'Hoa mắt ' với ứng dụng khai báo y tế

Liên kết dữ liệu của các app (ứng dụng) khai báo y tế hiện có không chỉ tạo thuận tiện cho người dân mà còn giúp cho công tác truy vết và quản lý tiêm chủng…

Một điện thoại phải cài 3-4 ứng dụng khai báo y tế

Chị Mai Hoa ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cảm thấy vô cùng bất tiện khi phải tải nhiều ứng dụng (app) khai báo y tế về điện thoại như NCOVI, Bluezone. Tuy nhiên, khi nhận được tin nhắn thông báo đi tiêm chủng, chị Hoa lại được yêu cầu tải ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử (Sổ SKĐT) về máy để khai báo bệnh nền…Với một người “mù tịt” về công nghệ như chị, mỗi lần tải ứng dụng, chị Hoa phải nhờ người thân hoặc con phải làm giúp.

Shipper khai báo y tế tại chốt kiểm soát tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: Báo Thanh Niên

Shipper khai báo y tế tại chốt kiểm soát tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: Báo Thanh Niên

Anh Văn Tuấn, ở quận Hoàn Kiếm cho rằng, việc khai báo y tế tại một số cơ quan, đơn vị, bệnh viện đang được thực hiện khá thủ công. Dù đã chủ động khai báo y tế trên tokhaiyte.vn từ nhà, nhưng khi đến một số cơ quan, đơn vị, Anh Tuấn lại được yêu cầu tiếp tục quét mã QR để khai báo y tế lần nữa. Anh Tuấn phàn nàn ở các khu vực này, đường truyền internet không ổn định hoặc có nhiều người vào cùng một lúc, nên việc khai báo mất nhiều thời gian và thậm chí không thể thực hiện thành công, nên nhiều người phải phải thực hiện khai báo y tế bằng bản giấy. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh cao khi phải đứng tập trung để khai báo.

Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội điện tử Việt Nam, khai báo y tế là một hoạt động rất có ý nghĩa, sớm phát hiện những ca nhiễm, nghi nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay đang có nhiều ứng dụng khai báo y tế do các bên khác nhau phát triển, ngoài một số ứng dụng như NCOVI, Bluezone, Sổ SKĐT, tokhaiyte và gần đây nhất TP.HCM, Hà Nội triển khai ứng dụng “Di biến động dân cư” do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tổ chức (C06) nhằm kiểm soát, khoanh vùng cư dân vùng dịch và truy vết F0, F1.

“Mỗi một địa phương làm một phần mềm, đến mỗi nơi lại mở một QR code. Hiện có tới 5-6 ứng dụng khai báo y tế và người dân không biết khai như thế nào? Tại sao không tích hợp trên một phần mềm mà mỗi địa phương mạnh ai người ấy làm?”, bà Hương đặt câu hỏi.

Liên thông dữ liệu các ứng dụng khai báo y tế, tăng tiện ích cho người dân

Các chuyên gia công nghệ phân tích, nguyên tắc khai báo y tế là cần phải định danh của người cần khai báo y tế và địa điểm cần khai báo y tế. Để các ứng dụng có thể liên thông dữ liệu nhau, chỉ cần thống nhất được hai mã định danh của hai đối tượng đó thì mọi hệ thống có thể ghi nhận và chia sẻ thông tin.

Đại diện một công ty công nghệ và giải pháp cho biết, hiện nay có rất nhiều cơ quan liên quan đến hoạt động khai báo y tế từ Bộ y tế, Bộ Thông tin và truyền thông, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chốngCOVID-19… Để giải quyết những bất cập hiện nay, cần xem xét đến công tác tổ chức thông tin và phải thực hiện thống nhất thông tin, dữ liệu của toàn bộ các ứng dụng hiện có. Tất cả thông tin y tế được khai báo từ các ứng dụng, các phần mềm do các đơn vị phát triển khác nhau và thông tin khai báo y tế bằng giấy, phải được số hóa, tập trung về một cổng thông tin tập trung duy nhất của Chính phủ để quản lý thống nhất.

Để làm được điều này, vị chuyên gia này cho rằng, Chính phủ cần có chỉ đạo nhất quán, giao cho một đơn vị duy nhất xây dựng cổng thông tin tập trung về khai báo y tế và phân cấp, phân quyền cho các cơ quan liên quan sử dụng phục vụ cho công tác quản lý y tế, phòng chống dịch. Đây là cách làm đơn giản và đem lại hiệu quả cao nhất.

Ba Bộ: Công an, Y tế và Thông tin và truyền thông cùng phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tiêm chủng và khai báo y tế dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh: Vietnamnet

Ba Bộ: Công an, Y tế và Thông tin và truyền thông cùng phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tiêm chủng và khai báo y tế dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh: Vietnamnet

Bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, cần sớm đẩy nhanh quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong ngành y tế, bao gồm cả thông tin về tiêm vắc xin giúp cho ngành y tế có thể dễ dàng cho công tác quản lý đối tượng tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng… cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phân bổ, điều phối cho phù hợp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an, trung tuần tháng 8, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã chính thức công bố việc triển khai hệ thống quản lý công dân vùng dịch phạm vi toàn quốc trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu.

Nhằm khắc phục những bất cập hiện nay, mới đây, Bộ Công An, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và truyền thông đã có cuộc họp bàn và đi đến thống nhất xây dựng một cơ sở dữ liệu dùng chung dựa trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thống nhất biểu mẫu tờ khai y tế để thuận tiện cho người dân. Như vậy, khi dữ liệu được liên thông, người dân chỉ cần khai báo y tế trên một trong những ứng dụng hiện có Bluezone, NCOVI… lấy mã QR để đi qua chốt kiểm dịch.

Điểm khác biệt lớn nhất của ứng dụng khai báo y tế của Bộ Công an là thông tin khai báo sẽ được xác thực, đối sánh với dữ liệu lưu trữ trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm thông tin khai báo được chính xác. Bộ Công an đang tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện App để tạo thuận tiện cho người dân quá trình sử dụng, thuận lợi cho công tác quản lý.

Hiện Bộ Công an đang phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội triển khai thí điểm hệ thống quản lý tiêm chủng E-vaccine tại điểm tiêm chủng Bệnh viện đa khoa Xanh-pôn. Sau thời gian thí điểm, hệ thống quản lý tiêm chủng E-vaccine sẽ được đánh giá kết quả, tính toán và nhân rộng trên cả nước.

Nguyễn Lê

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/hoa-mat-voi-ung-dung-khai-bao-y-te-30840.html