Hòa Bình, ghi trên... máy bay

Hồi nhỏ, tôi có một bà dì ruột là thanh niên xung phong ở Hòa Bình. Sau này khi dì chuyển về Thanh Hóa ở với mẹ tôi thì nỗi thảng thốt mỗi khi kể về những ngày Hòa Bình là cái dốc Cun. Thời ấy tôi cũng hay đi xe đạp Thanh Hóa - Ninh Bình, phải qua Dốc Xây nên hỏi dì, nó có bằng cái dốc ấy không, dì lè lưỡi rùng mình, bảo dốc Xây chỉ là… muỗi. Vì thế dẫu thuộc thơ Tố Hữu “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ, đèo Lũng Lô…” thì tôi vẫn cho rằng dốc Cun là… nhất. Tất nhiên, thời dì tôi chắc là chủ yếu đi bộ, anh nào sang thì may ra có cái xe đạp mà… dắt lên dốc.

Thế rồi, hôm qua tôi đã đến... dốc Cun.

Trời ạ, nó đúng là... dốc, bình dị và thân thiện như mọi con dốc trên đất nước Việt Nam này, và có thể trên khắp thế giới này. Anh bạn nhà thơ Lê Va, mới lấy bằng lái được... 2 ngày, lái con xe mượn mà qua dốc vẫn nghe điện thoại, còn tôi thì thò iPad ra ngoài bấm lia lịa...

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Hòa Bình là như thế.

Quả là tôi không nghĩ là Hòa Bình lại... gần Hà Nội đến vậy. Có một ngày rỗi trước khi bay về, tôi chọn Hòa Bình là nơi ghé vì đây là nơi tôi mới chỉ nghe chứ chưa thấy, khước từ một cuộc Phú Thọ, một cuộc Hưng Yên và cả một cuộc Ninh Bình quê ngoại. Lê Va chạy một lèo từ hồ Thiền Quang đến huyện Lương Sơn thì dừng ăn sáng, vẫn phảng phất Hà Nội ở đâu đây, bởi dân ở đây chủ yếu là từ Hà Đông cũ (giờ tất nhiên đã là Hà Nội, lên đây từ hồi sáp nhập tỉnh Hà Sơn Bình. Rồi chưa kể một số xã của Hòa Bình sau ngày mở rộng Hà Nội, được “chia” về Hà Nội, “giúp” Hà Nội có số xã nghèo tăng lên kha khá, giúp Hà Nội vẫn còn có vùng không có điện lưới, khi ngủ vẫn... ba xoa hai đập. Tức là cái ranh giới Hòa Bình Hà Nội nó cứ mong manh khi tôi vun vút ngước vào đám núi lô nhô nhọn hoắt chọc vào mây trắng như là đá cắm ở khu mộ cổ của các quan lang Mường mà Lê Va dẫu đã vượt qua rồi lại cương quyết quay lại cho tôi vào thăm...

Tác giả bên khu mộ của các quan lang Mường (Hòa Bình).

Ở Tây Nguyên, tôi khá rành các kiến trúc và phong tục nhà mồ, nhưng khu mộ cổ của người Mường lại khiến tôi khá chú ý bởi sự khác lạ. Tất nhiên, người thường thì không được như thế, mà là của các quý tộc, các công thần của chế độ thời ấy. Nghe bảo nó hoành tráng lắm, nhưng bị người đời nay đào trộm để tìm vàng bạc châu báu nhiều. Cũng nghe nói đá để dựng xung quanh được lấy từ xứ Thanh, những hòn đá chính còn được khắc chữ nho lên, rất đẹp và đến giờ vẫn rất rõ.

Các quan lang Mường là một bí ẩn cho đến bây giờ. Khác với các già làng Tây Nguyên, quan lang là một chức quan thứ thiệt, bởi người Mường đã có Nhà nước, có lớp lang thân phận trong khi người Tây Nguyên mới chỉ ở thời mạt kỳ mẫu hệ. Nghe nói khu mộ cổ ở Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình này chủ yếu là của dòng họ Đinh Công hùng mạnh nhất của người Mường. Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học thì người Mường và người Kinh là cùng một gốc. Tôi thì thấy, về văn hóa Mường nhiều cái vượt cả người Kinh. Và người Mường ở Kim Bôi gọi khu mộ này là Đống Thếch. Không phải ai cũng được mai táng ở đây và nơi đây là một khu uy nghiêm có tường rào bao quanh, nghe nói ngày xưa còn có cả gái trinh được chôn theo để hầu hạ các cụ.

