Hòa Bình: Tận dụng tiềm năng, thế mạnh tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới

Năm 2023, tỉnh Hòa Bình đặt ra mục tiêu có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chuẩn hóa từ 16 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên.

Tính đến năm 2022, toàn tỉnh Hòa Bình đã có 123 sản phẩm OCOP (24 sản phẩm 4 sao và 99 sản phẩm 3 sao); thực hiện chuẩn hóa 2 sản phẩm OCOP 5 sao (dự kiến sẽ trình Hội đồng đánh giá xếp hạng cấp Quốc gia năm 2023).

Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại phường Phương Lâm, Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). Ảnh Sông Thao - nongnghiephuucovn.vn

Đối với việc thực hiện bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 73/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 56,6% (vượt 33% kế hoạch đề ra); bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã.

Toàn tỉnh có 21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 60 khu dân cư kiểu mẫu, 174 vườn mẫu. TP. Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018. Huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Về thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2022, tổng số đơn vị cấp huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới là 10/10, trong đó, có 3 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 2 xã; từ 10 - 14 tiêu chí là 54 xã, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh.

Các địa phương (xã, huyện) đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tiếp tục thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao.

Để thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND ngày 10/10/2022 quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hòa Bình.

Bên cạnh đó, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho từng địa phương, trong đó, tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn; xây dựng, bổ sung hạng mục phụ trợ trong trường học; xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa thôn, xóm, bản theo phong tục tập quán của từng dân tộc thiểu số; xây dựng, nâng cấp, sửa chữa công trình chợ tại xã; xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt tại các thôn, xóm, bản;…

Đồng thời, UBND tỉnh giao cho các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình chuyên đề nhằm góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn; giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Luôn xác định xây dựng nông thôn mới là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, trong năm 2023, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bám sát tình hình thực tế, tận dụng những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo sự đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Theo đó, tỉnh đặt ra mục tiêu, có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 79 xã (đạt 61,2%). Các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí nông thôn mới của tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã. Chuẩn hóa từ 16 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân nông thôn: Giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế…; tạo mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách nhằm huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu dung nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.

Song song đó, từng bước chuyển đổi tư duy, nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ, người dân nhằm phát huy tinh thần chủ động, tự nguyện, tự giác, phát huy nội lực, tham gia đóng góp tích cực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoa-binh-tan-dung-tiem-nang-the-manh-tao-dot-pha-trong-xay-dung-nong-thon-moi-278946.html