Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm: Giúp bà con miền núi xóa đói giảm nghèo

Nhờ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp nhiều bà con nơi đây thoát đói, giảm nghèo…

Tạo được chỗ đứng vững chắc

Những năm gần đây, việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại nhiều kết quả tích cực; giúp nhiều bà con nơi đây thoát đói, giảm nghèo. Nhiều sản phẩm hàng hóa của đồng bào dân tộc dần có chỗ đứng trong đời sống tiêu dùng.

Không ít sản phẩm của đồng bào dân tộc miền núi đã vào được hệ thống phân phối có uy tín

Thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua đã hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại, bền vững. Nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc miền núi đã vào được hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, ví dụ như Central Retail, MM Mega Market, Hapro…

Ghi nhận tại tỉnh Bắc Kạn cho thấy, đây là địa phương có nhiều sản phẩm đặc sản so với các địa phương khác. Song nhiều năm qua, sản phẩm của bà con nông dân sản xuất ra gặp khó khăn ở thị trường tiêu thụ. Bài toán đầu ra cho sản phẩm chưa có lời giải, khiến đời sống của bà con nông dân ở những vùng sâu vùng xa trong tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Từ khi địa phương ký kết thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong hệ thống các siêu thị Big C đã góp phần phát triển chuỗi cung ứng bền vững cho nông sản, từ giai đoạn sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, từng bước ổn định nguồn thu nhập, cuộc sống của các hộ gia đình nông dân được cải thiện, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Là tỉnh miền núi nằm giáp ranh giữa Đông Bắc và Tây Bắc, Tuyên Quang được thiên nhiên ưu đãi cho phát triển nông nghiệp hàng hóa rất lớn. Các đặc sản như cam sành Hàm Yên, măng khô Tuyên Quang, thịt trâu gác bếp hay rượu ngô Na Hang… đã được người dân khắp cả nước biết đến.

Lãnh đạo Sở Công Thương Tuyên Quang cho biết, những năm vừa qua, sau khi có Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã bắt đầu quan tâm đến chất lượng hàng hóa, phát triển thương hiệu hàng hóa cho sản phẩm nông sản của tỉnh. Đặc biệt thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều hàng hóa của Tuyên Quang được tiêu thụ qua các kênh phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại lớn, cửa hàng, cửa hiệu có thương hiệu và các kênh truyền thống như chợ, thương lái.

Không chỉ ở trong nước, nhiều sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số và miền núi đã hiện diện tại những thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Úc, Thái Lan…

Hỗ trợ tiêu thụ cho bà con

Phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực trung du và miền núi Bắc bộ, vừa tổ chức tại tỉnh Yên Bái, đại diện người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của 14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ đã bày tỏ sự tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời cũng nêu lên nhiều tâm tư, nguyện vọng, mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nhất là xây dựng hạ tầng giao thông từ thôn bản đến xã, kéo điện lưới quốc gia tới các thôn, bản tại vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm...

Về vấn đề hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua nhiều địa phương đã thực hiện tốt bằng việc đẩy mạnh qua phát triển văn hóa và du lịch. Từ thực tiễn tại địa phương, ông Lộc Kim Liễn - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang – cho biết: Giữa hoạt động thương mại với hoạt động du lịch có sự gắn kết rất chặt chẽ, trong nhiệm kỳ này Tuyên Quang chú trọng phát triển du lịch là khâu đột phá, lấy kinh tế du lịch là kinh tế trọng tâm. Vì vậy, tỉnh tập trung phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch lịch sử, homestay, du lịch vào rừng nguyên sinh, du lịch nghỉ dưỡng, tắm bùn ở suối khoáng…

Cùng với đó, Sở Công Thương Tuyên Quang cũng đã có định hướng xây dựng điểm bán hàng tại những vùng phát triển du lịch tốt, xây dựng điểm bán hàng đặc biệt OCOP; phát triển kinh tế đêm kèm bán sản phẩm nông sản để du khách vừa đến chơi, vừa có thể thưởng thức ẩm thực, mua bán sản phẩm dịch vụ và sản phẩm lưu niệm.

Nhiều sản phẩm của bà con vùng miền núi đã có chỗ đứng trong đời sống tiêu dùng

Với vai trò của mình, thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai đồng loạt kích cầu kinh tế trong nước, tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa trong nước và sản phẩm hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ để kết nối tiêu thụ cho được sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số về với miền xuôi, đi được các vùng miền trên toàn quốc và xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành phân tích: Muốn đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền núi, dân tộc thiểu số lên tầm cao mới trước hết phải đáp ứng được xu hướng sống, xu hướng tiêu dùng. Xu hướng đó là là xanh, an toàn, sạch sẽ nhưng còn phải nhân văn gắn với tư tưởng phát triển…

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ho-tro-tieu-thu-san-pham-giup-ba-con-mien-nui-xoa-doi-giam-ngheo-272504.html