Hòa Bình: Cần chính sách đầu tư đồng bộ, hỗ trợ đồng bào dân tộc thoát nghèo

Bà con vùng dân tộc tỉnh Hòa Bình rất cần có thêm những chính sách đầu tư đồng bộ để hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn

Ông Bùi Phi Diệp - Chủ tịch UBND xã Yên Trị, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình chia sẻ, thời gian qua, việc phát triển kinh tế xã hội của xã theo mặt bằng chung còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về trình độ nhận thức của bà con. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của toàn xã còn gặp khó khăn hơn bởi bà con dân tộc chủ yếu sinh sống ở vùng núi, vùng sâu vùng xa nên việc phát triển kinh tế chủ yếu bám vào trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ.

 Khu Du lịch Dân tộc Mường tại xã Yên Trị thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và chụp ảnh

Khu Du lịch Dân tộc Mường tại xã Yên Trị thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và chụp ảnh

Trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đưa khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế đồi rừng. Việc đưa các loại giống cây con vào trồng để phát huy lợi thế ở vùng rừng núi có nhiều đất rừng và các loại cây lâm nghiệp còn rất nhiều hạn chế. Hiện nay, phát triển đồi rừng vẫn còn theo tính tự phát, chưa có định hướng để chọn lọc các loại cây con giá trị cao để đưa vào sản xuất kinh doanh. Bà con chủ yếu trồng một số cây như keo, bạch đàn rồi bán nguyên liệu thô, chưa đưa vào chế biến được sâu nên giá trị đem lại rất thấp.

“Trong bối cảnh như vậy, bà con đồng bào dân tộc rất mong Chính phủ, các sở, ban ngành cũng như tỉnh Hòa Bình giúp đỡ cho bà con trong việc vay vốn đầu tư các trang thiết bị như máy chế biến gỗ, các xưởng sản xuất gỗ ép, các loại viên gỗ, viên sinh khối chế biến từ gỗ để tăng thu nhập cho bà con” – ông Bùi Phi Diệp chia sẻ.

Đối với ngành chăn nuôi, bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng Yên Trị chủ yếu chăn nuôi gia cầm, gia súc như trâu, bò, lợn, gà… Mô hình chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ vì không có đầu ra nên không thể nuôi nhiều. Để giúp người dân Yên Trị có được thu nhập tăng trong sản xuất kinh doanh rất cần được sự hỗ trợ về đầu tư khoa học công nghệ công nghệ, quy trình chế biến để đưa sản phẩm thành đồ khô và các dạng đồ ăn được chế biên sâu. Nếu làm được việc đó sẽ giúp cho đời sống bà con từng bước được nâng lên.

Tạo cho người dân “cái cần câu”, chứ không cho “con cá”

Thời gian qua, bà con dân tộc xã Yên Trị mặc dù đã được Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình quan tâm hỗ trợ nhưng chủ yếu mới thực hiện các dự án cho bà con thụ hưởng các nguồn hỗ trợ. Nhưng hiện nay, bà con rất muốn được định hướng, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ… để ứng dụng trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao.

“Theo đó, chúng tôi muốn kiến nghị đối với Trung ương cũng như Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình có mô hình phát triển kinh tế cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số Hòa Bình nói riêng và đồng bào cả nước nói chung theo định hướng tạo sinh kế là “tạo cho người dân cái cần câu” chứ không giao cho người dân con cá” – ông Bùi Phi Diệp chia sẻ.

Nêu cụ thể hơn, ông Bùi Phi Diệp cho biết, hiện nay nguồn vốn của Ban Dân tộc chủ yếu đầu tư vào hạ tầng cơ cở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này là hết sức thiết thực vì giúp bà con có đường đi, có điện, cơ sở y tế… có các hạ tầng cơ sở thiết yếu. Tuy nhiên, để tạo được sinh kế, phát triển được kinh tế bền vùng cho bà con dân tộc thiểu số, cần thêm giải pháp tập huấn cho bà con về kỹ năng, khoa học kỹ thuật và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, từ đó bà con mới có được nghề nghiệp ổn định, có thu nhập bền vững từ chế biến sâu nông nghiệp như thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi giai súc, gia cầm, trồng rừng, phát triển kinh tế từ rừng, du lịch trải nghiệm… Từ đó bà con sẽ có thu nhập bền vững.

Về điện, hiện 100% vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được sử dụng điện, tuy nhiên, trước đây bà con chỉ dùng điện cho sinh hoạt, chưa có nhu cầu dùng điện cho sản xuất. Nhưng hiện nay, đã có nhiều hộ bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa đã biết ứng dụng khoa học công nghệ nên điện sản xuất là rất cần thiết. Chính vì vậy, bà con đồng bào dân tộc thiểu số rất cần điện đưa điện vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa. Nếu vậy thì hệ thống điện cần được nâng cấp.

 Sản phẩm Dược liệu của Hợp tác xã do bà con dân tộc Mường trồng thu hút khách tham quan

Sản phẩm Dược liệu của Hợp tác xã do bà con dân tộc Mường trồng thu hút khách tham quan

Ngoài ra, hệ thống chợ ở đồng bào dân tộc thiểu số là rất thiết yếu, thiết thực cho bà con giao thương, trao đổi hàng hóa. Song song với đó, chợ còn đóng vai trò trong xây dựng và phát triển văn hóa đời sống của đồng bào dân tộc nên chợ là hết sức cần thiết trong việc đầu tư xây dựng, đảm bảo tránh nắng, mưa, không thất thoát về hàng hóa và an toàn cho các hộ tham gia thương mại, trao đổi hàng hóa trên địa bàn vùng sâu, vùng xa được tốt hơn.

Do đó, ông Bùi Phi Diệp kiến nghị Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình xem xét nguồn để đầu tư cho xây dựng chợ nông thôn đủ tiêu chuẩn. Hiện nay một số chợ nông thôn được các tổ hợp tác, hợp tác xã hay các doanh nghiệp đầu tư, giúp phát huy được nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, việc này cũng mang lại bất cập bởi đời sống bà con dân tộc sẽ ảnh hưởng trước hết về phong tục tập quán. Cũng như đi chơi chợ nhưng vẫn phải mất tiền vì các tổ chức thương mại đầu tư nên thương mại hóa bằng cách bán chỗ, bán vé vào, việc này ảnh hưởng lớn tới tâm lý và kinh tế bà con dân tộc bởi kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, rất cần sự chung tay gỡ khó của các cấp lãnh đạo từ trung ương tới địa phương xem xét, quan tâm đầu tư cho bà con dân tộc Hòa Bình nói chung và xã Yên Trị nói riêng.

Kim Tuyến

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoa-binh-can-chinh-sach-dau-tu-dong-bo-ho-tro-dong-bao-dan-toc-thoat-ngheo-280595.html