũ Điệp) nhớ lại nhiều kỷ niệm trong những chuyến đi vùng cao mấy năm qua. Với anh, mỗi chuyến đi đều là những kỷ niệm đáng nhớ. Điều quan trọng đã cho anh nguồn cảm hứng để sáng tác hàng chục bức tranh phong cảnh về vẻ đẹp bản làng vùng cao. Đến thăm nhà họa sĩ Vũ Điệp, ai cũng ngỡ ngàng khi ngắm những bức tranh lớn, nhỏ được anh vẽ và treo khắp không gian căn phòng khách.

Trò chuyện thêm với họa sĩ Vũ Điệp, anh kể thêm nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Một lần, anh nhận lời mời của bà con lên Y Tý vẽ tranh trang trí cho ngôi nhà mới xây. Do công việc nhiều nên phải ở lại để hôm sau vẽ tiếp. Trời rét tái tê, đêm đắp chiếc chăn bông trong ngôi nhà đất tường dày 50 cm mà vẫn không hết lạnh. Sáng sớm hôm sau, mở cửa bước ra, trước mặt anh là một khung cảnh đầy ấn tượng: những đống củi, xe máy, cây cối, cả khoảng sân phía trước được phủ trắng bởi băng tuyết. Những quả hồng đỏ ửng giữa màu tuyết trắng tinh khôi. Khung cảnh ấy anh nhớ mãi và sáng tác bức tranh “Những quả hồng trong mùa đông tuyết trắng”.

Với họa sĩ Vũ Điệp, mỗi bức tranh đều gắn với một kỷ niệm đáng trân trọng. Mới đây, anh vừa hoàn thành bức vẽ “Khúc giao mùa” với khung cảnh những ngôi nhà tường đất bình yên trong vườn hoa đào, hoa mận bung nở rực rỡ. Ngay khi anh đăng lên một số hội nhóm họa sĩ đã có khách ở Hà Nội gọi điện hỏi mua. “Bức tranh đó mình bán được gần 5 triệu đồng. Khoản tiền đó không lớn nhưng mình rất vui vì có những người yêu tranh vẽ, yêu nét đơn sơ của bản làng vùng cao Tây Bắc”.

Chỉ vào bức tranh còn đang vẽ dở, Vũ Điệp bảo đa số tranh của anh vẽ bằng cọ vẽ với chất liệu sơn dầu, acrylic trên khung vải, nhưng anh cũng tìm tòi, sáng tạo nhiều cách thể hiện mới. Như bức tranh mùa xuân này vẽ hoàn toàn bằng bay với những lớp màu nổi tạo hiệu ứng như tranh 3D rất sinh động. Miệt mài với niềm đam mê, đến nay Vũ Điệp đã vẽ hàng chục bức tranh về thiên nhiên, bản làng vùng cao Bát Xát, đặc biệt là về vùng đất Y Tý xinh đẹp. Trong đó, anh đã bán nhiều bức tranh cho người đam mê sưu tầm ở các tỉnh thành trong cả nước. Vũ Điệp thường xuyên đăng các bức tranh trên mạng xã hội, vừa để giới thiệu tác phẩm với người yêu tranh, vừa quảng bá cho vẻ đẹp quê hương.

Những ngày trong tuần, Vũ Điệp bận rộn với công việc lên lớp dạy Mỹ thuật cho học sinh tại Trường Tiểu học thị trấn Bát Xát nơi anh công tác. Vũ Điệp tâm sự: Dạy Mỹ thuật không đơn giản là dạy các em biết vẽ, mà điều quan trọng là giúp các em phát huy năng khiếu, bồi đắp niềm đam mê, khả năng sáng tạo của bản thân, hình thành cảm xúc thẩm mỹ, yêu cái đẹp. Qua vẽ tranh, học sinh có thêm góc nhìn mới với cuộc sống, dám sáng tạo theo suy nghĩ của các em.

Mấy năm trở lại đây, Vũ Điệp có thêm công việc mới giúp anh thêm thu nhập từ nghề cầm cọ vẽ là nhận vẽ tranh tường, trang trí các công trình, nhà ở của người dân trong và ngoài huyện Bát Xát. Công việc đó giúp anh thỏa sức khám phá các bản làng vùng cao, thêm tư liệu, hình ảnh phục vụ đam mê sáng tác. Lên xã vùng cao Y Tý, nhiều du khách không khỏi trầm trồ trước những bức tranh đẹp ở các trường học, homestay, quán cà phê… Đa số tranh vẽ đó là tác phẩm của thầy giáo Vũ Điệp. Ngày nghỉ cuối tuần anh lại ba lô lên đường đến với công trình mới, miệt mài làm đẹp cho những ngôi nhà, những bản làng vùng cao.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/hoa-si-cua-ban-lang-vung-cao-post381145.html