Hồ Xuân Hương - nàng là ai?

Có thể nói thơ Hồ Xuân Hương là một lễ hội. Trước hết mỗi bài là một lễ hội ngôn ngữ với mọi âm thanh, màu sắc, trò chơi và trò diễn. Sau đó là thơ mang bản chất hội hè.

“Ví đây đổi phận làm trai được”

Vào thời Lê mạt - Nguyễn sơ, chiến tranh liên miên vì “lợi ích nhóm” của các tập đoàn thống trị. Nho giáo suy đồi. Tầng lớp quan binh và thương nhân trỗi dậy. Tư tưởng thị dân làm nảy sinh một tầng lớp trí thức mới, coi trọng cả tài lẫn tình: nhà nho tài tử. Hồ Xuân Hương là con một đồ Nghệ, theo cha đi “bán chữ” khắp thiên hạ, rồi định cư ở kinh đô Thăng Long, một đô thị mà chất thị đang dần dần lấn át chất đô, thương mại lấn át hành chính. Xuân Hương là thị dân một trăm phần trăm, đồng thời cũng là một nhà nho tài tử chính hiệu. Nhưng điều đặc biệt, người đóng cả hai vai trò xã hội này là nữ, là đàn bà.

Chỉ riêng việc Xuân Hương mở Thi xã Khán Xuân, một salon văn chương dân sự đầu tiên ở Việt Nam để chiêu mộ tao nhân mặc khách, đã nói lên nhiều điều. Nhất là việc lựa chọn đường lối cách tân thi ca. Bấy giờ, văn học Nho giáo đã xơ cứng, cạn nguồn. Các nhà nho tài tử phải đi tìm cho nó một nguồn sống mới. Các nam tài tử như Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự đi theo con đường của văn học đô thị Minh - Thanh, phóng tác các tiểu thuyết tài tử giai nhân, đề cao tình yêu tự do.

Thi sĩ Hồ Xuân Hương - tranh của họa sĩ Lê Lam.

Hồ Xuân Hương ngược lại, quay về với lễ hội dân gian, với tín ngưỡng phồn thực. Tìm ở đấy nguồn sống mới cho thơ mình. Mà ở Việt Nam, dân gian lồng vào dân tộc, còn tư duy dân tộc thì lại rất gần với vũ trụ luận cổ sơ. Mã tình dục, tình yêu ở họ vì thế hoàn toàn đối nghịch nhau: một đằng là bác học với những chim xanh, đáo trà mi, ngậm gương, một đằng là bình dân với những ốc nhồi, quả mít, hang động

Với Xuân Hương có thể đây là lựa chọn của bản năng, của thiên tính nữ Việt. Cũng may, vì không đổi phận làm trai được, nên Việt Nam mới có một kỳ nữ, một nhà thơ thiên tài, độc đáo.

“Một đố giương ra biết mấy ngoàm”

Vấn đề nổi cộm của thơ Hồ Xuân Hương là dâm tục. Có người coi thơ nàng là toàn - tục, có người coi thơ nàng có bài tục ít, tục nhiều, thậm chí dâm tục có tư tưởng và không có tư tưởng. Nhưng lại có người coi thơ Xuân Hương không hề dâm tục, vì cái ấy, chuyện ấy là tự nhiên, như đói ăn khát uống, có gì đâu mà dâm tục. Nhưng cả thanh phái và tục phái đều không ai chịu ai, và quan trọng hơn, đều lúng túng.

Bỏ lối tư duy theo nguyên lý loại trừ hoặc là… hoặc là, tôi tư duy theo nguyên lý bổ sung: thơ Hồ Xuân Hương vừa là thanh vừa là tục. Tôi tìm ra một hệ pháp (paradigme) lần ngược lịch sử: thơ Hồ Xuân Hương -> lễ hội phồn thực -> thờ cúng phồn thực -> tín ngưỡng phồn thực. Ở sự tôn thờ sinh sôi nảy nở này thì thiêng và tục là một, trong thiêng có tục, trong tục có thiêng. Thơ Xuân Hương là ảnh xạ, là hoài niệm phồn thực, nên ở đấy thanh và tục cũng là một, như hai mặt của một tờ giấy.

Thơ Hồ Xuân Hương tôn thờ sự sống. Nàng ca ngợi tình yêu, tình dục, sự sinh đẻ, chống lại cái chết và những gì cản ngăn dòng sống.

Nếu Nguyễn Du chủ yếu nói về tình yêu, thì Hồ Xuân Hương chủ yếu nói về tình dục. Tình yêu là câu chuyện cá nhân, tình dục là câu chuyện chủng loại. Giống loài, để duy trì được, phải sinh sôi nảy nở. Thơ Hồ Xuân Hương tôn thờ sự sống. Nàng ca ngợi tình yêu, tình dục, sự sinh đẻ, chống lại cái chết và những gì cản ngăn dòng sống. Hồ Xuân Hương chế giễu sư mô không phải vì chống tôn giáo mà vì họ diệt dục: ngăn trở sự sống một cách nhân tạo. Nàng cũng chế giễu người nữ vô âm, nhưng đằng sau nụ cười là nước mắt, vì đây là lỗi của tự nhiên.

