Hóa đơn tiền điện tăng vọt do thu gộp: Ngành điện đã giải thích, nhiều khách hàng vẫn bức xúc

Nhiều khách hàng sử dụng điện tại Hà Nội bức xúc vì cho rằng tiền điện thu gộp trong gần 2 tháng qua cao hơn nhiều so với việc thu tiền riêng từng tháng.

EVNHANOI đã lắp đặt toàn bộ công tơ điện tử từ xa

Chị Ngô Thị T. (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, kỳ thu tiền điện này của nhà chị kéo dài 54 ngày. Theo cách tính của ngành điện, các bậc thang giá điện nhảy lên bậc 6 và tổng số tiền phải thanh toán là hơn 2,6 triệu đồng. “Nếu ngành điện thu như vậy thì nên tách thành 2 hóa đơn, từ ngày 7-1-2024 đến ngày 6-2-2024 và từ ngày 7-2-2024 đến ngày 29-2-2024. Tính gộp thế này mình không đồng ý và sẽ không nộp tiền điện”- chị T. cho hay.

Tương tự như vậy, anh Nguyễn Văn B. (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho hay: “Tiền điện nhà tôi tăng gấp đôi bình thường. Hơn 5,8 triệu đồng/tháng cho 1 gia đình 3 người không dùng điều hòa và thi thoảng nấu ăn tại nhà trong khi đây là tháng dùng ít điện nhất trong năm…”.

Cùng chung bức xúc này, chị Thúy (Phú Lương- Hà Đông) cũng bất ngờ vì tiền điện phải thanh toán tháng vừa rồi tăng gấp 3. Hóa đơn tiền điện cũng nhảy lên bậc 5 thay vì chỉ bậc 3 như thông thường. “EVNHANOI thay đổi ngày ghi công tơ nhưng phải đảm bảo tính đúng cho khách hàng, chứ giải thích chung chung thì chúng tôi không thấy thuyết phục”.

Trên mạng xã hội, nhiều khách hàng sử dụng điện than thở vì hóa đơn tiền điện đột ngột tăng cao. Trong đó, nhiều hộ gia đình cho biết thời gian tính tiền điện đúng vào thời điểm nghỉ Tết, nhiều gia đình về quê dài ngày. Đây cũng là nhiều gia đình không dùng điều hòa để làm mát vì nền nhiệt độ mùa đông khá thấp. Khách hàng thấy bất thường ở chỗ, hóa đơn tiền điện bỗng dưng nhảy lên bậc cao chưa từng có trước đây và tổng số tiền thanh toán tăng vọt.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng không ít khách hàng cho rằng EVNHANOI tính tiền điện đúng và không thiệt cho người dùng, cũng không thiệt cho doanh nghiệp.

Ví dụ như trường hợp của chị Ngô Thị T., một người dùng cho rằng cách tính giá điện của EVNHANOI là hợp lý. Cụ thể là bình thường chốt số điện từ 7-1 đến 6-2 là 31 ngày, từ mùng 7-2 đến 29-2 là 23 ngày, thì 23/31=0,74 × 50=37 + 50= 87 số bậc 1, tương tự các bậc tiếp theo cũng thế.

Theo giải thích của EVNHANOI, việc thay đổi lịch ghi công tơ và thu gộp tiền điện 2 tháng sẽ không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Đồng thời, EVNHANOI cũng cung cấp công cụ, công thức tính toán, ứng dụng (app) theo dõi lượng điện tiêu thụ để khách hàng có thể tự tính toán, giám sát, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia ngành điện, ông Ngô Đức Lâm- nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam cho rằng, về mục đích, việc thay đổi lịch ghi công tơ điện về cuối tháng là cần thiết để công tác quản lý được chặt chẽ, minh bạch hơn.

"Tuy vậy, việc thay đổi này không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Phải làm sao để thu tiền công bằng để người dân không bị thiệt, không ức chế, cách tính tiền điện phải đơn giản, dễ làm vì điện là mặt hàng nhà nào cũng phải dùng, ảnh hưởng rất lớn. Còn có quá nhiều khách hàng bức xúc như vừa qua thì EVNHANOI nên xem lại cách thức triển khai việc này xem còn khâu nào chưa phù hợp hay không”- ông Ngô Đức Lâm nói.

Theo đó, ông Ngô Đức Lâm cho rằng, việc thông báo lịch ghi chỉ số công tơ và thu gộp tiền điện, cách thức tính tiền, thu tiền cần được thực hiện bởi cơ quan quản lý Nhà nước liên quan, thay vì doanh nghiệp. “Doanh nghiệp chỉ thực hiện chỉ đạo của cấp trên, chứ không thể công bố thay cơ quan quản lý. Vừa qua, chúng ta chưa thấy vai trò của cơ quan quản lý. Phải là cơ quan quản lý Nhà nước công bố thì sẽ dễ thuyết phục người dân hơn.

Mặt khác, khi cơ quan quản lý công bố cách tính tiền, thu tiền, doanh nghiệp thực hiện thì cơ quan quản lý phải theo dõi, giám sát xem doanh nghiệp thực hiện đúng chưa, rồi thông tin lại tới người dân. Việc này cũng chưa thấy rõ”- ông Ngô Đức Lâm nói.

Theo một chuyên gia khác, việc lý giải cách tính tiền điện vừa qua của ngành điện là chưa thuyết phục nên khách hàng còn bức xúc. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là nhiều hộ gia đình vừa qua nghỉ Tết, số ngày nghỉ, ăn uống ở nhà nhiều hơn thay vì đến cơ quan nên tiêu dùng điện có thể nhiều hơn.

Một số khách hàng dù không bật điều hòa làm mát nhưng lại bật chế độ hút ẩm, máy hút ẩm, máy sấy... do thời tiết nồm ẩm hay bật bình nóng lạnh nhiều. Đây cũng là những thiết bị ngốn nhiều điện.

Về hóa đơn tiền điện tăng vọt, vị chuyên gia này cho rằng, theo các thông tư hướng dẫn hiện hành, việc tính giá điện phải theo từng tháng một, chứ không phải hơn 1 tháng. Việc tính số ngày tiêu dùng điện quá 1 tháng có thể khiến lượng điện tiêu thụ bị nhảy sang bậc thang cao hơn. Cách tính đang được ngành điện áp dụng chỉ được áp dụng khi tăng giá điện trong kỳ ghi chỉ số.

“Cách tính giá điện hiện tại không phải gia đình nào cũng bị ảnh hưởng, nhưng những gia đình dùng điện ở mức chấp chới nhảy bậc trong các tháng khác như khoảng 390 số có khả năng sẽ nhảy lên trên 400 số, từ bậc 5 lên bậc 6, sẽ gây bức xúc”- vị chuyên gia nói.

Cũng theo vị này, có nhiều cách tính giá điện khác cần được tham khảo. Ví dụ thu gộp gần 2 tháng thì cứ tháng 1 tính theo cách cũ, tháng 2 tính theo cách cũ, sau đó cộng vào với nhau, người dân sẽ vừa dễ tính, vừa thấy sòng phẳng. Cách tính nào không gây thiệt cho người dân, không gây bức xúc thì nên chọn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hoa-don-tien-dien-tang-vot-do-thu-gop-nganh-dien-da-giai-thich-nhieu-khach-hang-van-buc-xuc-post569156.antd