Tôi đã không trọn vẹn Hòa Bình bởi đã không thể vào bản Lác, với “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, bởi thời gian rất ngắn, cả đi và về gói gọn trong một ngày, dù xứ ấy có nhà thơ người Tày Lò Cao Nhum là thổ địa. Nghe bảo vào đấy, ngồi xếp bằng với Lò Cao Nhum giữa mây, uống rượu ngắm núi, nó mới ra Hòa Bình, mới ra Mường Động... Lại nhớ lần lên Yên Bái nghe nhà thơ Hoàng Thế Sinh giảng cho thế nào là Mường Then (Thanh), Mường Lò, Mường Bi... và các loại Mường, nhưng lại của... người Thái. Nhưng bù lại, tôi cũng được ngồi xếp bằng thưởng thức cơm nếp rau cải nương lợn Mán trên nhà sàn, chuyện trò với các cô gái Mường thứ thiệt. Các chị không còn trẻ, con cái đã lớn, tôi lang thang làm quen... Chị thì đang thu hoạch rau, chị thì nuôi lợn, chị thì... trông cháu... nhưng vẫn rất nền nã, và phải nói thật là rất đẹp. Không béo ục ịch, cũng không lép kẹp “màn hình phẳng” e lệ, không trang điểm, không son phấn... nhưng các chị cứ bừng lên cái duyên cái sắc không phai theo thời gian, dẫu tay có chai hơn chút, gót chân có nứt chút nhưng ngồn ngộn sức sống...

Hồi còn sống ở Thanh Hóa, tôi nhớ có lần được ba chở lên Cẩm Thủy, vào ăn cơm với một nhà người Mường, lần đầu tiên thấy đàn bà mặc váy có hoa văn cứ lạ lạ mà dòm mãi, con nít mà. Rồi nghe các bà, các chị người Kinh tả cảnh người Mường ăn nhái cũng thấy... ghê ghê. Giờ nhái thành đặc sản, các quán bia ở Hà Nội, quán nào có chả nhái quán ấy nghìn nghịt khách. Hòa Bình hiện giờ đang là tỉnh có nhiều người Mường sinh sống nhất trong các tỉnh có người Mường gồm Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nội, chiếm đến 63,3% dân số của tỉnh. Ấy là anh bạn Wikipedia tiếng Việt bảo thế khi tôi cẩn thận tra thêm tí tư liệu về người Mường...

Nghe nói nhiều về Khu du lịch Kim Bôi với suối nước nóng nổi tiếng cùng tên, nhưng quả là hình như cái tên nó vượt xa hơn cái thực tại. Hệ thống du lịch công đoàn Việt Nam hình như là độc quyền cái mỏ nước nóng này, bởi hỏi những nhà sàn vệ tinh xung quanh thì không nhà nào có nước nóng cả, dù đã khoan thăm dò.

...Thì ra, cái Nhà máy thủy điện Hòa Bình nó nằm ngay ở trong thành phố Hòa Bình. Đường lên quanh co khá đẹp, khác với Ia Ly cách thành phố Pleiku đến gần 50 cây số. Và cũng khác là Hòa Bình không... bán vé tận thu như Ia Ly. Khách cứ phóng xe lên tận đỉnh núi có tượng Hồ Chí Minh, đứng đấy chụp ảnh với tượng Bác, với bức thư Sông Đà gửi trăm năm... rồi quay ra chụp ảnh thành phố Hòa Bình từ trên cao với phấp phỏm sương mù. Con sông Đà nghe nói hung dữ ở đâu chứ đoạn chảy qua thành phố khá lành với những khúc quanh rất ngoạn mục. Nó tạo nên một đô thị Hòa Bình đầy ngẫu hứng bất chợt, dù nói thật, về sự phát triển, tôi rất ngạc nhiên rằng tại sao một thành phố cách Hà Nội có hơn một giờ xe chạy mà lại có vẻ... chậm phát triển thế. Ghé Hội Văn học Nghệ thuật, thấy Phó Chủ tịch thường trực, dẫu là ngày chủ nhật, vẫn đến cơ quan cặm cụi viết báo cáo. Viết tay. Hỏi máy tính đâu, thấy cười cười không nói. Lên phòng Chủ tịch cũng không thấy máy tính. Các nhà mặt phố thấy vẫn có vẻ như thị xã thời bao cấp. Lúc đi qua một khu có nhà của nhà thơ, nhà báo Nhan Sinh, hiện là Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Hòa Bình, Trưởng Chi hội Văn học, tôi buột miệng: Giống thị xã Thanh Hóa thời tôi ở quá. Tôi đã xa thị xã Thanh Hóa hơn 40 năm rồi và Thanh Hóa giờ cũng đã lên thành phố. Mà một nhà máy thủy điện, giờ là công ty thủy điện nằm ở ngay trung tâm thành phố là một lợi thế rất lớn để phát triển. Cũng có thể tại tôi chỉ mới cưỡi xe qua thành phố, ngồi uống một ly cà phê ngay trung tâm thành phố, nơi ngày xưa là rạp chiếu bóng, giờ được cho thuê cải tạo thành phòng hát karaoke và bán cà phê?