Người đàn bà trong thơ Hồ Xuân Hương, là người duy trì và bảo vệ sự sống. Đây là cội nguồn sâu xa của ý thức nữ quyền trong thơ nàng. Hồ Xuân Hương không chỉ chống bất bình đẳng giới, bất bình đẳng xã hội (Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng), mà quan trọng hơn cả, mới mẻ hơn cả là nhìn vấn đề tính dục bằng con mắt phụ nữ. Và, từ đó có một viết nữ.

Hồ Xuân Hương cũng là người đặt nền móng cho văn học tính dục ở Việt Nam. Nơi vốn không có một giai tầng thống trị giàu có, một tầng lớp thương nhân biết ăn chơi, nên không có truyền thống văn học hoa tình (érotique). Mà khởi đầu cho văn hóa tình dục phải có một quan niệm mới về tình dục, tình dục vị tính dục. Hồ Xuân Hương, một mặt ca tụng thứ tính dục để duy trì nòi giống, mặt khác vượt thoát quan niệm chính dâm này, để chuyển sang một quan niệm về dâm khác, mà Nho giáo gọi là tà dâm, dâm hưởng thụ khoái cảm.

Có lẽ Hồ Xuân Hương là người đầu tiên trong văn học Việt Nam “xướng tên” thứ tính dục ấy. Nàng gọi đó là “thú vui” (Thú vui quên cả niềm lo cũ/Kìa cái diều ai nó lộn lèo, hoặc Còn thú vui kia sao chẳng vẽ/Trách người thợ vẽ khéo vô tình). Đây là chỗ Hồ Xuân Hương, người đàn bà ấy, đã cất tiếng chống lại ý thức hệ chính thống của xã hội đương thời.

“Qua cửa mình ơi nên ngẫm lại”

Cuối cùng, cái làm cho Hồ Xuân Hương trở thành Hồ Xuân Hương, là thiên tài ngôn ngữ của nàng. Tiếng Việt Hồ Xuân Hương, quả thật, rất tài tình. Nàng làm một thứ thơ Đường luật mới, khác hẳn với “hồn Đường” của Bà Huyện Thanh Quan: thơ của động từ, tính từ chỉ phẩm chất và trạng từ chỉ cách thức, mức độ, của từ láy ba và gieo vần hiểm hóc (tẻo tèo teo, hỏm hòm hom…). Đó là thứ ngôn ngữ đối lập và song song, hài hước để nghiêm túc, hồng hào da thịt để lộ ra cốt tủy. Chính thứ ngôn ngữ này đã tạo ra tiếng cười khúc khích thanh tân của nàng, và phong cách ngôn ngữ lệch chuẩn, đúng hơn lệch chuẩn là phong cách của Hồ Xuân Hương.

Một ấn bản thơ Hồ Xuân Hương bằng Pháp văn của Viễn Đông Bác Cổ năm 1968.

Có thể nói thơ Hồ Xuân Hương là một lễ hội. Trước hết mỗi bài là một lễ hội ngôn ngữ với mọi âm thanh, màu sắc, trò chơi và trò diễn. Sau đó là thơ mang bản chất hội hè. Freud bảo: lễ hội là sự vi phạm cấm kỵ một cách nghiêm trang. Ở lễ hội, vào thời gian thiêng và ở không gian thiêng, người hành hương trẩy hội tha hồ thực hiện các hành vi tục tĩu mà ngày thường bị cấm kỵ. Bởi lúc này tục là thiêng, nên không bị phạt vạ. Điều này tạo ra niềm vui, vui như hội vậy. Đây cũng chính là bản chất xả láng của lễ hội. Cũng như vậy, sự thích khoái của đọc thơ Hồ Xuân Hương là ăn quả cấm mà không sợ bị trừng phạt. Niềm vui thẩm mỹ vì vậy mới thật trọn vẹn!

Hiện nay, cái tên Hồ Xuân Hương đã trở thành một danh từ chung hoặc một tính từ. Ai hay làm thơ dâm tục, ai dám nói to lên vấn đề tình dục, thì người ta gọi người ấy, thơ ấy là “rất Hồ Xuân Hương”. Nhà thơ nữ nào ở ngoại quốc nổi tiếng về viết tình dục, như Murasaki, hoặc gần đây Dimitrova, thì được gọi là “Hồ Xuân Hương của Nhật Bản,” “Hồ Xuân Hương của Bulgaria”. Thực ra cách thậm xưng đó không chính xác.

Hồ Xuân Hương so với họ không bạo dạn tình dục bằng, không trực diện tình dục bằng. Bởi, người thơ này nói về dâm tục một cách gián tiếp: lấp lửng hai mặt. Càng tục bao nhiêu thì càng thanh bấy nhiêu. Quả thực, lấp lửng hai mặt ở mọi cấp độ (ngôn ngữ, tư duy nghệ thuật và triết luận phồn thực) mới chính là bản thể thơ Hồ Xuân Hương. Chỉ ở thực chất này, thì Hồ Xuân Hương mới “trao giải nhất chi nhường cho ai” cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới.

Đỗ Lai Thúy

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ho-xuan-huong-nang-la-ai-33389.html