Hòa Bình: Cây 'cầu chết' giữa xóm Sống sắp được 'hồi sinh'

Cây cầu treo dân sinh ở xóm Sống (xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) 'oằn mình chờ sập' khi hàng ngày có hàng trăm lượt đi lại sắp tới sẽ được cải tạo, sửa chữa.

Như Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin, cây cầu treo dân sinh ở xóm Sống là tuyến đường độc đạo của người dân địa phương, sau 12 năm xây dựng và đi vào sử dụng đã xuống cấp trầm trọng. Mặt cầu bằng ván gỗ đã mục nát, nhiều đoạn xuất hiện các khoảng trống đến 30 cm. Dây cáp, gầm cầu, rào chắn hai bên đều đã han gỉ, bong mối hàn, trụ cầu cũng đang bong tróc lớp bê tông để lộ sắt bên trong. Nguy hiểm là thế, nhưng người dân xóm Sống hàng ngày vẫn phải "đánh cược" với mạng sống vì không còn con đường nào khác.

Trước sự việc đó, UBND huyện Tân Lạc có văn bản gửi Sở GTVT tỉnh Hòa Bình về việc xin hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 326/qđ-UBND về việc phân bổ kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ năm 2020 để sửa chữa cải tạo cầu treo xóm Sống, xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, với tổng kinh phí là 800 triệu đồng.

"Ngay sau khi nhận được văn bản xin hỗ trợ kinh phí để sửa chữa cầu của UBND huyện Tân Lạc, chúng tôi lập tức đã chuyển nguồn về cho huyện Tân Lạc để làm cầu treo xóm Sống, xã Nhân Mỹ", ông Bùi Văn Hậu (Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hòa Bình) thông tin đến Báo Gia đình & Xã hội.

Cầu treo dân sinh xóm Sống đã xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, trong khi lưu lượng người qua lại hàng ngày trên cầu lớn.

Cầu treo dân sinh xóm Sống đã xuống cấp trầm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, trong khi lưu lượng người qua lại hàng ngày trên cầu lớn.

Ngày 10/6, UBND huyện Tân Lạc cũng có văn bản phản hồi đến Báo Gia đình và Xã hội sau bài viết: "Chao đảo "cầu chết" giữa xóm Sống, người dân lội suối đưa tang" phản ánh về điều kiện đời sống của người dân và hiện trạng cầu treo xóm Sống tại xã Nhân Mỹ.

Ông Đinh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Lân Lạc gửi lời cảm ơn đến báo vì đã quan tâm, chia sẻ tới những khó khăn về đời sống, cơ sở hạ tầng của địa phương. Hiện tại UBND huyện Tân Lạc đang giao cho các cơ quan chuyên môn hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định, dự kiến sẽ hoàn thành công trình, đưa vào khai thác sử dụng trong quý III năm 2020.

Mặt cầu bằng thân tre nứa sau nhiều năm sử dụng đã mục nát, gãy thành nhiều đoạn.

Mặt cầu bằng thân tre nứa sau nhiều năm sử dụng đã mục nát, gãy thành nhiều đoạn.

Với lưu lượng lớn người và phương tiện qua lại mỗi ngày, mặt cầu treo dân sinh nhanh bị hư hỏng, để lộ những khoảng trống.

Với lưu lượng lớn người và phương tiện qua lại mỗi ngày, mặt cầu treo dân sinh nhanh bị hư hỏng, để lộ những khoảng trống.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Bùi Văn Lịch, Trưởng xóm Sống cho biết, đây là cây cầu huyết mạch, phục vụ việc đi lại của 126 hộ dân với 544 nhân khẩu, đa phần là người dân tộc Mường. Hàng ngày, người dân đi làm nương rẫy hay trẻ con đến trường cũng phải đi qua cầu này. Mùa khô nước cạn thì không sao nhưng đến mùa lũ hoặc những ngày mưa gió, bão bùng thì mỗi lần đi qua cây cầu này đúng như kiểu "đánh cược tính mạng".

"Khổ nhất là mỗi khi trong xóm có người chết, từ các cụ cao niên đến những thanh niên trong làng phải ngồi bàn bạc cùng gia quyến cách đưa linh cữu đến nơi chôn cất phía bên kia dòng suối. Trước đây mọi người hay chuẩn bị những cây tre lớn, rắn chắc chống dưới cầu tránh việc cùng lúc nhiều người đi qua, cầu sẽ bị sập.

Thế nhưng mấy hôm trước, khi trong làng có đám tang, nhìn cây cầu ọp ẹp quá chúng tôi không dám liều làm vậy nữa. Mọi người bàn đi tính lại quyết định cử hơn 20 người lội nước khiêng cả xe quan lẫn quan tài qua suối. Nói dại, ít nữa mưa bão, nước suối sâu mà trong xóm có người chết thì chúng tôi không biết phải làm sao để đưa linh cữu về nơi an nghỉ cuối cùng", ông Lịch chia sẻ.

Trụ cột bê tông hai bên sông lộ rõ vẻ han gỉ, được móc nối chắp vá. Dây cáp, gầm cầu, rào chắn hai bên đều đã han gỉ, bong tróc và lỏng lẻo.

Trụ cột bê tông hai bên sông lộ rõ vẻ han gỉ, được móc nối chắp vá. Dây cáp, gầm cầu, rào chắn hai bên đều đã han gỉ, bong tróc và lỏng lẻo.

Sinh sống ở ngay bên bờ sông, gia đình bà Nguyễn Thị Hiền đã nhiều lần chứng kiến cảnh đưa tiễn người mất mà người sống vô cùng vất vả, nhớ lại những cảnh ấy mà không khỏi xót xa: "Trời nắng, nước suối cạn, đường xuống sông không có nhưng mọi người vẫn phải khiêng cả chiếc xe quan mò mẫm lội nước sang bên kia. Nhiều lần cả xóm rủ nhau bỏ một vài ngày ra để tu sửa lại cầu đi lại cho bớt khổ. Nhưng chỉ được vài tháng, cây cầu bằng tre lại bắt đầu bong tróc, ọp ẹp, đi lại rất nguy hiểm".

Giữa non xanh nước biếc của núi rừng, mỗi lần có một vài chiếc xe máy chở nông sản chạy qua là cả xóm nhỏ như rùng mình. Họ nghe thấy rất rõ tiếng bánh xe qua cầu, tiếng rung lắc cùng âm thanh lay động của những cây tre trên cầu xô vào nhau chực muốn đứt gãy. Hơn 500 người dân xóm Sống vẫn nuôi hy vọng có một cây cầu mới để họ an cư lập nghiệp, con trẻ vui tươi đến trường…

Cao Tuân - Lương Hạnh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/hoa-binh-cay-cau-chet-giua-xom-song-sap-duoc-hoi-sinh-20200612153311893.htm