Nhân vật nhà thơ Lê Va cũng là một “hiện tượng” lạ của Hòa Bình không thể không nhắc, chưa kể cái tên khá lạ so với một mày râu thứ thiệt. Nguyên là đại tá công an, trông rất trẻ (anh sinh năm 1959), từng là phó công an huyện trẻ nhất toàn ngành công an thời ấy, đang làm ở chỗ khá “ngon” là phòng hậu cần công an tỉnh, anh xin nghỉ hưu trước tuổi đến 6 năm để... làm thơ. Trước đó, anh đã in mấy tập thơ và thơ khá hay. Tờ Nghệ thuật mới, một tờ rất kén thơ, in nguyên của anh chùm thơ mười mấy bài đẫy 2 trang báo khổ rộng. Để vừa giúp đời vừa giúp... nhà, anh còn tham gia quản lý một trại cai nghiện tư nhân đầu tiên ở Tây Bắc. Từng là Phó Giám thị trại giam nên anh có kinh nghiệm cai nghiện không chỉ bằng thuốc mà chủ yếu là tâm lý. Nghe nói, rất nhiều trường hợp đã dứt nghiện và không tái nghiện. Anh không dùng từ tái nghiện vì không có khái niệm này, chỉ có là chưa hết nghiện thôi. Về hưu chưa lấy sổ, anh bị/được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 này một cách đường đường chính chính. Khi anh xin nghỉ, công an tỉnh có hỏi cần hỗ trợ gì không? Lê Va bảo thôi thì các anh có lòng thì xin nhận, ấy là xin các anh cho in một tập sách nữa làm kỷ niệm chứ không đề nghị đi nghỉ dưỡng hay tham quan xuyên Việt, xuyên Á gì cả. Nhưng khi nhận chức Chủ tịch hội, thấy kinh phí của hội, trong đó có tờ báo Văn nghệ tỉnh nhà bết quá, anh đề nghị ngay với Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp làm luôn 3 việc: Mở trang an ninh trật tự lấy tên “Vì bình yên cuộc sống” và đưa tờ báo đến các đơn vị công an trong tỉnh; Phát động mở triển lãm ảnh thời sự, nghệ thuật mang tên “Vì bình yên cuộc sống” của tỉnh Hòa Bình lần thứ nhất; in tập sách chung chứ không riêng của anh nữa. Lãnh đạo Công an tỉnh rất hiểu Lê Va và lập tức ra tay phối hợp. Thế là Hội có ngay 80 triệu đồng từ nguồn kinh phí phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm để thực hiện các nội dung trên. Và số báo Tết dương lịch được anh mang đi PR khắp nơi từ nguồn kinh phí ấy, nó khá bề thế trong mặt bằng báo Văn nghệ tỉnh hiện nay... Chưa hết, tân Chủ tịch Lê Va còn hồ hởi khoe, tại Trường cao đẳng Nghệ thuật Tây Bắc sẽ ra mắt Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Hòa Bình và tổng kết có biểu diễn báo cáo kết quả trại sáng tác âm nhạc; rồi khai mạc Triển lãm ảnh cấp tỉnh tại Cung văn hóa, có tất cả các đơn vị công an đến dự... Là người làm ở Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương có thâm niên, tôi thấy mừng và chia sẻ cùng anh, nhất là chỉ mới vài tháng nhậm chức, anh đã cùng ban lãnh đạo làm được nhiều việc lớn trong hoàn cảnh rất “tang thương ngẫu lục” vừa chung vừa riêng mà tôi đã thấy...

Bài này tôi gõ một hơi trên máy bay Hà Nội - Pleiku. Ai bảo bay chậm không có lợi. Nếu bay A321 chỉ một tiếng là tới thì chắc chưa được nửa bài, nhưng nhờ cái ATR 72 cánh quạt của Vietnam Airline mà tôi gõ xong bài này, cảm ơn Vietnam Airline nhé...

Ngày Noel trên máy bay

24/12/2012

Bài và ảnh: Văn Công Hùng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20130118111930650p0c61/hoa-binh-ghi-tren-may-bay.htm